Giáo dục

“Thưa thầy, trả lại em tiền!” và văn hoá trong môi trường giáo dục

“Thưa thầy, trả lại em tiền” – đó là tựa đề của những lá đơn mà các cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đề nghị thầy cô của mình trả lại tiền đã thu sai quy định nhiều năm nay. “Thưa thầy, trả lại em tiền” không chỉ có ý nghĩa của việc đòi nợ, nó còn mang nặng một ý nghĩa rằng: Công lý phải được thực thi!

Khoảng tháng 2.2016, Báo điện tử Dân Việt đăng bài phản ánh việc các cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) đòi nhà trường trả lại hơn một tỉ đồng tiền phạt chậm nộp học phí mà nhà trường đã thu sai quy định. Họ kể lại chẳng sót chi tiết nào: “Ngày 23.8.2010, Hiệu trưởng Trường ĐHNT ban hành quyết định số 891 quy định về việc thu nộp học phí. Theo đó, sinh viên/học viên chịu một khoản tiền phạt là 0,05% và 0,1% số tiền nộp phạt/ngày chậm nộp… Bằng quy định này hàng loạt sinh viên chậm nộp học phí đã bị nhà trường phạt tiền chậm nộp học phí theo ngày – tương tự kiểu cho vay lãi ngày. Khoảng 4 năm sau (ngày 27.03.2014) Bộ GDĐT ra thông báo số 04 khẳng định việc trường tổ chức thu phạt chậm nộp học phí với tổng số tiền nộp phạt 1.126.763.119 đồng trong năm 2011, 2012 là không đúng với các quy định”.

Sinh viên chậm nộp học phí thì trường phạt. Còn trường chậm trả tiền thu của sinh viên sai quy định thì ai phạt?

Xin khoan chưa nói đến việc này. Lẽ thường tình, làm sai, nhận ra sai thì xin lỗi và sửa chữa – là văn hóa của cuộc sống mà chúng ta vẫn thường gặp ở những người có trách nhiệm, biết tôn trọng sự thật và lẽ phải. Đối với một trường đại học như trường Đại học Ngoại thương thì việc trả lại hơn 1 tỷ cho sinh viên không phải là khó. Cái khó có lẽ là không ai đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân cho việc này. Bởi thế mà những lá đơn đề nghị nhà trường trả lại tiền cũng đang chỉ biết dừng lại ở cụm từ cảm thán: “Thưa thầy, trả lại em tiền!”.

Đã 5 năm, hết một nhiệm kỳ của hiệu trưởng Hoàng Văn Châu mà hơn 1 tỷ tiền thu sai quy định vẫn nằm lại đâu đó, các cựu sinh viên vẫn chưa được nhận lại. Phạt sinh viên nghèo chậm nộp học phí theo ngày quả là quá nghiệt ngã, dù đã là quá khứ, nhưng không vì thế mà im lặng, xí xoá… trách nhiệm. Trong môi trường giáo dục người ta thường nói đến món nợ ân tình không trả được chứ chẳng ai nói đến món nợ tiền bạc để mà đem ra xí xóa cho nhau.

146846304434223 dai hoc ngoai thuong
146846309437950 1455675552 img 20160216 090154
Đơn của sinh viên gửi BGH trường Đại học Ngoại thương.

Mặc dù hiệu trưởng Hoàng Văn Châu đã nghỉ hưu nhưng vẫn được các thế hệ sinh viên gọi là “người thầy”, hiệu trưởng kế nhiệm Bùi Anh Tuấn cũng vậy. Sẽ không có lý gì để khước từ tư cách “người thầy”, vậy thì cũng không có lý gì mà chưa trả lại tiền đã thu của sinh viên sai quy định. Cuộc sống đã cho chúng ta hiểu rằng, “những gì không phải của mình thì không nên giữ lại”. Nói một cách cứng rắn hơn thì luật pháp cũng không chấp nhận chuyện này, vì đó là hành vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản người khác.

Giới luật sư cũng đã đưa ra tư vấn rằng, việc này có thể khởi kiện để nhờ toà án giải quyết. Ai đó không hiểu hoặc không muốn hiểu lẽ phải thì mới phải dùng đến luật pháp. Khi đó công lý sẽ được thực thi bằng những biện pháp cưỡng chế buộc trách nhiệm người đã làm sai phải trả lại tiền cho các cựu sinh viên.

Số tiền hơn 1 tỷ đồng mà trường Đại học Ngoại thương đang chiếm giữ bất hợp pháp của các cựu sinh viên là “mồi lửa” cho những câu chuyện khác. Cũng trong nhiệm kỳ của hiệu trưởng Hoàng Văn Châu, Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ Hà Nội đã có kết luận: Các năm học từ 2010 -2011 đến 2013-2014, trường ĐHNT qui định, tổ chức thu học phí học viên cao học vượt mức trần qui định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định 49 ngày 14.5.2010 của Chính phủ với số tiền là 5.907.700.000 đồng. Gần 6 tỷ đồng tiền học phí thu sai quy định này cũng bị đòi phải trả lại.

Sinh viên, học viên cao học đều là người học. Việc thu tiền sai quy định đã được các cơ quan chức năng kết luận thì lẽ đương nhiên phải trả lại cho họ.

“Thưa thầy, trả lại em tiền!” – không chỉ dừng lại ở ý nghĩa cảm thán của những tâm trạng hay cảm xúc “bức bối” - nó còn phát đi thông điệp về một mái trường mà ở đó hình như công lý không được thực thi?

Được biết, tân Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ngồi lên chiếc “ghế nóng” đã nhận được rất nhiều “đơn đặt hàng” về sự bức thiết phải cải cách giáo dục VN, đó là việc vô cùng lớn. Nhưng những tồn tại không chỉ ở trường Đại học Ngoại thương cũng không phải là nhỏ. Bộ trưởng cũng là người thầy, xin thưa Bộ trưởng, nền giáo dục mà ở ngay tại đó công lý không được thực thi, văn hoá trong môi trường giáo dục bị vẩn đục, thì những con người được đào tạo ra sẽ làm gì với công lý?

Tác giả bài viết: Đỗ Lê Tảo

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP