XEM CLIP:
Phát hiện cấp trên tham nhũng đâu dễ
UB Tư pháp nhận định: “Có tham nhũng ngay trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng”. Là người trực tiếp tham gia công tác PCTN, ông suy nghĩ gì về điều này?
Đó là một thực tế tất yếu. Có rất nhiều cơ quan liên quan đến công tác PCTN chứ không riêng cơ quan thanh tra. PCTN là sự nghiệp của toàn dân, các cơ quan tổ chức đều tham gia vào. Trong những lực lượng nòng cốt thì có thể có những cá nhân vi phạm này khác, vì lợi ích cá nhân mà bao che hoặc trực tiếp có vi phạm.
Nhưng báo cáo của Tổng Thanh tra cho biết có nhiều vụ án tham nhũng lớn, người đứng đầu là chủ mưu khiến cho việc xử lý các vụ án này khó khăn hơn?
Trong thực tế bây giờ có những vụ tham nhũng mà người đứng đầu đồng thời cũng là người chủ mưu. Cái này xử lý cũng rất nghiêm. Thực tế nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn vừa qua người đứng đầu đều bị xử lý và xử lý nặng chứ không có chuyện từ hình sự mà xử lý hành chính, tình trạng án treo cũng giảm rất nhiều.
Người lãnh đạo dù là cấp nào nhưng nếu tham nhũng đều bị xử rất nặng.
Xử lý nghiêm minh nhưng chỉ có phát hiện còn hạn chế vì tội phạm này là tội phạm ẩn, lại liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn, kể cả những người quyết định cả những người làm nhiệm vụ PCTN. Cho nên không phải dễ đâu. Như tôi bây giờ nếu có phát hiện cấp trên của mình tham nhũng thì cũng đâu phải dễ.
Nhưng khi đã phát hiện rồi thì xử lý nghiêm minh bất cứ là người nào. Chúng tôi là những người thực hiện thì không sợ bất kỳ thế lực nào. Bởi chúng tôi biết còn Đảng, còn nhân dân thì còn chúng tôi.
Người không làm, nói gì cũng gật có khi phiếu lại cao
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng việc một số người lạm dụng chức vụ trong bổ nhiệm cán bộ dẫn đến tình trạng “cả họ làm quan đúng quy trình” là biến tướng mới của tham nhũng?
Nói là một thủ đoạn, hay một hình thức mới của tham nhũng thì tôi chưa khẳng định. Nhưng tất cả những cái đó theo báo cáo thì người ta nói đúng quy trình. Việc người đứng đầu nhìn ra người này, người kia có đủ tiêu chuẩn hay không chỉ có họ mới biết được. Cho nên kể cả có đúng quy trình cũng chưa phản ánh hết được thực chất của con người.
Chẳng hạn như việc lấy phiếu tín nhiệm, người làm việc nhiều, va chạm nhiều nhiều khi phiếu lại thấp, còn người không làm gì, không va chạm gì, nói kiểu gì cũng gật có khi phiếu lại cao. Cũng đúng quy trình đấy, uy tín có đấy nhưng đi vào công việc cụ thể, có làm việc được hay không thì lại là cả một vấn đề.
Một bí thư đề bạt, bổ nhiệm mấy chục cán bộ là con em mình chẳng hạn, quy trình đúng hết, không có gì sai cả, do tập thể đi từ dưới lên trên, ông bí thư không chỉ định đâu và ông ấy cũng chỉ có một phiếu.
Nhưng phải đặt ra vấn đề, nếu ông ấy không phải là bí thư, thì Ban thường vụ, hay ban cán sự đó có đề bạt người khác có trình độ tương đương không? Đó là vấn đề cần phải xem xét.
Vì vậy trong quá trình sửa luật PCTN tới đây cần phải tính tới việc xác định trách nhiệm người đứng đầu ngay từ việc nhận thức về công tác cán bộ như thế nào, cho tới thực hiện các quy trình để không liên quan gì đến lợi ích nhóm, tư lợi cá nhân. Những việc này cần phải tránh.
Gần đây nổi lên tình trạng một số nơi bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ. Ngay tại TTCP, Bộ Nội vụ cũng đang kiểm tra việc nguyên Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu. Ông suy nghĩ gì về việc này?
Tôi nghĩ cái đó là yêu cầu của từng địa phương, từng bộ ngành xuất phát từ chức năng, thẩm quyền của người ta. Tuy nhiên, việc phân phối chưa đều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bổ nhiệm dồn vào cuối nhiệm kỳ nên người ta bảo có vấn đề.
Đi sâu vào từng vấn đề cụ thể, bóc tách được thì mới thấy rằng cái gì là cái thực tế khách quan, cái gì mang yếu tố chủ quan không nên cào bằng, nói là “chuyến tàu vét” thì chưa hẳn đã hợp lý.
Trường hợp của nguyên Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh, Bộ Nội vụ chưa có kết luận, chưa chuyển cho TTCP. Khi nào có kết luận chính thức thì TTCP sẽ trả lời theo kết luận.
Tác giả bài viết: Thu Hằng - Ảnh, clip: Phạm Hải
Nguồn tin: