Giáo dục

Thầy giáo 30 năm tuổi nghề nói sự thật về quyền chọn lựa lãnh đạo của giáo viên

Về mặt lý thuyết, giáo viên được ngành Giáo dục trao cho cái quyền chọn lựa, quyết định lãnh đạo nhưng trong thực tế thì họ không dễ dàng sử dụng cái quyền đó.

Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong “tay” nhưng sao giáo viên còn ca thán?
Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ"

LTS: Liên quan đến bài viết: “Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong “tay” nhưng sao giáo viên còn ca thán?” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng ngày 24/6/2016, một độc giả là giáo viên (xin được giấu tên) đã có những phản biện về bài viết này.

Tòa soạn trân trọng gửi tới quý độc giả!


Vừa rồi, tôi có đọc bài “Quyền lựa chọn lãnh đạo nằm trong “tay” nhưng sao giáo viên còn ca thán?” của tác giả Đỗ Tấn Ngọc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng ngày 24/6/2016, tôi xin được trao đổi thêm một số nội dung của bài báo trên.

Tôi là một giáo viên có thâm niên “đứng lớp” gần 30 năm nên có thể nói bản thân tôi có khá nhiều “vốn sống” về ngành Giáo dục, nhất là các vấn đề về công tác quản lý Giáo dục ở các trường Phổ thông.

Những ý kiến “phản ánh” của không ít thầy cô xa gần về bộ phận lãnh đạo nhà trường, theo tôi là có căn cứ, có cơ sở và diễn ra khá phổ biến.

Nguyên nhân chính là do các chức danh lãnh đạo nhà trường trong thời gian qua do được bổ nhiệm bởi cấp trên chứ không qua thi tuyển, bầu cử công khai, minh bạch; tạo cơ hội để lọt những người không đủ năng lực, đạo đức vào Ban giám hiệu nhà trường.

09
Ban giám hiệu nhà trường cần những người có tâm và tài đảm nhiệm! (Ảnh nguồn: tuoitre.vn).

Không ít Hiệu trưởng, Hiệu phó đã được điểm mặt, chỉ tên lên mặt báo; tác giả Đỗ Tấn Ngọc trong bài báo của mình bày tỏ:

“Thực tế không dạy mà vẫn kê khống (thiếu trung thực) để nhận tiền phụ cấp hàng chục triệu đồng mỗi năm; chạy chọt, luồn lách để được lên chức; chơi nhiều hơn làm, buông lỏng quản lý, bè cánh gây mất đoàn kết; báo cáo gian dối thành tích; trù dập người trung thực , tích cực đấu tranh chống tiêu cực”… Và còn rất nhiều tệ trạng khác nữa mà tôi không thể nêu ra hết!

Trong bài báo trên, thầy Ngọc có đề cập chuyện giáo viên có những vấn đề bức xúc không được Ban giám hiệu giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì tại sao các thầy cô “không đề đạt, kiến nghị lên cấp Phòng, Sở để được giải quyết thấu đáo ?”.

Thầy Ngọc cũng cho rằng: “Quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý nhà trường hiện nay cũng khá chặt chẽ, bài bản; trước khi được đề bạt thì có tổ chức hội nghị, lấy ý kiến, phiếu tín nhiệm của tập thể, của giáo viên, các thầy cô có quyền kiến nghị không tín nhiệm thầy A, cô B… vì không đủ năng lực, phẩm chất”.

Đúng, tôi đồng ý những điều thầy Ngọc nêu ra về “quy trình bổ nhiệm” nhưng đó là về hình thức còn chất lượng công tác bổ nhiệm này lại vẫn tính hình thức, thiếu minh bạch.

Vì thực tế, trước khi được bổ nhiệm chính thức, cấp trên đã “cơ cấu”, “quy hoạch” cán bộ.

Do đó, các ứng viên đã “cầm chắc” 99% sẽ được trên bổ nhiệm còn việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến chỉ là… làm cho đúng quy trình, tránh “điều ra tiếng vào” của dư luận mà thôi!

Thật vậy, khi tổ chức lấy ý kiến, ít có giáo viên nào đủ can đảm góp ý phê phán hay phản đối bởi vì, mọi người đều thừa hiểu rằng trước sau gì thì họ cũng sẽ là “sếp” của mình, vậy thì nào còn dám đứng lên phê bình, phản đối để rồi sau này bị trù dập?

Một vấn đề khác cũng không thể không nêu ra là chuyện đánh giá ban lãnh đạo của giáo viên vào thời điểm cuối năm, dựa theo tinh thần Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 22/10/2009.

Thoạt nghe cứ ngỡ rằng Ban giám hiệu cũng phải chịu sự giám sát bởi tập thể giáo viên của trường, nhưng thực tế lại chưa hẳn vậy.

Không rõ các địa phương khác ra sao, chứ ở một số trường theo tôi tìm hiểu thì việc đánh giá Hiệu trưởng, Hiệu phó theo Thông tư 29 không phát huy được tác dụng.

Tôi nói thế là bởi, cuối năm mỗi giáo viên thường được nhận các “phiếu đánh giá” để cho điểm Ban giám hiệu (gồm 23 tiêu chí đối với Hiệu trưởng, 19 tiêu chí đối với Hiệu phó, đánh điểm tối đa trên mỗi tiêu chí là 10 điểm), ngoài ra, còn có các mục viết ưu, khuyết điểm của các lãnh đạo.

Đánh giá xong các phiếu được nộp.. lên Ban giám hiệu.

Cách thức thực hiện như trên khiến cho kết quả đánh giá của hầu hết giáo viên là điểm 9, 10 (thậm chí nhiều phiếu được giáo viên cho điểm tuyệt đối, tức 230 điểm đối với Hiệu trưởng và 190 điểm đối với Hiệu phó) cùng những lời nhận xét “trên mây”.

Tóm lại, vấn đề được thầy Đỗ Tấn Ngọc đặt ra là Ban giám hiệu là do giáo viên tín nhiệm, có quyền lựa chọn ai là người lãnh đạo của mình, thì không lý do gì ca thán?

Thế nhưng qua những trao đổi trên của tôi, hy vọng các cấp lãnh đạo, quản lý ngành Giáo dục có được cái nhìn rõ nét hơn.

Về mặt lý thuyết, giáo viên được ngành Giáo dục trao cho cái quyền chọn lựa, quyết định lãnh đạo nhà trường, nhưng trong thực tế thì họ không dễ dàng sử dụng quyền đó!

Tác giả bài viết: Hoàng Vân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP