Trong nước

Trách nhiệm của cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang tới đâu trong vụ Formosa?

Tại cuộc họp báo về công tác thanh tra sáng nay (17/11), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định, ông Nguyễn Minh Quang - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - đã nói với Ban cán sự Bộ Tài nguyên và Môi trường rằng với tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự giai đoạn xảy ra sự cố Formosa xả thải “sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật”.

Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: Thế Kha)

- Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong vụ việc Fomrosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, hôm qua (16/11), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban cán sự Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2010-2015. Xin ông cung cấp thông tin cụ thể hơn về việc này?

- Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Bộ tới đâu. Ban Bí thư cũng có chỉ đạo yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Tôi muốn nói cái này cho rõ thêm: Phải khẳng định sự cố đó là sai của Formosa, Formosa đã nhận lỗi và chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự cố này.

Tôi là người trực tiếp đấu tranh buộc Formosa chịu lỗi này. Nếu nói rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường không có trách nhiệm gì thì không phải.

Hôm nay tôi cũng khẳng định lại, vừa qua có một số ý kiến đã nêu rằng sai phạm trong việc thẩm định ĐTM (đánh giá tác động môi trường), trong việc cấp phép xả thải, tôi đính chính lại không có chuyện đó. Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm điểm làm rõ, khẳng định việc thẩm định ĐTM, việc cấp phép theo đúng quy định của pháp luật.

Nhưng nói như thế thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gì không? Bộ có trách nhiệm một phần trong sự cố này, là với tư cách “tư lệnh” trên lĩnh vực tài nguyên môi trường mà để xảy ra sự cố này trên đất nước chúng ta thì Bộ phải có một phần trách nhiệm.

Chúng tôi đã có kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từ việc xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật mà cụ thể ở đây là Luật Bảo vệ môi trường và văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành luật này còn chậm trễ thiếu sót. Đấy là thiếu sót trách nhiệm.

Thứ hai là thiếu sót trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật, Bộ cũng trách nhiệm một phần, còn trách nhiệm chính là địa phương, là Hà Tĩnh, chứ không phải cái gì cũng Bộ cả đâu. Bộ làm sao đi khắp cả nước giám sát được, cũng phải theo chương trình kế hoạch thôi. Tôi nói thế để thấy trách nhiệm phối hợp. Cả các bộ ngành khác nữa cũng chưa kịp thời.

Tôi nói thế để các bạn chia sẻ, bởi thực thi pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện. Thực thi pháp luật có nhiều bất cập, đặc biệt trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát khi toàn ngành tài nguyên môi trường thì những người chuyên trách làm công tác thanh tra có trên 800 cán bộ công chức từ trung ương tới địa phương, trong khi như Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) có trên 4.000 người. Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ có đủ 1 người phụ trách 1 tỉnh thôi, trong khi chúng tôi có 8 lĩnh vực cơ thì làm sao làm nổi.

- Với tư cách là Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2010-2015, ông Nguyễn Minh Quang có phải chịu trách nhiệm trong việc Formosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng vùng biển 4 tỉnh miền Trung?. Đến nay việc xem xét trách nhiệm của ông Quang và những cá nhân liên quan đã được thực hiện tới đâu rồi, thưa ông?

- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gì thì hôm qua Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã nói trước Quốc hội rồi.

Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm điểm, xin nhận mọi hình thức kỷ luật trước Chính phủ và Ban Bí thư.

Còn khuyết điểm của Bộ và Ban cán sự như tôi đã nói, không né tránh trách nhiệm, sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm và đang chờ Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét.

Đối với đồng chí Nguyễn Minh Quang - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thời kỳ diễn ra sự cố này thì đồng chí Quang hiện nay không phải thành viên của Ban cán sự đảng của Bộ. Ban Bí thư và Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm các đồng chí đang đương chức và chúng tôi chỉ kiểm điểm của các đồng chí đang đương chức, đặc biệt các đồng chí phụ trách lĩnh vực xảy ra cái này thôi.

Trong đó, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận nhiệm vụ phụ trách về môi trường trước khi xảy ra sự cố Formosa có mấy ngày nên Ban cán sự đảng đã kiến nghị không xem xét trách nhiệm với ông Nhân, bởi mới về và đang trong thời kỳ tìm hiểu, không xử lý một cái gì.

Đối với đồng chí Quang, không phải thuộc thành viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nữa nhưng cũng mời họp với Ban cán sự để tham gia ý kiến, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm về tập thể, cá nhân.

Với tư cách nguyên Bí thư Bán cán sự - Bộ trưởng thời kỳ này, đồng chí Quang không phải kiểm điểm trước Ban cán sự nhưng đồng chí cũng nói với Ban cán sự rằng, với tinh thần trách nhiệm Bộ trưởng, Bí thư ban cán sự giai đoạn đó cũng sẵn sàng chiụ mọi hình thức kỷ luật.

Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra trách nhiệm của các đồng chí có liên quan đến sự cố Formosa cả khóa trước cũng như khóa này, cũng đang kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan đến sự cố.

Tôi cũng không biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm tới đâu, ý kiến thế nào, sai phạm tới đâu thì chúng tôi chưa được biết.

Nguyên Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang.

- Như ông nói thì trách nhiệm của tỉnh Hà Tĩnh trong sự việc này là như thế nào, cụ thể những ai phải chịu trách nhiệm?

- Chịu trách nhiệm chính là UBND tỉnh Hà Tĩnh, là khâu kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật đối với Formosa. Hà Tĩnh phải là địa phương mà nhà máy đóng trên địa bàn nên phải kiểm tra, giám sát thường xuyên nhất, trực tiếp nhất.

Bây giờ đang chỉ đạo khắc phục việc này bằng việc quan trắc online, gửi thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để giám sát trực tiếp, thường xuyên hoạt động của nhà máy này.

Bộ cũng có trách nhiệm, nhưng trực tiếp thường xuyên trong việc kiểm tra giám sát là địa phương, không phải cái gì Bộ cũng làm thay được cả.

- Có ý kiến nói rằng quy định của pháp luật nói rằng đơn vị nào phê duyệt ĐTM thì đơn vị đó phải giám sát, chịu trách nhiệm và như vậy thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm chính chứ?

- Trong phê duyệt ĐTM có một điều giao cơ quan chức năng có liên quan phải chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện. Trong đó có cả Tổng cục Môi trường, cả UBND tỉnh Hà Tĩnh và một số đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thực hiện, phối hợp cả với Formosa nữa.

- Được biết trước khi xảy ra sự cố, Formosa đã 7 lần gửi văn bản báo cáo về việc vận hành các công trình trong nhà máy nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường, mà cụ thể là Tổng cục Môi trường đã không vào Hà Tĩnh để tiến hành kiểm tra, giám sát?

- Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2015, đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất trước khi đi vào hoạt động phải báo cáo để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhân về công trình bảo vệ môi trường đã hoàn thành.

Formosa là một khu liên hợp sản xuất có rất nhiều công trình, hạng mục công trình nhưng không phải hoàn thành một lúc, một thời điểm mà hoàn thành nhiều tổ hợp khác nhau, nhiều lúc khác nhau. Formosa đã thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ xác nhận các công trình bảo vệ môi trường đã hoàn thành trước khi đưa vào vận hành.

Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là xác nhận công trình bảo vệ môi trường xem theo ĐTM, Formosa đã hoàn thành đúng như thế chưa.

Trong thời gian trước sự cố, Formosa đã có 7 lần báo cáo về các công trình của Formosa và yêu cầu Bộ phải xác nhận. Mặc dù trong thời gian rất ngắn nhưng theo quy định của pháp luật, sau khi vận hành thí điểm 6 tháng thì phải làm xác nhận. Theo quy định của pháp luật thì vẫn đang trong thời hạn cho phép vận hành thì đã xảy ra sự cố này.

Bây giờ nói Tổng cục Môi trường sai thì không phải, nói Formosa sai thì cũng có cái sai, bắt bẻ là đang trong giai đoạn vận hành chạy thử thôi. Tổng cục Môi trường cũng thấy một phần trách nhiệm, nếu kịp thời hơn chắc là không để xảy ra việc đó.

- Xin hỏi những cá nhân nào ở Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm trong việc đó?

- Các cá nhân trong tổ chức có liên quan đó phải chịu trách nhiệm kiểm điểm. Bộ đã chỉ ra các cá nhân trong các đơn vị đó, còn việc xử lý như thế nào thì phải thành lập hội đồng xem xét xử lý kỷ luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi có thông báo của Ban cán sự đến các đơn vị thì đang chuẩn bị làm việc đó. Có đoàn của Ủy ban Kiểm tra vào kiểm tra việc này và đang chờ đoàn kiểm tra để làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, đồng thời cũng có hình thức xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân liên quan. Sai phạm tới đâu xử lý tới đó.

Đoàn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cao nhất, chúng tôi đang chờ đoàn đó. Đoàn kiểm tra Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có trách nhiệm xử lý và như thế Bộ sẽ không làm nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Thế Kha

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP