Tin nhanh, trong cuộc họp sáng ngày 7/6 vừa qua giữa lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM với Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, bên cạnh việc báo cáo tình hình chung trong lĩnh vực giáo dục, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM trình bày và mong muốn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thời gian tới được cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Đề xuất này hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều.
PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trả lời PV Người Đưa Tin nhận định: “Trong nghị quyết 29 khi quy định về các chương trình của bộ GD&ĐT đưa ra là toàn quốc có một khung chung, khung đó là kiến thức cơ bản nhất đối với giáo dục phổ thông.
Còn vấn đề về các bộ sách giáo khoa thì nó chỉ là cách thể hiện khung đó cho phù hợp với địa phương. Vì thế mà một khung chung nhưng có nhiều bộ SGK, khi đưa ra vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. HCM thấy mình đủ khả năng làm được thì họ tự làm”.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, vị chuyên gia nhận định, xét theo khung kiến thức chung của GD phổ thông thì nó phải đảm bảo, còn việc thể hiện nó thì mỗi địa phương có một cách thể hiện khác nhau, người ta sẽ chủ động lựa chọn.
PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
“Cả nước may ra có khoảng 3,4 tỉnh đủ khả năng thực hiện được”
“TP. HCM là một thành phố hơn 10 triệu dân, chiếm 1/10 dân số cả nước. Nếu họ có khả năng làm việc đó tốt thì để họ làm. Trong quá trình thực hiện thì hội đồng sách TW sẽ xem xét, nếu thấy được thì họ sẽ cho phép ban hành, và đưa vào sử dụng, nếu không được thì thôi”, PGS nhận xét.
Trả lời câu hỏi nếu tất cả các tỉnh đều có muốn tự hình thành cho địa phương mình một bộ SGK riêng thì điều gì sẽ xảy ra? PGS khẳng định: “Theo tôi, với tình hình kinh tế của đất nước ta hiện nay, giỏi lắm thì vài ba tỉnh đủ khả năng làm, chứ đâu phải tỉnh nào muốn làm là làm được”.
Vị chuyên gia cho biết thêm, đối với mỗi tỉnh của quốc gia chúng ta thì chưa thể tự xây dựng cho mình một bộ sách riêng trừ một số tỉnh lớn.
“Trong sự việc này tôi nhận định, cái chung đó là có một bộ sách, có một khung chương trình, đó là khung chính thức và có thể thể hiện nó bằng nhiều bộ sách khác nhau.
Bây giờ, có một đơn vị đăng ký, đầu tiên chúng ta phải xét xem họ có khả năng thực hiện được hay không. Tôi thấy TP. HCM là thành phố lớn, lại tập hợp nhiều nhà khoa học với số lượng dân đông như vậy thì tôi đồng ý để cho họ làm và tôi nghĩ nên để họ tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố ”, PGS nêu quan điểm.
Tác giả bài viết: Cù Hiền