Giáo dục

Tăng lương giáo viên: Đầu tiên là tiền đâu?

Khi Bộ GD-ĐT đề xuất lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, đội ngũ giáo viên khấp khởi niềm vui cùng với sự hoài nghi: Tiền đâu?

Khi Bộ GD-ĐT đề xuất lương nhà giáo theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, nhiều giáo viên buông tiếng thở dài. Họ thấy được niềm vui về tinh thần trong đề xuất này nhưng lại không nhiều hy vọng nó có thể được thực hiện hóa.

Thầy Nguyễn Hoàng D., giáo viên dạy THCS ở TPHCM cho biết nghe đề xuất giáo viên tăng lương khớp khởi một chút, lại nghe đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh bậc THCS như ở tiểu học… thì thấy hình như ngành đang tham vọng giải quyết nhiều vấn đề cùng có thể dẫn đến những khó khăn chồng chéo.

“Tăng lương cho giáo viên đã khó, lại còn miễn học phí cho học sinh THCS thì mọi người sẽ đặt câu hỏi: tiền đâu ra để thực hiện? Thành ra, đề xuất xuất phát từ thực tiễn, là việc cần thiết, nhân văn nhưng lại không khả thi”, thầy D. nói.

Nhiều người hoài nghi với tính khả thi trước đề xuất lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp (ảnh minh họa)

Trong khi đó, một giáo viên dạy Sử ở TPHCM bày tỏ, thầy đón nhận đề xuất vui này như được nghe lại mong muốn “Đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương” đã được đề cập cách đây cả chục năm về trước.

Gần đây, TPHCM cũng đã đưa ra đề xuất thực hiện thí điểm trả lương theo năng lực, không cào bằng để thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm. Với tiềm lực là thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó chi cho giáo dục 28% ngân sách - vượt xa mức bình quân của cả nước - nhưng đề xuất trả lương cho giáo viên theo năng lực vẫn chỉ… là ở những phát biểu mong muốn, mang tính chia sẻ của các nhà lãnh đạo. Thế nên, trước đề xuất lương giáo viên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, mọi người hoàn toàn có quyền nghi ngờ về tính khả thi.

Câu hỏi: “Tiền đâu?” cũng được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục khu vực phía Nam mới đây. TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường ĐH Luật TPHCM - thành viên nhóm soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi - đưa ra một số cơ sở cho đề xuất này.

Cụ thể, sắp tới các trường ĐH công lập sẽ tiến tới tự chủ tài chính. Khi đó, đội ngũ viên chức nhà giáo trong các đơn vị này trong không hưởng ngân sách nhà nước. Nguồn ngân sách này sẽ chuyển về cho bậc phổ thông, tiểu học, mầm non.

“Tiếp nữa, sẽ giảm số lượng giáo viên biên chế trong các cơ sở giáo dục với sự tác động hỗ trợ cách mạng 4.0 đến cả phương thức giảng dạy. Tiết kiệm được nhân sự, giảm biên chế thì sẽ có thêm một khoản tiền. Ngoài ra, chúng ta sẽ cấu trúc lại ngân sách dành cho giáo dục tăng lên”, bà Dung cho biết.

Còn PGS.TS Hoàng Thị Thúy Nguyệt, Học viện Tài chính cho biết, họ đang đề nghị chuyển đầu tư từ giáo dục các bậc học cao xuống giáo dục bậc thấp. “Rót” tiền từ giáo dục cấp cao xuống cho giáo dục cấp thấp. Theo bà Nguyệt, đây là việc cần làm vì giáo dục cấp thấp rất quan trọng, đó là cái gốc, cái nền của giáo dục con người, của xã hội phát triển.

Theo một chuyên gia giáo dục, tăng lương cho giáo viên là điều ai cũng muốn nhưng khi đưa ra đề xuất phải thật cẩn trọng để tránh việc... nói rồi để đó. Điều này sẽ gây mất niềm tin ở xã hội và nhà giáo sẽ thêm nặng nề, tâm tư khi cống hiến với đồng lương thấp cùng những lời an ủi hứa hẹn

Luật Giáo dục hiện hành có hiệu lực thực thi từ năm 2006. Theo Bộ GD-ĐT, sau 11 năm thực hiện, Luật Giáo dục hiện hành giúp cho việc tổ chức, hoạt động giáo dục ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế, xã hội, Luật Giáo dục cần phải tạo ra những cơ chế, chính sách mang tính đổi mới, đột phá.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Bộ GD-ĐT tập trung đến các chính sách đối với nhà giáo (lương, chuẩn trình độ đào tạo) và chính sách học phí. Hiện dự thảo đang được Bộ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình lên Chính phủ vào đầu năm 2018.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP