Thể thao

Tuyển Việt Nam kỳ vọng vào một 'cỗ máy' siêu tấn công

Mọi dữ liệu nói rằng tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2016 hứa hẹn là một đội bóng kiểm soát, một cỗ máy tấn công thực thụ với hiệu suất ghi bàn cao bậc nhất trong lịch sử.


Tương phản với HLV Miura

Tuyển Việt Nam dưới thời chiến lược gia 44 tuổi xứ Nghệ là một hình ảnh tương phản hoàn toàn với đội bóng của người tiền nhiệm Toshiya Miura: từ phòng ngự bị động chuyển sang tấn công chủ động, từ phản công nhanh chuyển sang kiểm soát thế trận, từ đá bóng dài chuyển sang chuyền bóng ngắn, từ “đá bóng” chuyển thành “chơi bóng”.

Khi triết lý thay đổi, HLV Hữu Thắng cũng thay đổi toàn bộ hệ thống nhân sự của đội tuyển. Những cầu thủ to cao như Thanh Hiền, Mạc Hồng Quân, Chí Công... biến mất khỏi đội tuyển. Thay vào đó, hàng loạt cầu thủ nhỏ con, khéo léo như Văn Toàn, Văn Thanh, Tuấn Anh... xuất hiện và chiếm vị trí chính thức.

Để phù hợp với triết lý và con người mới, đội tuyển Việt Nam cũng phải thay đổi toàn bộ phương pháp tập luyện. Không còn những buổi tập kéo dài 2 giờ, không còn những ngày tập 2 buổi, những tuần tập liên tục không nghỉ. Phần lớn buổi tập của tuyển Việt Nam giờ chỉ gói gọn trong khoảng 1 tiếng 30 phút. Các bài thể lực được giảm tải và thay bằng các bài tập chiến thuật. Đội tuyển giảm bớt các bài leo biên, tập trung vào các pha bóng ngắn.

Trẻ trung, sáng tạo và biến ảo

Chi tiết đặc biệt thể hiện sự khác biệt trong triết lý của HLV Hữu Thắng với người tiền nhiệm: khi tuyển Việt Nam đấu tập, HLV Miura thường chỉ cho các cầu thủ chạm bóng tối đa 2 nhịp trong khi HLV Hữu Thắng cho phép các cầu thủ chạm bóng 2 tới 3 nhịp, thậm chí cầm bóng đột phá khi có cơ hội. Cũng dưới thời Hữu Thắng, các cầu thủ mới được khuyến khích đi bóng, cầm bóng đối mặt trực diện với hậu vệ đối phương.

Thực tế thi đấu đã chứng minh. Nếu trước đây, chỉ vài cái tên đặc biệt như Văn Quyết, Công Phượng được phép cầm bóng thì bây giờ, Phi Sơn, Thanh Trung, Tuấn Anh, Công Vinh... đều được khuyến khích dẫn bóng và sáng tạo.
Dưới thời Hữu Thắng, tuyển Việt Nam đã mang một hình ảnh hoàn toàn khác: trẻ trung, sáng tạo, chủ động và đầy khí thế tấn công.

Các số liệu đã chứng minh cho sự thay đổi ấy. 5 trận gần nhất dưới thời Nguyễn Hữu Thắng, tuyển Việt Nam ghi 16 bàn, đạt hiệu suất 3,2 bàn/trận. Trong chuỗi trận ấy có những thắng lợi hủy diệt 5-2 trước CHDCND Triều Tiên và Pocheon. Kể từ trận gặp Đài Loan tại vòng loại World Cup hồi tháng 3, tuyển Việt Nam đã ghi bàn trong 9/10 trận. Lần duy nhất hàng công đội tuyển “tịt ngòi” là trước Iraq trên sân đối phương.

Nếu tiếp xu hướng tấn công hiện tại, đoàn quân của HLV Hữu Thắng có thể trở thành tuyển Việt Nam tấn công hay nhất trong lịch sử, sánh ngang với các đội tuyển của thập niên 90 - thời kỳ mà bóng đá Đông Nam Á vẫn quen với các chiến thắng kiểu dội bom.

1. 7 trận gần nhất giữa Việt Nam và Indonesia, chỉ duy nhất 1 lần trận đấu kết thúc bất phân thắng bại.

2. Trong 7 trận dưới thời HLV Hữu Thắng, có 2 trận ĐTVN không ghi được bàn thắng nào ở 90 phút chính thức.

5. ĐTVN đã giành 5 chiến thắng trong 7 trận đấu dưới thời của HLV Nguyễn Hữu Thắng.

Khác biệt

Để tiện so sánh, cũng tại vòng loại World Cup 2018, sau 4 trận đầu tiên, đoàn quân của ông Toshiya Miura chỉ ghi 3 bàn. Triều đại Miura cũng đã quen với việc chứng kiến các kết quả sát nút (hòa 1-1 trước Triều Tiên, hòa 0-0 trước U23 Uzbekistan).

Ngay cả khi so với các đội tuyển trong lịch sử, Việt Nam của Hữu Thắng cũng rất khác biệt. Hiệu suất 3,2 bàn/trận cao hơn hiệu suất của tuyển Việt Nam trong cả 4 kỳ AFF Cup gần nhất. Ở AFF Cup gần nhất, đội tuyển có 2,4 bàn mỗi trận. Con số đó giảm mạnh tại giải đấu năm 2012 và 2010 (0,6 bàn/trận và 1,6 bàn/trận). Ngay cả khi đội tuyển lên ngôi vô địch ở AFF Cup 2008, Công Vinh và đồng đội cũng chỉ có 1,5 bàn mỗi trận.

Tác giả bài viết: Thanh Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP