Du lịch

Thăm con đường kéo pháo huyền thoại của chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua, dấu vết của con đường kéo pháo năm xưa đã mất dần theo thời gian. Nhưng ý chí 'Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh' thì mãi mãi trường tồn cùng con đường huyền thoại.

Là một trong "tứ đại đỉnh đèo" ở Tây Bắc, đèo Pha Đin có độ dài 32 km, nằm trên Quốc lộ 6, là cửa ngõ vào. Con đèo này chính là đoạn đường khởi đầu gian nan trên hành trình kéo pháo bằng sức người của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1954, bắt đầu từ đèo Pha Đin, qua nhiều đèo, dốc, vực sâu, núi cao, bộ đội ta kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ và giáng những đòn sấm sét, khiến quân Pháp đóng ở nơi được mệnh danh là “pháo đài không thể công phá” từng bước sụp đổ.

Trong số những cung đường kéo pháo, có một quãng đường rất đặc biệt. Đoạn đường này dài 15 km, được làm chỉ trong vòng 20 giờ, với sự tham gia của 5.000 cán bộ, chiến sĩ, chạy từ cửa rừng Nà Nham qua đỉnh núi Pha Sông xuống bản Tấu, bản Nghễu, nay thuộc xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ.

Trên đoạn đường ấy, từng khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đã được những chiến sĩ “chân đồng, vai sắt” đưa lên tận đỉnh Pha Sông cao 1.500m trong màn đêm, ở địa thế một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút.

Sau gần 10 ngày đêm gian khổ, pháo của ta đã được kéo vào trận địa, áp sát các cứ điểm địch. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tình hình, Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. Theo đó, bộ đội ta lại kéo pháo ra.

Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra càng khó khăn hơn gấp nhiều. Bởi quá trình kéo pháo ra xuống dốc cần phải kìm lại, trong khi mỗi khẩu pháo nặng hơn 2 tấn, nếu đứt dây tời là pháo rơi xuống vực.

Trong một lần kéo pháo bị đứt dây tời, chiến sĩ Tô Vĩnh Diện đã hi sinh thân mình chèn pháo, không để pháo rơi. Sự hi sinh của anh hùng Tô Vĩnh Diện đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, biểu tượng của ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Vượt qua bao khó khăn, gian khổ, vào lúc 17 giờ ngày 13/3/1954, những khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm, trọng pháo 105mm đã đồng loạt bắn cấp tập vào Trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Quân Pháp hoàn toàn bất ngờ và rơi vào tình trạng hoảng loạn. Trung tá Charles Piroth - chỉ huy pháo binh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - đã tự sát vào đêm 15/3. Những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến đã trở thành tư liệu kinh điển trong sách giáo khoa lịch sử quân sự thế giới.

70 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, dấu vết của con đường kéo pháo năm xưa đã mất mát dần theo thời gian. Chỉ còn đoạn đầu là đèo Pha Đin hùng vĩ còn được bảo toàn. Vào thời bình, đèo đã được sửa chữa, nâng cấp nên bớt phần gập ghềnh, hiểm trở so với những năm tháng kháng chiến.

Ở điểm cuối cùng của di tích đường kéo pháo, trên triền đồi Bó Hôm cách TP Điện Biên Phủ khoảng 20 km về hướng Bắc, một cụm tượng đài dài 24 mét, rộng 8 mét, cao 12,5 mét, nặng 1.200 tấn đã được xây dựng để vinh danh trung đội pháo binh của anh hùng Tô Vĩnh Diện.

Công trình này đã tái hiện phần nào sự gian khổ và hào hùng của con đường kéo pháo năm xưa, đồng thời thể hiện sự tri ân của các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau đối với thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu vì độc lập - tự do cho dân tộc.

Tác giả: Quốc Lê

Nguồn tin: kienthuc.net.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP