Kinh tế

Sở hữu nhiều khu “đất vàng” Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam đang làm ăn thế nào?

Mặc dù nắm giữ nhiều lợi thế và tài sản, song lợi nhuận của VNCC lại liên tục có chiều hướng “lao dốc” hậu cổ phần hóa.

Dữ liệu tài chính hợp nhất giữa niên độ của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC, mã chứng khoán: VGV) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm 2023 đạt mức 282,5 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 230,7 tỷ đồng; giảm 9,5%. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 9,2%.

Trong kỳ, hoạt động tài chính đem về cho VNCC khoản doanh thu 11,3 tỷ đồng; tăng 14%. Trừ đi các khoản chi phí, VNCC báo lãi sau thuế 14,8 tỷ đồng; gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VNCC ở mức 1.113 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng so với số đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 51,1 tỷ đồng; giảm hơn 40%. Công ty cũng có hơn 224 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư tài chính bao gồm đầu tư góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết có tổng giá trị khoảng hơn 109 tỷ đồng.

VNCC báo lãi sau thuế nửa đầu năm 2023 đạt 14,8 tỷ đồng; gần như đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.


Hạng mục phải thu ngắn hạn của khách hàng ghi nhận mức 236,5 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản “phải thu của khách hàng khác” 193,8 tỷ đồng, song không được VNCC thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của VNCC là 665,7 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 447,5 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 37,6 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ đồng đến từ khoản vay tín chấp của CTCP Khảo sát và Xây dựng – USCO (công ty con) và CTCP Tập đoàn VIDEC.

Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH MTV được chuyển đổi từ Doanh nghiệp Nhà nước theo quyết định của Bộ Xây dựng. Trụ sở chính của công ty tại 243 Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội, được coi là một khu “đất vàng” với diện tích 2.500 m2.

Một số công ty con và của VNCC cũng nắm trong tay nhiều khu đất vàng. Đơn cử như CTCP Tư vấn Xây dựng Công trình Vật liệu Xây dựng (CCBM) với lô đất hơn 1.600 m2 tại ngõ 235 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội); CTCP Khảo sát và Xây dựng (USCO) với lô đất 9.900 m2 tại thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và lô đất 748 m2 tại số 91 Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Một công ty con khác của VNCC là CTCP Tư vấn Xây dựng Công nghiệp và Đô Thị Việt Nam cũng được sử dụng lô đất 984 m2 tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và lô đất 461,4 m2 tại phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tuy nắm giữ nhiều lợi thế và tài sản, song lợi nhuận của VNCC lại liên tục có chiều hướng “lao dốc” hậu cổ phần hóa. Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 là 46,8 tỷ đồng, năm 2018 là 44,9 tỷ đồng, năm 2019 là 44 tỷ đồng, năm 2020 là 33 tỷ đồng, năm 2021 là 28,15 tỷ đồng. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế đạt 30 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước đó.

Tác giả: Hiếu Nguyễn

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP