Dù ở thời kì nào, nghề giáo cũng đáng được trân trọng và cần những đam mê, cống hiến để có thể “đơm hoa, tỏa sắc” trong hàng trăm chức danh, nghề nghiệp khác.
Tòa soạn báo trân trọng gửi đến độc giả bài viết nếu ý kiến này!
Không phải "cơn địa chấn" giảm biên chế bây giờ mới dội đến làm vỡ tan ước mơ của hàng nghìn giáo viên hợp đồng.
Không phải những giấc mơ xanh của họ lạc lối ngay từ khi ghi nguyện vọng sư phạm, cũng không phải họ thiếu thông tin, hiểu biết… phía sau những hợp đồng tạm tuyển dụng giáo viên là những lời hứa hẹn lạc quan rơi theo tiền bạc và nước mắt.
Vinh quang thay nghề làm thầy!
Mỗi ngành nghề đều là ước mơ chính đáng của mỗi người và trở thành thầy giáo, cô giáo là khát vọng bình dị và đáng hoan nghênh của mỗi người.
Con người sinh ra cần thầy thuốc; trưởng thành, khôn lớn nhờ thầy giáo và khi chết cần thầy cúng cho dù ở bất kì xã hội, hệ tư tưởng nào.
Vinh quang thay nghề làm thầy!
Tương lai của một quốc gia phụ thuộc vào các giá trị của nền giáo dục tạo ra, mà sản phẩm quan trọng nhất là con người.
Nghề dạy học, dạy người là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Ước mơ thành cô giáo, thầy giáo rất đẹp và hoàn toàn có thể thực hiện.
Tuy nhiên, khi cơ chế thị trường hóa Việt Nam, khu vực hành chính sự nghiệp được Nhà nước bao cấp đã lộ ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, chỉ nói riêng về giáo dục và đào tạo, mỗi ngày hàng trăm bài báo cũng không thể chuyển tải hết các vấn đề bức xúc.
Trong công cuộc cải cách, đổi mới liên tục trên nhiều lĩnh vực, giáo dục giống như gió chiều nào che chiều nấy… làm bức tranh giáo dục thêm nhiều biến động.
Với số dân khoảng 92 triệu người hiện nay, giáo dục Việt Nam cần hơn 43.874 trường lớp và đội ngũ giáo viên các cấp đông đảo 1,24 triệu, để giáo dục 22,21 triệu học sinh từ Mầm non đến Đại học. [1]
Để làm thành viên trong đội quân kia không phải là chuyện dễ, phần lớn các em phải nỗ lực lắm lắm mới có thể đỗ sư phạm, nhiều em cố gắng chăm chỉ để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm nhằm thực hiện ước mơ xanh của đời mình.
Cần nhiều bản lĩnh để thoát khỏi thất nghiệp
Hoàn toàn không phải như chuyện tình yêu của nữ sĩ Dương Thu Hương.
Những ai chọn nghề giáo có phải là người khôn ngoan? Đó là nghề bình yên, “rất lành”và thánh thiện, trong sáng, nghề hạnh phúc - không phải tôi tự biện hộ cho giới mình.
Chọn nghề giáo có còn cao quý? (Ảnh: giaoducthoidai.vn).
Xã hội phát triển, làm việc trong lĩnh vực giáo dục vừa nhàn nhã, vừa ổn định và không kém thú vị.
Nhưng mấy năm nay, hàng vạn giáo viên hợp đồng bị buộc thôi việc trong xót xa, cay đắng, hàng vạn sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp như cơn gió buốt thổi vào tâm hồn người Việt.
Theo dự báo năm 2020, Việt Nam thừa khoảng 70.000 giáo viên các cấp, cho dù Bộ Giáo dục mỗi năm đã giảm 10 % chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm từ năm 2013.
Chuyện thừa thiếu cục bộ, nơi thuận lợi thừa quá nhiều trong khi vùng núi khó khăn hay theo môn lại quá thiếu đều được lý giải đúng quy trình. [2]
Việc giảm chỉ tiêu sinh viên sư phạm năm 2017 theo tiêu chí mới, việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo hay việc điều động, tuyển dụng giáo viên thực sự còn nhiều khúc quanh co và tiêu cực khó quy kết lỗi tại ai, tại đơn vị nào. [3]
Thời ế ẩm và bon chen, thực dụng nhưng bây giờ sức hút vào sư phạm vẫn mạnh. Theo đó, năm 2016, với 65.322 chỉ tiêu sư phạm từ trung cấp đến Đại học thì nếu năm 2016-2017 có giảm cũng không làm thay đổi mơ ước học sư phạm của học sinh.
Cánh cửa sư phạm luôn mở rộng, chính sách miễn học phí, điều kiện học tập và thực hành thuận lợi chính là cơ hội cho phần đông học sinh không có điều kiện kinh tế.
Theo Bộ Giáo dục, cả nước có 117 cơ sở đào tạo giáo viên chính quy theo nhiều hình thức mỗi năm cho ra lò hàng chục nghìn sinh viên, không ít em biết thi vào rất khó, ra trường kiếm chỗ làm còn khó hơn gấp bội nhưng vẫn chọn sư phạm với hy vọng dạy học, chăm lo con cái chu đáo, lương tạm đủ, an nhàn, hiếm có cơ hội biến chất và đôi khi, một số ít còn kiếm được nhiều tiền (dạy thêm, làm thêm “nghề tay phải”).
Thời bao cấp cuối thế kỷ XX, quan niệm “thầy giáo là người nông dân có nghề phụ dạy học” chỉ còn trong ký ức, nghề thầy giáo xưa và nay vẫn và sẽ là lựa chọn chính đáng của nhiều học sinh và phụ huynh.
Ở đây, tôi không bàn chuyện thầy này, cô nọ tha hóa, “ăn không thiếu thứ gì của học sinh” mà chỉ cổ vũ cho ước mơ xanh, nghề ươm trồng người, nghề coi trọng tình người hơn tiền bạc; cũng không ai và không thể bắt học trò chọn hay không chọn nghề sư phạm.
Bức tranh tuyển dụng hứa hẹn có những chuyển biến tích cực
Kiếm việc làm trong sự bùng nổ dân số, đất chật người đông, của khó trở thành vấn đề lớn của toàn xã hội, bức tranh riêng về tuyển dụng giáo viên của nước ta còn nhiều khủng hoảng, bất ngờ.
Theo giới chuyên môn và những người có trách nhiệm trả lời thần dân thì mọi việc đang theo đúng quy trình, lộ trình, đang được cân đối, điều chỉnh dần.
Như vậy, sự mất cân đối giữa chỉ tiêu đào tạo và sử dụng; giữa các vùng miền kinh tế, xã hội; giữa các môn ngành; giữa chỉ tiêu biên chế và giảm biên chế; giữa hợp đồng chính quy, đúng luật với hợp đồng sai luật đều “do lịch sử để lại”, nghĩa là (người viết hiểu giúp) tôi có làm gì sai đâu, người tiền nhiệm, hay cấp trên làm đấy chứ?!
Họ đã chuyển đi hay hạ cánh an toàn rồi. Rất tiếc và rất tiếc buộc phải thông cảm thực hiện!
Theo ông Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục, hàng năm cần bổ sung khoảng 38.000 biên chế giáo viên các cấp. [4]
Hệ thống trường công lập và tư thục, các trung tâm học tập vẫn rất cần giáo viên giỏi, có tâm huyết.
Chế độ tuyển dụng mới từng bước được công khai và công bằng khi được giám sát tạo cơ hội thật sự cho thí sinh khi thi tuyển; các trường tư thục có cơ chế thu hút và trả lương tương xứng, các trường trọng điểm, các vùng khó khăn có chính sách thu hút, ưu đãi người dạy giỏi cũng góp phần củng cố niềm tin cho nhiều giáo viên có năng lực.
Trong những năm tới, khi điều kiện trường lớp nhiều hơn, chỉ tiêu giáo viên và lớp thay đổi, mỗi lớp 20-25 học sinh và thêm nhiều môn năng khiếu, số giáo viên thất nghiệp sẽ giảm nhiều đáng kể.
Nếu như, điều không tưởng, phần nổi nhỏ bé 60.000 tỉ VND và 400 ha đất của tảng băng tham nhũng ở Việt Nam không xẩy ra, cùng với việc quản lí tốt tiền chi cho giáo dục thì chúng ta đã có 60.000 lớp học khang trang để hàng vạn giáo viên không phải chịu cảnh tiền mất lệ rơi mà vẫn thất nghiệp, vẫn bị người đời chê bai, trách oán! [5]
Sự nỗ lực học tập và tu dưỡng của bản thân; sự ủng hộ của bạn bè, gia đình và thầy cô; sự vào cuộc có trách nhiệm của một số lãnh đạo tâm huyết và nhất là thái độ đúng của mỗi người trong suy nghĩ và hành động sẽ giúp bạn vượt qua những mặc cảm về nghề và tương lai người thầy.
Đó không thể là những ý nghĩ và giấc mơ có cánh! Chỉ có bạn và chỉ bạn trả lời được câu hỏi: Giấc mơ xanh bao giờ chín?
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Lự