Sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng qua, những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tháng 12 và thời gian tới.
Tại Phiên họp này, Chính phủ thảo luận đánh giá về hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2024; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025; công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 diễn ra sáng 7/12 |
Tăng trưởng có thể đạt và vượt 7%
Báo cáo tại phiên họp, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 11 tháng tăng lần lượt 15,3%, 14,4% và 16,5% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 23,03 tỷ USD. Các cân đối lón, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; 11 tháng tăng 8,4%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 đạt 50,8 điểm, tiếp tục cho thấy xu hướng tăng trưởng công nghiệp tích cực.
Các địa phương động lực như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai... dự báo tăng trưởng cao trong Quý IV, dẫn dắt tốc độ tăng trưởng chung cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao, liên tục điều chỉnh dự báo tăng trưởng nước ta theo hướng ngày càng tích cực hơn; doanh nghiệp khôi phục niềm tin vào triển vọng kinh tế. IMF đánh giá Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao nhất thế giới, xuất khẩu mạnh, thu hút FDI tốt; quy mô xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đứng thứ 23 thế giới, nhập khẩu thứ 22 thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá các bộ, ngành đã hết sức cố gắng hoàn thành công việc đề ra với chất lượng cao, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan phát triển kinh tế-xã hội; xác định lại vấn đề ưu tiên tăng trưởng cao hơn, để phấn đấu năm 2024 này đạt trên tăng trưởng GDP hơn 7%, hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đã đề ra. Đây là sự nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thủ tướng đã chỉ rõ 11 điểm sáng trong tháng 11 và 11 tháng qua vừa qua; những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế.
Ưu tiên cho việc tổ chức sắp xếp bộ máy
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với tinh thần: “Dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “Đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, kiên quyết không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Thủ tướng lưu ý tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Thực hiện tốt kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Đặc biệt trong tuần tới, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên cho việc tổ chức sắp xếp bộ máy.
"Việc sắp xếp tổ chức bộ máy rất nhạy cảm, sẽ đụng đến lợi ích, con người, do đó phải lãnh đạo, chỉ đạo, làm công tác tư tưởng cho chính bản thân mình, chính cơ quan, đơn vị mình, góp phần tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị trong thực hiện công tác này; bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Đảng".
Thủ tướng nhấn mạnh: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, do đó chúng ta "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu, ưu tiên cho tăng trưởng, chính sách tiền tệ phải linh hoạt kịp thời hiệu quả và chủ động, chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm trọng điểm; Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp |
Về chính sách tiền tệ tập trung giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; bảo đảm thủ tục thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền khẩn trương tháo gỡ vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Bộ Tài chính tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử, phấn đấu tăng thu năm 2024 trên 10%. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu tiếp tục thực hiện ngay từ đầu năm 2025 và có lộ trình trong việc thực hiện không dùng tiền mặt.
Cùng với đó, trình Chính phủ ban hành Nghị định về giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết của Quốc hội; Sớm trình UBTVQH về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025; Báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và tiết kiệm chi đầu tư để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu về công tác xây dựng nhà ở xã hội - một trong những điểm sáng trong 11 tháng qua. |
Bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm…, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới; Kiên quyết bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng; đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng điện trong dài hạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới trong đó thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật…; Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng.
Các đại biểu dự phiên họp |
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; Hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; Triển khai tích cực, hiệu quả các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8; Tiếp tục tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn bất cập; Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; Đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan |
Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài; chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác thông tin, truyền thông; Tích cực triển khai các công việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV
Thủ tướng chỉ rõ 16 chữ trong năm tới của Chính phủ là: Kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tinh gọn, hiệu quả, tạo đà bứt phá. Phấn đấu năm 2025 tăng trưởng đạt 8%, lạm phát 4%.
Tác giả: Vũ Khuyên
Nguồn tin: Báo VOV