Giáo dục

Thu, chi trong trường học: Cần hành động để cắt những "khối u" trong ngành giáo dục

Như chúng ta đều biết, ngay từ đầu mỗi năm học tất cả phụ huynh đều được thông báo các khoản tiền đóng góp nhằm thực hiện mục đích cao cả là duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

“Căn bệnh kinh niên” ...khó giải quyết.

Đó là những khoản thu như: tiền học phí, tiền xã hội hóa, tiền hội, tiền đội, tiền giữ xe đạp, tiền giấy thi, tiền quỹ lớp... Ngoài số tiền này, các đơn vị trường học còn được trên cấp thêm nhiều khoản tiền khác nữa.

Tổng số tiền có được từ những nguồn thu này hàng năm thường rất lớn, có thể lên đến hàng trăm triệu và thậm chí là tiền tỷ cho những trường có đông học sinh. Vậy việc quản lý thu chi và thanh kiểm tra, giám sát số tiền này như thế nào? có minh bạch, đúng mục đích không?... Đó là cả một vấn đề mà không phải ai cũng được biết rõ.

Đây có lẽ là một trong những hạn chế, tiêu cực trong ngành giáo dục đã xảy ra rất nhiều năm qua cần được làm sáng tỏ và hy vọng sẽ chấm dứt dưới thời Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Trước khi nêu những hạn chế nếu không muốn nói là tiêu cực đang xảy ra đâu đó ở một số trường học, tôi mong những cán bộ quản lý chân chính, có tâm đức trong các trường học hãy bỏ qua và xin nhấn mạnh rằng không phải đa số các trường học đều diễn ra như thế!

thu chi trong truong hoc can hanh dong de cat nhung khoi u trong nganh giao duc
Một buổi tổng kết năm học 2016 của các em lớp mẫu giáo lớn tại TP Vinh (Ảnh: Nguyễn Duy)

Thực tế là hiện nay chuyện thu chi trong các trường học chưa thực sự được minh bạch, còn rất lỏng lẻo và xảy ra quá nhiều tiêu cực, gây ra rất nhiều bức xức cho phụ huynh và xã hội. Có nhiều đơn vị trường học và cá nhân hiệu trưởng đang sử dụng số tiền thu được sai mục đích, không rõ ràng, có dấu hiệu của sự tư lợi, tham ô dẫn đến mâu thuẫn nội bộ, kiện cáo trong thời gian qua.

Tại sao lại có chuyện như vậy? Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là do việc quản lý, thanh kiểm tra trong các trường học quá lỏng lẻo, còn có dấu hiệu bao che, lợi ích nhóm và cả việc bổ nhiệm những người không có tâm, thiếu năng lực lên làm quản lý.

Về nguyên nhân thứ nhất, thường thì việc giám sát tài chính trong nhà trường đều do ban thanh tra gồm có từ hai đến ba giáo viên được hội đồng nhà trường bầu ra, và thêm vào đó là đại diện hội phụ huynh. Nói là bầu nhưng hầu hết đều do hiệu trưởng nhà trường định hướng nhằm chọn những người sao cho “hợp ý” với mình.

Gọi là ban thanh tra nhưng không phải ai cũng hiểu và làm tốt công việc liên quan đến lĩnh vực tài chính, vả lại họ đều là giáo viên chịu sự quản lý của hiệu trưởng nên hầu như chẳng ai giám tra khảo lãnh đạo mình nếu phát hiện ra những điều bất thường.

Chính vì thế mà có rất nhiều chuyện nực cười là cuối năm tổng kết việc công bố thu chi của nhà trường thường chỉ diễn ra rất nhanh, nội dung gói gọn là tổng số tiền thu được trong năm, đã chi hết và số còn lại.

Thanh kiểm tra số tiền lớn và có rất nhiều khoản thu, chi mà chỉ công bố trong mấy câu như thế thì liệu có minh bạch không? Sẽ có không những hoá đơn, phiếu chi tiền chưa đúng mục đích, được nâng giá, viết khống để thu lợi bất chính?

Có những trường học, vào cuối năm kế toán, hiệu trưởng thường nhờ một số người viết phiếu thanh toán hoặc ký vào những nội dung thu tiền mà trên thực tế là không tồn tại. Thử hỏi năm nào phần lớn phiếu thanh toán cũng do chính những người đó viết thì có khách quan và đúng quy chế không?

Chính vì dễ dàng như thế nên xảy ra điều đáng buồn là những trường học kiểu ấy thường cố gắng tìm mọi cách để thu được càng nhiều tiền càng tốt. Và tôi tin rằng, nếu kiểm tra đồng loạt việc thu chi của các trường học nhiều năm trở lại đây sẽ thấy được mặt trái của vấn đề này đáng báo động như thế nào.

Có đơn vị trường học xin phụ huynh đóng góp tiền mua máy chiếu cho học sinh, nhưng học đến hết năm các em cũng chưa được nhìn thấy máy chiếu như đã hứa. Rồi thì tiền xã hội hóa năm nào cũng đóng góp nhưng chẳng thấy xây dựng được gì. Bàn ghế, phòng học, nhà để xe, nhà vệ sinh tất cả đều được đội giá một cách đáng ngờ.

Tiền giấy thi tính ra mỗi tờ giấy có khi lên đến mấy nghìn đồng, áo đồng phục thì đắt gấp hai, ba lần so với giá thị trường, chất lượng và thẩm mỹ thì ngược lại. Học thêm thì Ban giám hiệu nhận từ mười lăm đến hai mươi phần trăm, rồi bớt ít nhiều trong khoản tiền điện, tiền phần trăm cơ sở vật chất, tiền này tiền nọ nên hiệu trưởng cứ việc lên lịch dạy thêm càng nhiều càng tốt.

Nhiều trường vừa bước vào năm học mới là đã bắt giáo viên và học sinh đăng ký dạy và học thêm buổi chiều, lý do là để nâng cao chất lượng nhưng thực chất vẫn chỉ là để thu tiền là chính. Chính vì thế cho nên học sinh bây giờ rất ít có thời gian tự học và chuyện được tham gia những hoạt động ngoại khoá là rất hiếm.

Vấn đề thứ hai là việc bổ nhiệm cán bộ quản lý trong trường học hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Có những hiệu trưởng không có một thành tích nào đáng kể nhưng vẫn được đề bạt. Có người từ khi lên làm hiệu trưởng là quên luôn chuyện đứng lớp theo số tiết quy định nhưng tiền đứng lớp thì vẫn nhận không thiếu một đồng nào.

Đã thế, có người bản thân không dạy nhưng vẫn đề ra quy chế nội bộ là trừ tiền bất kỳ giáo viên nào khi chưa đủ số tiết. Rồi có hiệu trưởng khi mua sắm gì cho trường từ nhỏ đến lớn đều tự mình làm việc đó, nếu có thêm thì chỉ là kế toán hoặc thủ quỹ nhà trường.

Có lẽ trong tất cả các ngành nghề thì không có một chức vụ nào tại vị lâu bằng chức hiệu trưởng trong các trường học, thường thì chỉ thôi chức khi nhận quyết định về hưu.

Đây là một việc không nên, cần phải thay đổi, vì nếu bầu phải một ai đó không có đức và tài thì sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu là thế hệ học sinh. Hy vọng chúng ta sẽ thay đổi sớm điều này.

Chúng ta cần phải suy nghĩ một cách có trách nhiệm và nhân văn rằng, ngân sách của Nhà nước và tiền của nhân dân đầu tư và đóng góp cho giáo dục thì mục đích sử dụng phải dành cho giáo dục và chỉ có thế.

Không cá nhân và tập thể nào được phép sử dụng sai mục đích đó. Nếu chúng ta sử dụng vì mục đích khác là đã làm sai chứ chưa nói đến bằng các hình thức này nọ để tư lợi cho bản thân mình.

Chúng ta phải hiểu rằng, còn có nhiều em đến trường nhưng bụng vẫn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, sách vở và các đồ dùng học tập khác còn đang thiếu thốn. Nhiều nơi các em đến trường còn phải bơi qua sông, đu mình qua dây treo …rất nguy hiểm.

Thử hỏi rằng, nếu trong trường học chúng ta có một nơi cho các em học bơi thì rủi ro về đuối nước chắc sẽ giảm được rất nhiều. Rất nhiều điều để nói nhưng điều thực sự lớn lao nhất là, nếu chúng ta sử dụng đúng khoản tiền cho giáo dục thì tương lai của con em và đất nước chúng ta chắc chắn sẽ tốt đẹp rất nhiều.

Cần hành động cụ thể, cắt những “khối u” trong ngành giáo

Trên đây là những vấn đề đang thực sự tồn tại ở một số trường học trên cả nước. Để giải quyết vấn đề này, tôi có những đóng góp nhỏ, cần có những quy định, hành động cụ thể như:

Cần nhanh chóng thực hiện, giám sát, thanh kiểm tra nghiêm túc cũng như các hình thức kỷ luật thích đáng đối với những cá nhân, tập thể có dấu hiệu, việc làm sai trái, tư lợi, tham ô, thu, chi không đúng trong các trường học những năm qua.

Cần quy định việc công bố thu, chi trong trường học phải làm vào một buổi cụ thể, được công khai chi tiết, minh bạch có sự chứng kiến của tập thể giáo viên nhà trường và đại diện uỷ ban địa phương và phụ huynh học sinh.

Cần quy định cụ thể số buổi dạy thêm được phép trong mỗi tuần học và số tiền tối đa được thu bao nhiêu cho mỗi buổi dạy thêm đó, số tiền giáo viên cán bộ quản lý được hưởng, tiền cơ sở vật chất và các khoản thu khác cần được đầu tư vào mục đích gì? ai giám sát việc đó? Và giám sát như thế nào?... Cung cấp số điện thoại, lập đường dây nóng của các cá nhân cũng như tổ chức có nghiệp vụ thanh kiểm tra để nhận thông tin phản ánh các tiêu cực nêu trên.

Thậm chí có thể liên kết với Bộ công an, Công an các tỉnh, thành… để điều tra khách quan nếu có dấu hiệu sai trái. Cần quy định cụ thể số tiền sai phạm như thế nào thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện. Phải đảm bảo bí mật và bảo vệ người tố giác các tiêu cực trên.

Kiểm tra và truy thu số tiền của cán bộ quản lý nhà trường đã nhận tiền phần trăm đứng lớp nhưng không giảng dạy đúng số tiết như quy định. Việc này chỉ cần kiểm tra thời gian nhận quyết định làm quản lý và thời gian thực hiện quy định hưởng tiền đứng lớp, đối chiếu với lịch phân công giảng dạy từng năm học của nhà trường từ khi có quyết định trên thì sẽ rõ.

Nếu chúng ta thực hiện được như thế và kiên quyết loại bỏ những tiêu cực nêu trên, chắc chắn rằng nền giáo dục nước nhà sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Trên hết, trường học phải là nơi mà ở đó không ai được phép có ý nghĩ lợi dụng để trục lợi cho cá nhân mình.

Tác giả bài viết: Bình Minh - Nguyễn Duy

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP