Du lịch

Về phố núi Gia Lai thưởng ngoạn ngày đầu năm

Rời xa phố thị để về phố núi Pleiku thưởng thức món phở hai tô thơm ngon, ngắm đồi chè ở Biển Hồ hay khám phá đỉnh núi Hàm Rồng.

Phương tiện di chuyển
Lộ trình từ TP HCM đến Pleiku (Gia Lai) khoảng 520 km, thời gian di chuyển bằng xe khách khoảng 11 tiếng và giá vé dao động từ 240.000đến 310.000 đồng.
Bạn có thể chọn đáp chuyến bay đến sân bay Pleiku để rút ngắn thời gian với giá vé khoảng hơn 800.000 đồng/chiều.
Tại Pleiku bạn dễ dàng đón xe buýt với giá vé 10.000 - 35.000 đồng/tuyến hoặc thuê xe máy để đi lại tham quan với chi phí khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Lưu trú
Các khách sạn tập trung ở những tuyến đường chính như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo. Ở Pleiku có một số khách sạn nổi bật như Đức Long, Sê San, Green Bamboo, Hoàng Anh Gia Lai… với giá phòng từ 350.000 đồng/đêm.
Gợi ý lịch trình tham quan lý tưởng
Ngày 1: Khám phá trung tâm thành phố Pleiku
Bạn có thể dành ngày đầu tiên để tham quan thành phố Pleiku. Khu vực trung tâm thành phố có Chùa Minh Thành với kiến trúc kiểu Đài Loan nằm ở số 14 Nguyễn Viết Xuân hay Nhà thờ Đức An tọa lạc trong một không gian tĩnh lặng, di tích Nhà tù Pleiku lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử. Tại đây còn có khá nhiều công viên để bạn dạo mát, lớn nhất là Công viên Diên Hồng với nhiều cây xanh mang lại không gian thật thoáng đãng.
Cách thành phố Pleiku chỉ khoảng 5km là Đồi thông Hà Tam thuộc huyện Đăk Pơ. Đây được ví như một phiên bản của rừng thông Đà Lạt, là địa điểm lý tưởng để cắm trại với những cây thông cổ thụ có hình dáng lạ mắt.
Đồi thông Hà Tam, điểm đến lý tưởng nghỉ mát vào cuối tuần. Ảnh: Vân Anh.
Với 15 phút đi xe máy từ trung tâm thành phố, bạn sẽ tới Bãi cỏ xã Gào, nơi chụp ảnh đang được các bạn trẻ yêu thích. Dọc đường đến đây, bạn sẽ được ngắm cỏ lau mọc từng bãi rộng đẹp mắt và rồi bãi cỏ sẽ hiện ra trước mắt bạn, mênh mông một màu xanh ngắt hoặc vàng cháy tùy mùa.
Buổi tối đến Quảng trường Đại Đoàn Kết để hòa mình vào cuộc sống về đêm của người dân ở đây sẽ cho bạn nhiều cảm nhận thú vị trong chuyến du hành phố núi.
Hành trình đến Gia Lai sẽ không trọn vẹn nếu bạn chưa nếm thử món đặc sản phở khô. Đến những quán như quán Tàu Lý phố Trần Phú hay quán Ngọc Sơn lâu năm, bạn sẽ được thưởng thức ngay món phở hai tô độc đáo này.
Ngày 2: Núi Hàm Rồng - Thác Phú Cường
Bắt đầu ngày mới với việc đón bình minh trên đỉnh Hàm Rồng sẽ là trải nghiệm đáng nhớ. Đường lên núi Hàm Rồng cuối năm vàng rực hoa dã quỳ. Lên đến nóc nhà của Pleiku ở độ cao 1.028m, nhìn ngắm những khu phố sầm uất, những khu vườn cà phê, cao su, chè, tiêu,… nhấp nhô ẩn hiện giữa không gian mờ ảo sẽ tạo nên một cảm giác bồng bềnh như lơ lửng giữa mây.
Sau đó bạn có thể khởi hành đi Thác Phú Cường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dải lụa bạc giữa cao nguyên. Cách thành phố Pleiku hơn 40km, đây chính là thác nước đẹp nhất tỉnh Gia Lai, nằm trong khu vực mỏ đá Phú Cường và thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê.
Thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động và có độ cao khoảng 45 m, bắt nguồn từ trên núi cao và đổ về dòng suối La Peet. Giữa đại ngàn tràn ngập tiếng chim ríu rít, vẻ hùng vĩ của dòng nước trắng xóa tuôn chảy ào ạt trên vách đá dựng đứng càng thêm nổi bật. Đứng từ cây cầu treo phía trên thác nhìn xuống, nhìn hơi nước bốc lên mới thấy hết được sự ngoạn mục của khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Đến đây du khách được gặp gỡ dân tộc Ba Na và Gia Rai và có thể cùng họ đi bắt cá hái thuốc, khám phá thảm thực vật đa dạng phong phú và hòa mình cùng thiên nhiên.
Thác Phú Cường - một trong những ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên. Ảnh: Vĩnh Hy.
Thác Phú Cường chảy xuống Hồ thủy điện Auyn Hạ, đây cũng là một khu du lịch sinh thái hoang sơ nên ghé qua. Vào mùa nắng, mặt hồ trong xanh, không khí mát mẻ. Du khách được dạo chơi bằng thuyền máy giữa đôi bờ xanh ngắt rừng cây, thưởng thức những con cá tươi ngon của hồ Ayun Hạ. Cá chép, cá mè, cá lăng, cá trắm cỏ... và đặc biệt, cá thát lát có rất nhiều trong hồ rộng mênh mông này.
Ngày 3: Biển Hồ - núi lửa Chư Đăng Ya
Biển Hồ dường như là thắng cảnh không thể bỏ qua đối với du khách khi đến đây. Hồ được tạo thành từ miệng núi lửa đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm, trải rộng một màu xanh mênh mông mang đến cho du khách cảm giác khác lạ về một cảnh quan tuyệt diệu. Để có góc nhìn đẹp lạ hơn, du khách có thể ngắm Biển Hồ Chè với những đồi chè hoặc các thửa ruộng bậc thang nằm cạnh Biển Hồ thơ mộng.
Biển Hồ, điểm đến khám phá lý tưởng với những ngọn đồi chè bạt ngàn. Ảnh: mytour.
Cũng trên con đường vào danh thắng này, đi thêm khoảng 20 km nữa là đến ngọn núi lửa Chư Đăng Ya hùng vĩ thuộc huyện Chư Pah. Chư Đăng Ya theo tiếng của đồng bào Jrai nghĩa là củ gừng dại. Núi lửa Chư Đăng Ya lặng lẽ ẩn mình giữa bốn bề núi non trùng điệp nhưng tràn đầy sức sống và sở hữu vẻ đẹp mê hoặc. Dấu tích của nham thạch qua hàng triệu năm để lại cho Chư Đăng Ya là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, trù phú. Có lẽ vì thế nên dù miệng núi không hề có nước nhưng quanh năm cây cối luôn tốt tươi.
Cảnh quan thiên nhiên còn khá mới mẻ này sẽ khiến bạn ngỡ ngàng mê mẩn. Nhìn từ dưới, Chư Đăng Ya như một chiếc bát úp, nhưng leo tới đỉnh miệng núi lại mở ra một thung lũng lòng chảo rộng lớn với những thửa ruộng trồng bí đỏ, dong riềng, bắp, khoai… Vào mùa mưa, Chư Đăng Ya bạt ngàn màu xanh mướt của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng còn mùa khô thì sườn núi rực vàng sắc hoa dã quỳ.
Đường lên Chư Đăng Ya dốc và trơn trượt nhưng bù lại, bạn sẽ có dịp tận mắt ngắm một khung cảnh đặc sắc đậm chất Tây Nguyên giữa đất trời bao la, rộng mở, cảm nhận sự yên ả, thanh bình. Đặc biệt hơn là mỗi đoạn đường mở ra một khung cảnh mới, một tầm nhìn mới khiến bạn luôn phải trầm trồ. Từ đây đi thêm khoảng 3km nữa du khách sẽ đến xã Tân Sơn thưởng thức món gà nướng đã trở thành thương hiệu ẩm thực đặc trưng của Gia Lai.
Ăn uống
Phở hai tô từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản của phố núi Pleiku. Ảnh: Vĩnh Hy.
Ngoài phở khô là món không thể bỏ qua khi đến Gia Lai, bạn đừng quên thưởng thức bún cua ở Chợ Nhỏ; gỏi gan bò ở đập Đức An; cơm cháy chiên phết mỡ hành ở đường Hùng Vương, uống cà phê vào sáng sớm theo đúng phong cách Pleiku. Thú vị nhất là ăn vặt vào buổi tối ở khu chợ trung tâm với các món bánh xèo, bánh bao, chè giữa không khí vô cùng sôi động náo nhiệt của thành phố về đêm.
Quà mua về
Gia Lai có những đặc sản đặc trưng như: hồ tiêu Chư Sê, chè Bàu Cạn, cà phê, măng khô, chuối rừng khô, rượu ghè… Đặc biệt bò một nắng hai sương chấm muối kiến vàng kèm lá é là đặc sản độc nhất vô nhị của phố núi Gia Lai mà du khách thường mua về làm quà hoặc để dành trong nhà.
Miếng bò ướp gia vị đậm đà, đem phơi rồi nướng trên bếp than hồng đượm cho vừa rám hai mặt, sau đó xé tơi thành từng sớ thịt đỏ hồng chấm thứ muối lạ lùng của vùng Ayun Pa mới thật là đúng điệu. Bò ngọt, kiến chua, muối mặn, lá é nồng, hương vị đó ai đã một lần thưởng thức chắc hẳn khó mà quên được.

Tác giả bài viết: Phạm Giang/theo Sen Trắng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP