Giáo dục

Trường Đại học Vinh (Nghệ An): Thắc mắc chế độ, một giám khảo THPT quốc gia bị “mời về”

Trong buổi họp triển khai công tác chấm thi THPT quốc gia tại Đại học Vinh (Nghệ An), một giám khảo môn tiếng Anh lên tiếng thắc mắc về chế độ chấm thi, đã bị lãnh đạo trường “mời” nghỉ.

btb396672 1
Cơ sở chính ĐH Vinh (tại TP.Vinh, Nghệ An)

Ông Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Đại học Vinh - cho biết: Một giám khảo môn tiếng Anh phát biểu, cho rằng các giáo viên (GV) được “thuê” chấm, thắc mắc tiền công không thỏa đáng (chỉ được 2.000 đồng/bài thi tiếng Anh), nên đã bị cho về.

GS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Đại học Vinh - xác nhận: “Nếu ai không đồng ý với chế độ chính sách đó, thì có thể nghỉ, bởi vì trường chỉ có như thế”. Ông Khoa cho rằng, việc chấm thi là “trách nhiệm” của GV, chứ không phải là Trường Đại học Vinh “thuê” chấm.

Nhiều GV khác cũng bức xúc vì việc chi trả các chế độ chấm thi không thỏa đáng, không đúng quy định. Theo công văn số 2427/BGDĐT-KHTC ngày 26.5.2016 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn định mức chi lệ phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Mức chi tối đa cho chấm bài tự luận là 18.000 đ/bài. Tuy nhiên, Đại học Vinh chỉ chi ở mức 15.000 đ/bài, với hai vòng chấm độc lập thì thực chất mỗi GV chấm chỉ được 7.500 đ/bài.

Thông tư 2427 của Bộ GDĐT cũng ghi rõ, GV được điều động chấm thi được cơ sở Đại học chi trả chế độ công tác phí theo quy định (bao gồm tiền phòng nghỉ khách sạn, tiền tiêu vặt, xăng xe…). Tuy nhiên, Đại học Vinh chỉ chi trả khoản “hỗ trợ tiền trọ” mức 100 nghìn/ngày/người (ngoài tiền lưu trú 150 nghìn, tiền tàu xe) là thấp so với quy định.

Ông Nguyễn Hồng Soa giải thích nguyên nhân do kinh phí được cấp không đủ.

Theo ông Soa, có 21.600 thí sinh tại cụm thi Đại học Vinh. Tổng chi phí dự toán cho công tác chấm thi hết 7,9 tỷ, trong đó tiền thu hồ sơ thí sinh 3,1 tỷ, tiền Bộ GDĐT hỗ trợ 2,7 tỷ; hiện còn thiếu 2,1 tỷ. Đại học Vinh đã làm công văn đề nghị UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ, nhưng hiện nay chưa có phản hồi. Ông Soa cũng tiết lộ, năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ Trường ĐH Vinh 2,8 tỷ để tổ chức chấm thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, tại các điểm chấm thi do Sở GDĐT Nghệ An tổ chức, giám khảo được chi trả đầy đủ các khoản theo quy định. Văn bản 2427 của Bộ GDĐT cũng nêu: “Các cơ sở đại học chủ trì cụm thi có trách nhiệm cân đối nguồn thu để chi trả các chế độ bao gồm cả công tác phí theo quy định …”, đồng thời nêu rõ các nguồn kinh phí để chi cho công tác chấm thi.

Nhiều GV cũng phản ánh buộc phải chấm thi vào ban đêm. Các GV môn Toán, Văn, Ngoại ngữ đều phản ánh phải chấm đêm, có môn chấm kéo dài từ 14 h đến 18h; các giám khảo không được trả thêm tiền. Về điều này, ông Nguyễn Hồng Soa cho biết, đã áp dụng cách tính bài lấy tiền thì không được tính thời gian. Tuy nhiên, việc ép chấm bài vào ban đêm ảnh hưởng đến sức khỏe GV, rút ngắn thời gian chấm thi và đơn vị tổ chức sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ tiền công tác phí, lưu trú theo Thông tư 97.

Nhiều GV cho biết, tại cuộc họp tổng kết thi, đã đề xuất chế độ chấm thi của Trường ĐH Vinh cũng phải bằng chế độ chấm thi tại các cơ sở do Sở GDĐT Nghệ An tổ chức.

Nhiều GV than thở: “Biết thế này thì năm sau sẽ tìm cách thoái thác, chứ đi chấm thi như vậy quá khổ”.

Clip về vụ việc

btb396672 2
Văn bản của ĐH Vinh chi hỗ trợ tiền phòng nghỉ cho giám khảo mức 100 nghìn/ngày

Tác giả bài viết: Quang Đại

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP