Sau một tuần im lặng, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã đăng bài viết mô tả "tình trạng bất ổn xã hội" ngày càng gia tăng ở miền Nam do cuộc khủng hoảng thiết quân luật.
Bài viết không đưa ra nhiều bình luận mà phần lớn đưa tin từ các phương tiện truyền thông Hàn Quốc và quốc tế, tập trung vào một loạt cuộc biểu tình với sự tham gia của hơn một triệu người kêu gọi luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun (trái) và Tổng thống Yoon Suk-yeol. Ảnh: Yonhap |
KCNA cho rằng hành động của ông Yoon vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ mọi tầng lớp xã hội, kể cả đảng đối lập và càng khiến người dân ủng hộ việc luận tội ông.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun đã chính thức bị bắt sáng sớm 11-12 với cáo buộc giúp đỡ Tổng thống Yoon Suk-yeol thực hiện cuộc nổi loạn thông qua việc áp đặt thiết quân luật hồi tuần trước.
Tòa án quận trung tâm Seoul đã ban hành lệnh bắt giữ ông Kim sau khi các công tố viên cáo buộc ông tham gia các hoạt động "chính" trong cuộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực khi thiết quân luật được áp dụng trong 6 giờ.
Ông Kim là người đầu tiên chính thức bị bắt trong vụ áp đặt thiết quân luật của Tổng thống Yoon.
Khi ban hành lệnh bắt giữ, tòa án cho biết đã xem xét mức độ các cáo buộc, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và lo ngại ông sẽ tiêu hủy bằng chứng.
Tòa án cũng xác định những hành vi phạm tội của ông Kim nằm trong phạm vi phạm tội mà cơ quan công tố được ủy quyền điều tra. Với việc ông việc Kim chính thức bị bắt giữ, cuộc điều tra của cơ quan công tố về cáo buộc nổi loạn của Tổng thống Yoon dự kiến sẽ tăng tốc. Ông Yoon đã bị xem là nghi phạm và bị cấm xuất cảnh.
Theo luật, tổng thống được miễn truy tố khi còn đương chức, trừ trường hợp nổi loạn. Khi tìm cách bắt giữ ông Kim, cơ quan công tố cáo buộc ông âm mưu với Tổng thống Yoon để thực hiện cuộc bạo loạn nhằm mục đích lật đổ Hiến pháp Hàn Quốc.
Trước đó, ông Kim được cho là thừa nhận trong cuộc thẩm vấn rằng ông đã đề xuất thiết quân luật với Tổng thống Yoon nhưng khẳng định hành động của ông không bất hợp pháp cũng như vi hiến. Theo luật, người dẫn đầu một cuộc nổi loạn có thể đối mặt án tử hình hoặc tù chung thân. Những người tham gia âm mưu nổi loạn hoặc tham gia các hành động "chủ chốt" khác có thể bị tử hình, tù chung thân hoặc phạt tù ít nhất 5 năm.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: Báo Người Lao động