Giáo dục

Sao giáo viên nhìn Ban giám hiệu toàn sai phạm, tiêu cực như vậy?

Tôi thiết nghĩ đã đến lúc phải đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý giáo dục.

LTS: Tiếp tục bàn luận về phẩm chất, năng lực, cách điều hành, ứng xử, mối quan hệ giữa Ban giám hiệu và giáo viên, hôm nay, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đưa ra kiến nghị rằng: Đã đến lúc phải đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Tại sao lại cần đổi mới công tác quản lý giáo dục? Trong bài viết này, thầy chỉ ra điều đó. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.


Một số bài viết của tôi (Đỗ Tấn Ngọc) đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gần đây đề cập đến phẩm chất, năng lực, cách điều hành, ứng xử; mối quan hệ giữa Ban giám hiệu và giáo viên; quy trình lựa chọn, bổ nhiệm các chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng… nhận được rất nhiều trao đổi, tranh luận, phản biện trong đó phần đa là các ý kiến của thầy cô giáo trên mọi miền đất nước.

Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa Ban giám hiệu và giáo viên đang một vấn đề “nóng”, tuy mang tính chất “nội bộ” nhưng lại có tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục nhà trường.

Tôi thấy, phần lớn ý kiến, bình luận của giáo viên dưới các bài viết của tôi đều lên án, “kể tội” những hạn chế, tồn tại, thậm chí sai trái của Ban giám hiệu, rất ít ý kiến ủng hộ, ghi nhận những đóng góp, việc làm tốt, đúng đắn của lãnh đạo đơn vị.

Có không ít lời bình luận cho rằng tôi không thực tế, thiên vị, nhìn nhận toàn màu hồng, mặt tốt về Ban giám hiệu.

Có ý kiến phê bình tôi, “nhân danh” Ban giám hiệu nên đánh giá về giáo viên còn võ đoán, suy diễn, áp đặt, thiếu nhân văn.

gv
Sao giáo viên nhìn Ban giám hiệu toàn sai phạm, tiêu cực như vậy? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình “cô độc” khi tỷ lệ, số lượng độc giả, đồng nghiệp đứng về phía quan điểm, chính kiến của tôi còn ít.

Bởi lẽ, mỗi bài viết của mình, tôi ít nghĩ mình ở vị trí là người quản lý, người lãnh đạo đơn vị mà tôi viết bằng trải nghiệm, tâm huyết, đam mê của một người trong cuộc, một người đã có hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Những phản ánh, trăn trở, suy nghĩ, giải pháp của tôi gửi gắm vào từng bài viết về chủ đề bậc giáo dục phổ thông với mong muốn giáo dục phổ thông nói riêng, nền giáo dục nước nhà nói chung sẽ đẩy lùi được những hạn chế, yếu kém lâu nay để sớm phát triển đúng hướng, sánh kịp với các nền giáo dục trong khu vực và trên thế giới.

Và mong muốn vị thế và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo ngày càng được nâng cao trong đời sống xã hội Việt Nam.

Trở lại với bài viết của tôi: “Giáo viên như thế, trách sao lãnh đạo hư” đăng trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 7/7.

Trong bài viết này, tôi có phân tích cụ thể đến công tác quy hoạch cán bộ, quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ nói chung và của ngành giáo dục nói riêng.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên có thể do ít đọc, ít tiếp xúc các loại văn bản, quy định về công tác tổ chức cán bộ nên cách hiểu còn hạn chế, mơ hồ.

Có người “quy kết” cho tôi cái “tội” viễn vông, thiếu hiểu biết.

Tôi phải nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, các văn bản, quy định về công tác tổ chức, cán bộ hiện nay có sự thống nhất đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, mọi lĩnh vực từ trung ương đến địa phương, từ bên Đảng đến chính quyền, đoàn thể.

Các nơi, mọi lĩnh vực đều quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình đó.

Nhờ vậy, tính dân chủ, công khai trong chọn lựa, bổ nhiệm cán bộ được đảm bảo; chất lượng, năng lực cán bộ cán bộ (trong đó có ngành giáo dục) được nâng lên.

Một số trường hợp gần đây làm không đúng quy trình về tổ chức; bố, mẹ bổ nhiệm cho con ở 2 tỉnh phía Bắc; cán bộ gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng mà vẫn được điều động, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo của một tỉnh ở phía Nam…sớm bị công luận, báo chí phanh phui, cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Tôi thiết nghĩ, các thầy cô cần có niềm tin vào quy trình, cách quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của Đảng, Nhà nước, của ngành giáo dục hiện nay đã và đang làm.

Nếu đơn vị của các thầy, cô giáo làm không đúng, đặc biệt cố tình làm trái, có những dấu hiệu tiêu cực, mất dân chủ thì thầy cô có quyền kiến nghị, đấu tranh đến cùng.

Sức mạnh của tập thể, ý thức trách nhiệm của từng thầy cô nếu được phát huy đầy đủ, đúng lúc thì đơn vị ấy làm sao có chuyện giáo viên thiếu tâm và tài, giỏi chạy chọt để được lên làm quản lý, lãnh đạo.

Lựa chọn, bổ nhiệm rồi thì việc thực hiện của họ rất phức tạp, khó khăn.

Ngoài nỗ lực, tu dưỡng của cá nhân người được bổ nhiệm, còn có sự quan tâm, hỗ trợ, dìu dắt của tập thể, thầy cô giáo; họ làm tốt các thầy cô động viên, cổ vũ, họ làm chưa tốt, có những biểu hiện không đúng mực thì thầy cô góp ý xây dựng để họ hoàn thiện hơn.

Thử hỏi, ở đơn vị của mình, các thầy cô đã bao giờ quan tâm, làm như thế đối với Ban giám hiệu hay chưa?

Khi nói đến tâm lý nể sợ, yếm thế, nhút nhát, không dám đấu tranh của một bộ phận giáo viên trước những sai phạm của lãnh đạo nhà trường, các thầy cô hay biện hộ, “đấu tranh tránh đâu”, “đấu tranh, nó đì cho chết”, rồi lấy hiện tượng thầy Đỗ Việt Khoa làm minh chứng.

Tôi đồng ý, ở nơi nọ, chỗ kia của ngành giáo dục vẫn còn những chuyện khuất tất, lãnh đạo bao che, trù dập nhân viên, người hay đấu tranh, chống tiêu cực bị “ bỏ rơi”, chịu thiệt thòi…

Nhưng cái đúng, cái tốt đẹp của ngành giáo dục vẫn là gam màu chủ đạo. Nếu đơn vị nào cũng có chuyện tiêu cực, trù dập, mất đoàn kết…thì còn gì là môi trường giáo dục nữa.

Trường tôi, trong hội nghị, họp hành, giáo viên rất mạnh dạn góp ý về công việc tổ chức, điều hành, quản lý của Ban giám hiệu.

Chúng tôi luôn lắng nghe, thấu hiểu; có những ý kiến quá đà, thiếu tinh thần xây dựng, chúng tôi biết kiểm soát mình, không bao giờ có ý nghĩ “thù dai” giáo viên, thậm chí, có lúc giữa hiệu trưởng và các hiệu phó ý kiến, tranh luận gay gắt, mặt mày đỏ phừng phừng… nhưng khi xong việc, mọi chuyện qua đi đều vui vẻ, chân tình…

Tính dân chủ, cởi mở trong đơn vị của tôi luôn được phát huy tối đa nên nhiều việc khó, mọi chuyện vướng mắc sớm được tháo gỡ, cùng đồng tâm hiệp lực nhau làm, tất cả vì mục tiêu nhà trường vững mạnh, học sinh tiến bộ, phụ huynh tin tưởng.

Có thể nói, chúng tôi rất tự hào về sự thẳng thắn, cởi mở, góp ý chân thành của cán bộ, giáo viên, nhân viên. Chính sự thẳng thắn ấy của anh, chị em đồng nghiệp đã giúp ban giám hiệu chúng tôi thêm động lực niềm tin để làm việc, cống hiến.

Tôi thiết nghĩ đã đến lúc phải đẩy mạnh việc đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Bộ phận, hoạt động quản lý giáo dục được xem như những “đầu tàu” kéo đoàn tàu giáo dục với những "toa tàu-giáo viên" và "hành khách-học sinh" đi về đích-mục tiêu giáo dục một cách chất lượng và hiệu quả.

Quản lý giáo dục bớt đi nhiều những thủ tục hành chính, giấy tờ, sổ sách rườm rà, không cần thiết làm khổ giáo viên.

Quản lý giáo dục chính là phục vụ học sinh và giáo viên trên cơ sở tư vấn, hỗ trợ, động viên, chia sẻ…

Cần có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng hơn với những đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở (phụ cấp trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu phó hàng tháng hiện nay được từ 0,3 đến 0,7, tùy theo bậc học, quy ra lương được thêm mấy trăm nghìn.

Thử hỏi, số tiền ấy có xứng đáng với trách nhiệm, với công việc đó không; có người không giữ được mình lại nghĩ chuyện tiêu cực, “xà xẻo” tiền của nhà nước, phụ huynh để họ toàn tâm, toàn ý cho nhiệm vụ được giao phó.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Tác giả bài viết: Đỗ Tấn Ngọc

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP