Giáo dục

Vẫn còn đó, những người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu

Lâu nay người ta hay để tâm vào những chuyện nhức nhối như thầy cô trù úm, đánh đập học sinh, “ép” học thêm và đi tìm nguyên nhân để đổ lỗi cho hệ thống giáo dục. Tôi thì vẫn tin tưởng ở nhiều thầy cô giáo đứng lớp, họ đã tận tâm giúp học trò bằng nhiều cách để các em tiến bộ.

Chị hàng xóm cạnh nhà tôi kể chuyện con trai thi chuyển cấp, từ THCS lên THPT. Cô giáo chủ nhiệm quan sát và nhận thấy con trai chị nhanh nhẩu đoảng, hay chủ quan. Vì vậy kết quả thi thử tại trường, cô đã bí mật gọi điện cho phụ huynh thông báo điểm thật của con đạt 8 nhưng khi thông báo với con chỉ là 7 điểm. Cô nhắc nhở trực tiếp các em nòn yếu điểm nào, cô còn giao hẹn với cả lớp rằng nếu các em thi tốt, cô sẽ khao cả lớp một bữa ra trò. Học sinh rất phấn chấn vì cô giáo tâm lý và yêu thương học trò. Kì thi vào lớp 10 vừa rồi, con trai chị vượt qua điểm chuẩn đầu vào của trường tới 5 điểm khiến chị mừng rỡ và luôn miệng kể, rằng công lao ở cô giáo của con. Nhận được kết quả, chị đưa con tới tận nhà cô giáo cảm ơn.

Tôi có cô bạn thân ở quê, làm giáo viên văn cấp 3, tận tụy và yêu thương học trò. Tuy gia đình kinh tế cũng chưa phải là khá giả nhưng bạn không hề dạy thêm, tôi cứ nhớ bạn tâm sự: "Mình không dạy thêm dù cũng có nhiều phụ huynh đề cập nhưng bất cứ học sinh nào đến nhà hỏi bài, mình đều giảng cho các em cả tiếng". Học trò ở lớp bạn tôi chủ nhiệm đều rất quý trọng cô giáo, thường xuyên tâm tình cả những khúc mắc thường nhật để cô cho lời khuyên.

Một bạn nữa làm giáo viên toán, bạn mở nhiều điểm dạy thêm ôn luyện cho học sinh thi vào đại học. Bạn tôi lập Facebook để tương tác với học sinh nhiều hơn, đưa ra các đề thi, cách khắc phục những lỗi sai mà học sinh hay gặp phải. Thầy còn chịu khó giao lưu để gần gũi hơn với học trò, có khi thầy lên mạng thông báo thầy đang ở chỗ này, em nào rỗi thì ra uống nước cùng thầy. Bạn tôi không đặt nặng vấn đề thu nhập mà thường hướng học sinh tới niềm đam mê học tập và rèn luyện. Mới đây thôi, khi kì thi THPT vừa kết thúc, bạn đã kết nối với những học trò cũ đang theo học các trường đại học, một số em đang công tác ở một số môi trường công việc khác nhau tới buổi tư vấn dành cho học sinh đang học cấp 3: nên chọn trường gì, nên chọn ngành gì để theo học sau này. Buổi tư vấn tất nhiên là miễn phí hoàn toàn, bạn tôi thông báo rộng rãi trên trang cá nhân để bất cứ học sinh nào quan tâm tới tham dự. Ở một vùng quê cách Hà Nội chừng 30 cây số, chưa bao giờ diễn ra hội thảo tư vấn giáo dục thì việc làm thầm lặng của bạn tôi thật hữu ích với các em học sinh. Ý tưởng tốt đẹp đó của bạn được các tư vấn viên (mà bạn mời tới) hưởng ứng sôi nổi. Giáo dục đứng ở bất kì góc độ nào cũng vẫn là vấn đề được đông đảo mọi người quan tâm theo dõi.

Khu tập thể nơi tôi ở có bạn giáo viên dạy có tiếng môn Toán. Bạn hỗ trợ giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn bằng cách không lấy tiền học thêm của học trò suốt mấy năm THPT. Học sinh đặc biệt này của bạn sau đó đã đỗ vào Học viện Bưu chính Viễn thông với mức điểm rất cao.

Ngày đi học, tôi cũng có cái may mắn được theo học những người thầy, người cô tận tụy, say nghề, thương học trò. Nhớ lại hồi thi trượt đại học, ở nhà học ôn một năm nữa nhưng tôi vẫn chểnh mảng, ham chơi. Tiền bố mẹ cho đóng học lại tiêu nhẹm vào thú vui cá nhân rồi lên gặp thầy, gặp cô nhăn nhó trình bày hoàn cảnh. Vậy mà thầy cô chỉ cười xòa, không trách mắng một câu. Tôi còn nợ thầy cô ân tình ngày đó, vì sau đó tôi vẫn tiếp tục thi trượt và quên cả việc quay lại cảm ơn thầy cô đã miễn phí học thêm cho tôi cả năm trời.

Thế nên, dẫu cuộc đời có nhiều thăng trầm biến cố, tôi vẫn thường nhớ về mái trường, về thầy cô với bao kỉ niệm đẹp đẽ, yêu thương...

Tác giả bài viết: Mỹ Đức (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP