Dưới đây là ý kiến của một số nhà giáo dục và chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục về kiến nghị này.
* Ông Đinh Quang Hảo (nguyên trưởng Phòng khảo thí, Sở GD-ĐT TP.HCM):
Học sinh TP sẽ vào đại học bằng con đường nào?
Kiến nghị của UBND TP.HCM với Bộ GD-ĐT là mong muốn của nhiều người đã và đang làm việc trong ngành GD-ĐT TP. Bản thân tôi cảm thấy tự hào và tin tưởng rằng: TP sẽ làm tốt công việc này.
Tuy nhiên, tôi chỉ có một đề xuất: chúng ta đang hướng tới việc giáo dục toàn diện cho học sinh, nên khi đánh giá thì cũng cần đánh giá toàn diện. Tức là học sinh học môn nào thì được đánh giá môn đó để xét tốt nghiệp THPT.
Nếu làm tốt được khâu này thì nó sẽ là nền tảng tốt để các trường đại học có thể dùng làm căn cứ trong việc tuyển sinh. Ngoài ra, nó cũng đóng vai trò trong việc làm triệt tiêu tình trạng học lệch đang phổ biến hiện nay.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần trả lời câu hỏi: học sinh TP.HCM sẽ vào đại học bằng con đường nào? Thi cử hay xét tuyển bằng điểm số? Tôi đọc báo thấy bộ trưởng đã đồng ý cho TP.HCM thực hiện chủ trương trên từ năm học sau.
Như vậy, tháng 9-2016 bộ và Sở GD-ĐT TP.HCM phải công bố cho xã hội biết: kế hoạch cụ thể của việc dạy và học; kiểm tra, đánh giá như thế nào, việc xét tốt nghiệp THPT được tiến hành ra sao? Học sinh có tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hay không?...
* TS Nguyễn Cam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường đại học
Kiến nghị của TP.HCM với bộ trưởng Bộ GD-ĐT là một hướng đi đúng đắn và cần nhân rộng (mặc dù những năm đầu có thể có một số hạn chế).
Khi kiến nghị trên trở thành hiện thực thì học sinh không cần dự kỳ thi THPT quốc gia nữa, mà chỉ dự thi những môn sẽ dùng xét tuyển vào đại học. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT nên giao quyền tự chủ trong việc tuyển sinh cho các trường đại học.
Có thể thành lập hiệp hội các trường đại học, cao đẳng để chuyên lo công tác tuyển sinh. Sau đó, công tác tổ chức thi nên giao cho các tổ chức khảo thí độc lập, để học sinh có thể thi nhiều lần trong năm.
Các trường đại học chỉ làm công tác tuyển mà thôi (dựa trên kết quả thi của thí sinh). Lúc đó, Bộ GD-ĐT không phải ôm đồm nhiều việc như bây giờ mà chuyên tâm lo công tác đào tạo, tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của các bậc học mà thôi.
* Một chuyên gia về kiểm định chất lượng giáo dục ở TP.HCM:
Các địa phương khác có sẵn sàng làm như TP.HCM?
Tôi đánh giá rất cao kiến nghị của TP.HCM. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là TP.HCM đã sẵn sàng nhưng Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng có sẵn sàng không? Đây là vấn đề cần xem xét lại.
Theo tôi, chỉ nên cho TP.HCM làm trước. Việc cẩn thận là rất cần thiết, còn hơn là làm ồ ạt mà không kiểm soát được. Khi TP.HCM thực hiện thành công thì mới tiếp tục cho một số tỉnh, thành làm theo.
Cho TP.HCM tự chủ thì Bộ GD-ĐT sẽ giám sát như thế nào, chuẩn quốc tế mà Bộ GD-ĐT sẽ sử dụng để đánh giá định kỳ chất lượng giáo dục địa phương có thực sự chuẩn chưa?
Ví dụ: chuẩn quốc tế PISA (mà Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị, thiên về toán và ngôn ngữ, kết quả khảo sát của nó đối với Việt Nam trong năm qua chưa hoàn toàn thuyết phục) liệu có giúp cho việc củng cố chất lượng giáo dục của địa phương không?
* Ông Kim Vĩnh Phúc (nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM):
Nếu TP.HCM làm tốt mới nhân rộng ra...
Đã nhiều năm nay, TP.HCM thực hiện công tác thi tốt nghiệp THPT rất nghiêm túc, kết quả thi cử đảm bảo khách quan và trung thực. Khi thực hiện phong trào “hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tỉ lệ tốt nghiệp của nhiều tỉnh thành giảm sút nghiêm trọng (có địa phương chỉ hơn 60%) nhưng riêng TP.HCM vẫn giữ vững tỉ lệ đậu trên 95%.
Sau này, khi cả nước không thực hiện phong trào “hai không” nữa, tỉ lệ tốt nghiệp của một số tỉnh thành tăng cao thì TP.HCM vẫn chấp nhận một tỉ lệ thấp hơn. Còn những năm gần đây, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh TP.HCM luôn đạt gần 100% như mọi người đã thấy.
Vì thế, theo tôi, Bộ GD-ĐT chỉ nên thực hiện thí điểm giao quyền TP.HCM tự công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh ở địa phương này. Nếu TP.HCM làm tốt mới nhân rộng ra tỉnh thành khác. Bởi nếu làm không tốt sẽ rất phiền hà, gây mất niềm tin cho xã hội đối với một chủ trương mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng nên có kế hoạch cụ thể về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương sao cho khách quan và cần công bố rộng rãi kết quả kiểm tra này.
Tác giả bài viết: HOÀNG HƯƠNG ghi