Sau Tết là mùa tuyển sinh giáo viên, nhân viên của các trường mầm non, nhất là hệ thống ngoài công lập ở khu vực phía Nam. Thông tin tuyển dụng của các cơ sở được rải khắp nơi, với mọi hình thức thông tin tuyển dụng từ cũ đến mới, từ tờ rơi đi dán, đi rải khắp nơi đến các trang việc làm hay "tấn công" vào các trang, diễn đàn của giáo viên mầm non.
Các thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non không được nhận được sự quan tâm |
Nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non của các trường rầm rộ nhưng phản hồi, hiệu quả lại vô cùng yếu ớt. Những bài viết đăng tin tuyển dụng giáo viên mầm non không mấy được quan tâm, không có hoặc chỉ nhận được rất ít phản hồi nên bị trôi tuột đi.
Ông Nguyễn Mạnh Tú, quản lý một trường mầm non ở Tân Phú, TPHCM cho biết, trước mình đang có nhu cầu tuyển dụng 10 giáo viên, bảo mẫu, nhân viên cấp dưỡng. Từ đầu năm đến giờ, bộ phận văn phòng đăng tin khắp nơi nhưng thực tế sự quan tâm của các ứng viên rất ít. Đến nay trường vẫn chưa tuyển được người để mở rộng lớp theo kế hoạch.
Đăng tuyển giáo viên, bảo mẫu từ trước tết, nhưng hiệu trưởng một trường tư thục ở quận 7, TPHCM phải thở dài vì không mấy người quan tâm. Chỉ có vài ba người vào hỏi rồi... thôi, có 4 bộ hồ sơ gửi đến nhưng đến ngày hẹn phỏng vấn theo lịch thì chỉ có 1 ứng viên điện thoại đến thông báo hủy, còn lại bặt vô âm tín.
"Nhìn các thông tin tuyển bán hàng, giúp việc... được quan tâm mà mình thấy tủi lòng. Chúng tôi đăng tuyển cả trên những trang dành cho giáo viên mầm non, hàng chục ngàn thành viên nhưng cũng không mấy ai để ý", vị hiệu trưởng này nói.
Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Theo lý giải từ các nhà quản lý, nhiều ứng viên chưa tìm được việc nhưng cũng không mấy mặn mà với các thông tin tuyển dụng. Tiền lương thấp không đủ hấp dẫn nhân sự, mà trường nơi nào cũng tuyển nên họ sẽ chọn những trường gần chỗ ở, tiện đi lại.
Ông Nguyễn Mạnh Tú cho biết, trường ngoài công lập dù có cố gắng mọi cách để chăm sóc đời sống cho đội ngũ thì tiền lương cho giáo viên cũng rất ít đột phá, trừ những trường cao cấp. Trường tư phải cân nhắc rất nhiều khoản từ tiền học phí, nếu tăng phí cao lên thì phụ huynh sẽ lăn tăn, chuyển trường.
Trung bình mức lương những nơi khá tại các trường mầm non công lập cũng chỉ 4,5-6 triệu đồng/tháng, rất khó để thu hút được đội ngũ. Cùng với mức lương này, theo ông Tú có vô số các thông tin tuyển dụng, bán hàng online, làm việc ngày chỉ 2 - 3 tiếng đồng hồ mà công việc không áp lực, chiếm nhiều thời gian như giáo viên mầm non.
Trái ngược với thông tin tuyển dụng giáo viên mầm non bị trôi vào quên lãng thì chỉ cần một ứng viên trong ngành Sư phạm mầm non cần tìm việc sẽ lập tức "tạo sóng" với vô số lời giới thiệu, săn đón. Hàng loạt các trường, các quản lý, giáo viên vào giới thiệu nhu cầu tuyển dụng, các chế độ của trường.
Lê Ngọc Thu, quê ở Bình Thuận, tốt nghiệp ngành Mầm non Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM cho biết, cô đang ở quê chưa vào những đã thăm dò, đăng tin cần tìm việc làm là dạy học mầm non ở một số nơi. Và cô vô cùng bất ngờ khi đến cả trăm phản hồi của các trường đang cần tuyển dụng. Chưa kể, quản lý nhiều trường còn gọi điện thoại, nhắn tin riêng, thiết tha mời về trường dạy.
Trước mắt, Thu dự tính sẽ xin tại một trường nào đó gần chỗ trọ ở Q. Tân Bình, môi trường năng động, mức lương khá một chút. Nhưng về lâu dài, cô nói, tiền lương hơn 5 triệu đồng, cô phải trả tiền nhà trọ, đi lại, ăn uống với cuộc sống xa nhà rất khó khăn. Cô mong muốn sau này có thể xin về quê đi dạy hay tìm một công việc khác để sớm ổn định cuộc sống gia đình.
Ngành mầm non đang rất khó giữ chân giáo viên, nhất là đội ngũ trẻ (Ảnh minh họa) |
Thu cũng như không ít giáo viên mầm non trẻ mới ra trường, ở lại thành phố xin đi dạy nhưng không xác định gắn bó lâu dài với công việc, trường lớp. Đây cũng là một thực trạng gây khủng hoảng cho nhiều trường học tại TPHCM khi nhiều giáo viên trẻ mới ra trường làm việc thời gian là nhảy, là bỏ việc. Vấn nạn này ai cũng thấy nhưng vẫn chưa có một liều thuốc đặc trị hiệu quả nào.
Giáo viên mầm non rơi rụng từ gốc tận ngọn, đúng hình tháp đầu voi đuôi chuột. Công việc giáo viên mầm non không hấp dẫn, áp lực, không nhiều bạn trẻ chọn theo học ngành Sư phạm mầm non. Hàng loạt sinh viên đã lựa chọn theo học Mầm non nhưng lại bỏ cuộc trong thời gian được đào tạo. Và tiếp đó, nhiều giáo viên bỏ nghề không luyến tiếc khi đã đi dạy.
Theo báo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm 2014, chỉ có 1.056 sinh viên ở tất cả các hệ đào tạo (Trung cấp, CĐ, ĐH) ở TPHCM tốt nghiệp trong khi đầu vào nhập học là hơn 4.500. Riêng hệ trung cấp của các trường, có đến gần 3.600 học sinh nhập học nhưng chỉ có 229 học viên tốt nghiệp ra trường, còn nữa... "rớt" hết dọc đường.
Năm 2016, có trên 1.640 sinh viên tốt nghiệp Sư phạm mầm non ở các hệ đào tạo dù đầu vào nhập học gần 5.100 em.
Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm TPHCM có trên 1.000 giáo viên rời khỏi hệ thống trường mầm non như về hưu, chuyển việc, nghỉ việc, bỏ việc.
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí