Trong nước

Thủ tướng yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ

“Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết”, Thủ tướng nêu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 11.

Không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi”

Trong 2 ngày (28 và 29/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11. Thông cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay, phát biểu chỉ đạo ngay từ đầu phiên họp, Thủ tướng đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, góp ý hoàn thiện dự thảo các nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch năm 2017 trên tinh thần chủ động ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2017.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phải thực sự bắt tay ngay vào công việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà nhiều người hay nói.

Thủ tướng chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 11

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận các biện pháp thực hiện lời hứa trước Quốc hội tại phiên chất vấn với tinh thần lời nói phải đi đôi với hành động. Đồng thời thảo luận về những vấn đề nổi lên để có phản ứng chính sách kịp thời, không để ảnh hưởng đến kế hoạch năm 2016 và đặc biệt là quý I/2017, trong đó có vấn đề về tỷ giá hay một số tồn tại mà Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau khi kiểm tra tại một số bộ, ngành; việc thực hiện hiệu quả các giải pháp xử lý nợ xấu, nợ công; giải quyết doanh nghiệp thua lỗ, các ngân hàng yếu kém…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nỗ lực trong tháng 12 để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3% để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5%. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành quản lý các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ... có biện pháp chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã báo cáo Trung ương Đảng, Quốc hội.

Trong xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ, hệ thống hành chính Nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp thì điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế. Đây cũng là một đột phá trong Chiến lược phát triển KT-XH 2011-2020.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt tinh thần của Chính phủ về quyết tâm xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước liêm chính, trong sạch, hiệu lực hiệu quả, kỷ luật kỷ cương; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật kỷ cương.

Chỉ đạo quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống tham nhũng; trong đó tập trung vào hoàn thiện thể chế, không để kẽ hở cho tham nhũng; phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, xóa bỏ cơ chế xin-cho; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch; chống mọi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; quản lý chặt chẽ chi tiêu NSNN, mua sắm và sử dụng tài sản công, xe ô tô công, tiếp khách, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước…

“Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ của Chính phủ (ảnh: VGP)

Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công

Đề cập đến kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành từng lĩnh vực, phải theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát không quá 5%.

Thực hiện hiệu quả các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, tập trung ổn định thị trường vàng, ngoại tệ, đặc biệt lưu ý tránh biến động lớn về tỷ giá trong thời điểm cuối năm, gây ảnh hưởng đến lạm phát.

Tiếp tục chủ động xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn kế hoạch 2016 và vốn được bổ sung theo tinh thần Nghị quyết 60. Đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, chuyển giá; triệt để tiết kiệm chi ngân sách, chi đầu tư và chi thường xuyên, nhất là kinh phí họp, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, sử dụng xe công,…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực. Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả, các mặt hàng thiết yếu để có các giải pháp phù hợp; triển khai chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết. Tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính khẩn trương xác định chính xác tổng nợ công, bao gồm đầy đủ tất cả các khoản tạm ứng, vay quỹ BHXH, nợ đọng xây dựng cơ bản…; đồng thời có kế hoạch, lộ trình cụ thể thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, trong đó có vấn đề tài sản bảo đảm; giải pháp cụ thể nâng cao năng lực của VAMC và phát triển thị trường mua bán nợ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát, không để tình trạng nợ xấu đến mức nguy hiểm, ngân hàng đến bờ vực phá sản rồi mới xử lý;...

Tiếp tục bán vốn Nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và không để mất vốn, tiêu cực.

Đề cập đến công tác bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phải thẳng thắn nhìn nhận tình trạng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường diễn ra ở nhiều nơi; Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải kịp thời rà soát; đánh giá, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm.

Về an toàn thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là các địa phương phải tập trung xử lý ngay những vấn đề bức xúc, nhất là về vật tư nông nghiệp giả, sử dụng trái phép hóa chất trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm chính trên phạm vi địa bàn; tăng cường phối hợp; thông tin truyền thông; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân trong giám sát an toàn thực phẩm.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP