Thể thao

Vì sao bóng đá Thái Lan vượt xa Việt Nam?

Được thi đấu chính thức nhiều hơn các đồng nghiệp Việt Nam đến 2-3 lần nên dễ hiểu các cầu thủ trẻ Thái Lan sớm dày dạn trận mạc và không bị khớp khi bước ra các sân khấu lớn hơn.

Bản lĩnh thi đấu là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa cầu thủ Thái Lan và Việt Nam. Tại AFF Cup vừa qua, người hâm mộ không thấy lạ khi một ngôi sao của Việt Nam như Công Vinh có những pha chạm bóng lỗi. Ngược lại, Teerasil Dangda có những tình huống xử lý ngoạn mục, chuẩn mực kỹ thuật.

Anh Huỳnh Trí Thiện, nghiên cứu sinh ngành Quản lý thể thao tại Thái Lan cho rằng điều này không liên quan đến chuyên môn hay kỹ thuật cơ bản mà chủ yếu do tâm lý căng cứng khi thi đấu. Teerasil Dangda ít hơn Công Vinh 3 tuổi nhưng kinh nghiệm ở trận đẳng cấp quốc tế nhiều hơn hẳn.

Chân sút sinh năm 1988 từng sang Man City (Anh), La Liga (Tây Ban Nha) tập luyện. Ở cấp độ ĐTQG, Dangda và tuyển Thái Lan thường xuyên chạm trán với những đội bóng nhỉnh hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Điều đó giúp tiền đạo này nâng cao được trình độ của mình.


Teerasil Dangda ghi 2 bàn vào lưới Australia tại vòng loại World Cup 2018. Ảnh: Getty Images.

Tầm đỉnh cao là thế còn ở góc độ đào tạo trẻ, Thái Lan cũng đầu tư không tiếc tiền. Bắt đầu từ năm 2016, FAT phối hợp cùng Tổng cục thể thao Thái Lan (SAT) tổ chức Thai Youth League với thể thức thi đấu vòng bảng 2 lượt ở 8 khu vực rồi mới thi đấu vòng chung kết cũng với thể thức knock-out 2 lượt cho các cầu thủ lứa tuổi U13, U15, U17 và U19.

Điều này khiến cho kinh phí cho bóng đá trẻ tăng lên nhưng cũng giúp cho các cầu thủ trẻ có thể thi đấu được nhiều hơn và cũng có cảm giác thi đấu sân khách - sân nhà tương tự đàn anh ở đội lớn.

Một đội có thể thi đấu đến 14 trận tại vòng bảng chưa kể số trận ở VCK. Tính ra một cầu thủ trẻ có thể ra sân đến vài chục trận ở cấp độ CLB, chưa kể ở các đội trẻ quốc gia của Thái Lan. Số lượng này nhiều hơn tại Việt Nam. Hầu hết VCK giải trẻ do Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức đều chia bảng, chọn 2 đội đứng đầu mỗi bảng đá bán kết, chung kết. Đội vô địch thường đá tối đa 5 trận.


Bóng đá trẻ Thái Lan được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp. Ảnh: Thai Youth League.

Việc thi đấu với cách thức giống các anh của đội lớn giúp các cầu thủ sớm thể hiện sự tự tin. Những học viện bóng đá của các CLB hàng đầu Thái Lan như SCG Muangthong United, Buriram United, Chonburi FC, Bangkok Glass FC đều gửi quân tham dự để các tài năng nhí có thêm nhiều cơ hội cọ xát. Ngoài ra, họ cũng phối hợp với các chuyên gia nước ngoài để xây dựng một hệ thống phát triển bóng đá trẻ bài bản và khoa học.

Trong vài năm trước đây, chất lượng của HLV phụ trách tuyến trẻ ở các học viện chưa đáp ứng theo sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan. FAT đã nhanh chóng hành động. Các lớp HLV theo tiêu chuẩn AFC liên tục được tổ chức tại Bangkok để nâng cao trình độ HLV nội. Đỉnh điểm là đến tháng 11/2016, FAT đã tổ chức Lớp HLV AFC Pro-license cho hơn 20 HLV bản địa, trong đó có cả Kiatisuk, để đáp ứng yêu cầu của AFC đối với HLV đội tuyển quốc gia kể từ năm 2018.

Đề cao bóng đá học đường

Ở tuyển Thái Lan hiện tại, nhiều ngôi sao có xuất phát điểm từ bóng đá học đường như Sarach Yooyen hay Chanathip Songkrasin. Theo anh Huỳnh Trí Thiện, chính phủ Thái Lan luôn tạo điều kiện cho thể thao, đặc biệt là bóng đá, phát triển như là chương trình trọng điểm quốc gia.

Thời gian học từ 8h đến 14h30 luôn rất thuận tiện cho việc phát huy năng khiếu của học sinh Thái Lan. Từ 14h30 đến 17h là thời điểm mà các trường dành cho học sinh tham gia các hoạt động nhóm từ thể thao đến văn hóa – nghệ thuật. Cộng thêm với việc các trường học phải đảm bảo không gian cho học sinh chơi thể thao cũng hỗ trợ hiệu quả cho các đội bóng đá ở trường.


Sarach Yooyen trưởng thành từ khi chơi bóng ở trường Assumption College Thoburi. Ảnh: Getty Images.

Ngoài ra, việc liên kết giữa các học viện bóng đá chuyên nghiệp với các trường học đảm bảo cho các cầu thủ trẻ được học văn hóa, đồng thời giúp cho chất lượng tập luyện của các đội tuyển trường học được nâng cao.

Trước khi hệ thống Thai Youth League ra đời, từ 30 năm quốc gia này vẫn đều đặn duy trì Coke Cup để các cầu thủ trẻ U17 và U19 có dịp để có xát. Đầu tiên là các đội bóng ở 8 khu vực Thái Lan sẽ thi đấu với nhau để chọn ra đội vô địch. Tại vòng chung kết, mỗi đội sẽ bốc thăm để xem đội nào sẽ được đấu sân nhà, theo thể thức knock-out.

Đến trận chung kết sẽ diễn ra tại sân trung lập ở thủ đô Bangkok. Đội vô địch Coke Cup ở lứa tuổi U19 sẽ được một chuyến đi tập huấn và thi đấu giao hữu tại những nước có nền bóng đá phát triển trên thế giới trước khi các cầu thủ trẻ có quyết định theo con đường thi đấu chuyên nghiệp hay không.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng - Trí Thiện

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP