Giáo dục

Sao cứ nhất định học rồi mới khai giảng?

Khai giảng muộn chỉ làm học sinh mất hứng còn đi học sớm lại gây phiền toái cho nhà trường, phụ huynh, học sinh; quy định này nên thay đổi!

Giáo viên kiến nghị Bộ đổi thời gian khai trường, điều chỉnh Thông tư 30

LTS: Nối tiếp bài viết: "Giáo viên kiến nghị Bộ đổi thời gian khai trường, điều chỉnh Thông tư 30" đăng trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 18/7, cô giáo Phan Tuyết có bài viết thẳng thắn chỉ ra những tác hại của việc khai giảng muộn, đi học sớm này!

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý độc giả!


Chuyện vào học cỡ vài tuần rồi mới khai giảng đã diễn ra vài năm trở lại đây, đề cập rất nhiều trên các phương tiện truyền thông với những ý kiến phân tích lợi, hại của các chuyên gia, phản đối của phụ huynh.

Tuy nhiên, mọi người vẫn đang chờ đợi và hy vọng từng năm học đến… nhưng cuối cùng, mọi chuyện vẫn “cũ như vẫn” mà không có gì đổi khác.

Khai giảng muộn, học sinh không còn hứng thú!

Gầy đây nhất là quyết định của thành phố Đà Nẵng, học sinh được nghỉ hè ba tháng hè trọn vẹn, lễ khai giảng diễn ra đúng vào ngày 5/9, có nghĩa là ngày 6/9 các em mới chính thức bước vào năm học mới.

Cái quyết định tưởng là rất bình thường ấy không chỉ nhận được sự đồng thuận của nhiều người dân nơi đây, nó còn có sức mạnh lan tỏa mang niềm vui, niềm hy vọng đến nhiều người dân trong cả nước, bởi họ hy vọng nơi mình ở cũng có những điều chỉnh hợp lý như vậy.

Nhưng mới đây, sau công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương trong cả nước đã ban hành ngay quy định ngày học chính thức cho học sinh tỉnh mình, có nơi học từ 15/8, nơi 22/8, có nơi lại học vào ngày 29/8 và tất cả đều khai giảng sau đó, vào ngày 5/9.

Đi học trước, học sinh tới trường lặng lẽ vào học và ngày khai giảng cũng chẳng còn đâu sự háo hức của các em khi gặp thầy cô, bạn bè. Bởi thế, ngày 5/9 là ngày khai giảng năm học mới nhưng với học sinh cũng giống như một buổi chào cờ như bao buổi chào cờ đầu tuần khác mà thôi.

Đặc biệt, những học sinh đầu cấp cũng đã qua rồi những ngày đầu bỡ ngỡ, những hào hứng của những ngày đầu đến với ngôi trường mới.
41
Hãy để ngày khai trường trở về đúng ý nghĩa của nó! (Ảnh nguồn: Petrotimes.vn).

Học trước cũng gây phiền toái cho nhà trường, giáo viên!

Với học sinh dù sao cũng chỉ là “cảm xúc bị đánh mất” nhưng việc tổ chức học sớm cũng đã gây không biết bao nhiêu sự phiền toái cho nhà trường và giáo viên.

Tháng hè, nhiều giáo viên thường chọn tham gia các khóa học nhằm nâng cáo trình độ chuyên môn như học Đại học, học lấy các văn bằng chứng chỉ như anh văn, tin học… khóa nào cũng kéo dài ít nhất ba tháng.

Những khóa học này chưa kết thúc đã vào năm học mới, các giáo viên này buộc phải vắng học nhờ đồng nghiệp dạy thay.

Do đây là nguyện vọng tự học của giáo viên nên Nhà nước không thanh toán chế độ những ngày nghỉ này, bởi thế, phần lớn những thầy cô giáo ở trường đều phải chung tay san sẻ với nhau trong khi phần việc của mình cũng chẳng nhẹ nhàng gì!

Có nơi vào học ngày 29/8 nhưng trong tuần có ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 học sinh được nghỉ, nhà trường buộc phải xếp lại thời khóa biểu lùi một ngày trong tuần, lịch dạy bị xáo trộn cũng gây nên không ít sự nhầm lẫn cho giáo viên khi xem lịch dạy của mình.

Thông thường, một năm học có 35 tuần (trung học cơ sở trở lên 37 tuần), dù học trước (từ ngày 15/8, 22/8 hay 29/8) thì cũng chỉ được kết thúc năm học vào ngày 25/5.

Thế là để năm học kết thúc đúng thời gian quy định, nhiều địa phương trong cả nước buộc phải “đẻ” ra thêm các tuần như 18b, 18c… tuy nhiên học sinh đi học chỉ mang tính hình thức vì đã học hết chương trình. Có trường gần đến ngày tổng kết nhưng học sinh đã được nghỉ học trước đó đến hơn chục ngày.

Nghỉ nhiều, phụ huynh gặp khó khăn trong việc quản lý con, học sinh chơi nhiều cũng quên bài vở.

Có thể nói, việc học sinh học trước rồi mới khai giảng đã gây ra nhiều phiền toái, bất cập hơn cho phụ huynh, nhà trường và chính các thầy cô giáo, vậy tại sao chúng ta không thay đổi theo chiều hướng có lợi như những năm học trước đây?

Tác giả bài viết: Phan Tuyết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP