Giáo dục

Vì sao phụ huynh vẫn sập bẫy lừa 'chạy trường'

Một số ông bố bà mẹ dù phải vay mượn cũng cố tìm cách "chạy trường" cho con để sau này dễ xin việc, nhất là trường công an hoặc quân đội.

Bị lừa khi chi 400 triệu 'chạy' trường công an

Bùi Thị Hạnh (32 tuổi) dù không có việc làm ổn định nhưng thường chỉnh chu trong bộ quân phục, đeo hàm thượng úy, thi thoảng "rò rỉ" thông tin rằng đang có suất vào học tại Học viện Quân y. Hạnh hứa "giữ suất" với anh Nguyễn Văn Bích với giá 170 triệu đồng. Anh Bích giao đủ tiền và nhận cam kết với nội dung: “Nếu đỗ không hoàn, nếu trượt thì Hạnh phải trả lại tiền”. Chờ đợi nhiều tháng sau khi nộp thêm cả 34 triệu đồng để làm giấy khám sức khỏe và thẩm tra lý lịch, anh Bích đi tìm hiểu mới biết đã bị lừa.

Công an vào cuộc xác định, Hạnh còn lừa 17 người khác với thủ đoạn "chạy trường, "chạy việc" hay đi xuất khẩu lao động, tổng tiền thu lợi bất chính hơn 4 tỷ đồng. Nữ quái sau đó đã bị TAND Hà Nội tuyên phạt 20 năm tù.

Ngày 12/5 vừa qua, Công an TP HCM kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố Lê Kỳ Hùng (33 tuổi) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan vụ án, Nguyễn Thị Ngọc Lê (41 tuổi) bị quy kết có hành vi môi giới hối lộ, Huỳnh Viết Nghiệp (50 tuổi) có hành vi đưa hối lộ.

Theo cáo buộc, năm 2014, muốn lo cho con gái trúng tuyển Đại học Y Dược TP HCM hệ chính quy, ông Nghiệp đã đưa cho Nguyễn Thị Ngọc Lê 35.000 USD nhờ tìm người "chạy" điểm. Lê nhờ Hùng vì được gã khoe là cán bộ thanh tra của Bộ Giáo dục.

Khi gặp mặt, Hùng “chém gió” quen biết nhiều cán bộ có thẩm quyền của Học viện Quân y, có thể can thiệp chấm phúc khảo sao cho đủ điểm đậu. Tin lời, Lê đưa hơn 300 triệu đồng để lo thủ tục.

Cơ quan điều tra còn xác định, cũng trong năm này, Hùng còn lừa hơn 200 triệu đồng của người đàn ông muốn lo cho con vào học hệ cử tuyển Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP HCM. Ngoài ra, viên thanh tra dỏm này còn hứa nhập hộ khẩu cho cậu sinh viên.
Huỳnh Quang Phong mạo nhận là Thanh tra Bộ Giáo dục.

Mới đây nhất, ngày 21/5 , Công an Hà Nội tạm giữ Huỳnh Quang Phong (55 tuổi) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo buộc, ông Phong tự giới thiệu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xây dựng 69 Hà Nội, quan hệ rộng có khả năng “chạy” vào các trường công an, cảnh sát.

Tháng 8/2014, ông Phong biết chị Cao Thị Hằng(trú ở Hoài Đức, Hà Nội) có nhu cầu xin cho người nhà là anh Võ Duy Hân vào học tại Trường trung cấp Cảnh sát Nhân dân VI (tại Hưng Yên) nên tìm đến, thuyết phục sẽ "chạy" cho anh Hân với giá 400 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận, chị Hằng chuyển tiền cho Phong trong 3 lần, đều có giấy biên nhận.

Cùng thời điểm, ông Phong thỏa thuận với anh Nguyễn Hoàng Quang (bạn chị Hằng) về việc "chạy một suất" vào Trường trung cấp Cảnh sát vũ trang (tại Chương Mỹ, Hà Nội) cho người nhà anh Quang với giá 380 triệu đồng. Anh Quang tin, chuyển cho Phong 2 lần tiền, tổng cộng 230 triệu đồng. Số tiền còn lại thoả thuận khi nhập học sẽ giao nốt. Mãi không thấy người nhà được gọi đi học, các nạn nhân mới biết bị lừa.

Cơ quan công an nhiều lần khuyến cáo các vụ lừa kiểu này, khẳng định "không bao giờ có" và không ai có thể “chạy” được vào các lực lượng vũ trang. Dù vậy, mỗi khi đến mùa tuyển sinh, loại lừa đảo kiểu này lại nở rộ và phụ huynh vẫn nháo nhác “chạy” trường, mua suất cho con vào Đại học.

'Chạy' cho con vào đại học vì sĩ diện, coi trọng bằng cấp

Lý giải về việc thủ đoạn lừa "chạy trường" tuy không mới nhưng vẫn nhiều phụ huynh mắc bẫy, chuyên gia tâm lý Minh Hoa (Viện Tâm lý & Giáo dục Pháp luật, TP HCM) cho rằng do cha mẹ luôn mong muốn con có công việc ổn định, không phải lao động chân tay vất vả, khổ cực. Họ nghĩ chỉ vào đại học mới có tương lai, đây là "con đường" đầu tư khôn ngoan và ngắn nhất.

Hơn nữa, người Việt vốn luôn coi trọng bằng cấp. Nếu trong gia đình có con học đại học sẽ là tấm gương cho những đứa em, là niềm hãnh diện với người xung quanh... Vì thế nhiều ông bố bà mẹ dù phải đi vay mượn cũng cố tìm cách "chạy trường" cho con để sau này dễ xin việc, thường là trường công an hoặc quân đội. Họ thường làm việc này một cách âm thầm, cố gắng bí mật thông tin vì thế khi bị lừa cũng có ngại không dám lên tiếng mà âm thầm thương lượng đòi lại tiền.

Theo bà Minh Hoa để hạn chế và đẩy lùi nạn chạy trường các phụ huynh cần phải thay đổi quan niệm về việc học, phải hiểu con có đam mê, chăm chỉ học thì mới có thành công. "Thử tưởng tượng, bạn đã dạy con tính ỉ lại, dựa dẫm. Sức học không tốt cũng không cần cố gắng vì đã có cha mẹ "chạy trường". Tốt nghiệp xong thì đã được "chạy việc". Sức phấn đấu và tính tự lập của con bạn sau này trong cuộc sống sẽ như thế nào?", chuyên gia nói.

4 tội có nguy cơ đối mặt khi "chạy trường"

Theo luật sư Giáp Quang Khải (Giám đốc Công ty luật Nam Bạch Đằng, thành phố Bắc Giang) có 4 hành vi thường bị quy kết trong các vụ án "chạy trường". Đó là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với dấu hiệu cáo buộc là khoác lác có khả năng làm một việc mà pháp luật không cho phép để nhận tiền.

Thứ hai là tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Thứ ba là tôi Nhận hối lộ khi nghi can lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc các mối quan hệ của mình, nhận tiền để “bán suất. Tùy vào số tiền nhận hối lộ và mức độ gây thiệt hại mà kẻ nhận hối lộ có thể bị phạt tiền, phạt tù 6 tháng, 15 năm, chung thân hoặc tử hình.

Thứ tư là tội Đưa hối lộ, môi giới hối lộ. Đây là người trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi "chạy trường". Người vi phạm có thể bị phạt tiền, phạt tù 6 tháng, 12 năm hoặc 20 năm.

Tác giả bài viết: Phan Xâm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP