Du lịch

Sài Gòn “nhà Pháp”

Không phải ngẫu nhiên mà người ta hay gọi Sài Gòn - TP HCM là “Paris ở phương Đông”

Nhiều người bạn Pháp nói với tôi rằng Việt Nam là nơi họ thích trở lại thăm viếng nhất khi đi nước ngoài vì cái cảm giác vừa lạ vừa quen vừa có thể được những cái thường được hưởng hằng ngày ở Pháp, lại khám phá nhiều điều mới mẻ trong đó.

Bạn tôi - Fabrice Mauriès, trước đây làm tổng lãnh sự tại TP HCM, thổ lộ với tôi trước khi nhận nhiệm sở mới tại Peru rằng vợ chồng ông yêu quý đất nước Việt Nam và mong ước một ngày sẽ có cơ hội được trở lại, phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ảnh: Hoàng Triều

Chỉ với 143 năm tính từ khi vua Gia Long lên ngôi (1802) đến lúc bị Việt Minh giành chính quyền (1945), tuy không phải là nhiều so với lịch sử dân tộc song ảnh hưởng văn hóa Pháp lên không gian đô thị và đời sống người dân tại Việt Nam đã tạo được những dấu ấn độc đáo, làm giàu thêm cho bản sắc Việt.

Sự pha trộn đặc sắc

Có một giai đoạn vào thời kỳ đầu Đổi mới (những năm 1990), khá nhiều người cho rằng kiến trúc Pháp là tàn dư thực dân, cần được loại bỏ và thay thế bởi những kiến trúc hiện đại. Chúng tôi cùng những người trân trọng kiến trúc và văn

hóa Pháp đã phải mất nhiều công sức và thời gian cho việc thông tin, tranh luận, giải thích, thuyết phục để ngày nay, việc

bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa Pháp được xem như là một vấn đề chiến lược quốc gia về văn hóa.

Ảnh hưởng sớm nhất có thể nói là kiến trúc thành trì xây dựng thời nhà Nguyễn theo kiểu Vauban của Pháp tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn vào đầu thế kỷ XIX. Tuy ngày nay chỉ còn kinh thành Huế nhưng cả Hoàng thành Thăng Long lẫn kinh thành Huế đều được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới.

Ảnh: hải đông

Được học về văn hóa Pháp từ rất sớm, chủ yếu qua bộ sách “Ngôn ngữ và văn minh Pháp” của Gaston Mauger và những lớp học của các sư huynh dòng La San tại Trường Taberd nên dù lần đầu đến Paris, tôi vẫn cảm thấy quen thuộc vì đã từng làm quen với tháp Eiffel, quảng trường Concorde, Công viên Luxembourg... Tuy nhiên, điều thú vị là thấy được kiến trúc Pháp tại Việt Nam lại có nhiều khác biệt so với kiến trúc Pháp tại Pháp bởi các kiến trúc sư Pháp đã rất khéo léo tích hợp các yếu tố bản địa và sự phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới vào thiết kế của mình tại Việt Nam.

Các ngôi nhà ở kiểu Pháp tại Việt Nam thường được thiết kế với trần cao, cửa 2 lớp gồm 1 lớp cửa lá sách thông gió lẫn chắn nắng và 1 lớp cửa kính ngăn bụi, côn trùng, tiếng ồn, nhờ đó dù không dùng máy điều hòa không khí vẫn thoáng mát. Tầng nền được xử lý để chống hơi ẩm từ nền đất. Tiêu biểu cho loại thiết kế nhà ở này, với nhiều phong cách Pháp cổ điển lẫn hiện đại, là các dinh Bảo Đại tại khắp các miền đất nước, bao gồm Dinh I, Dinh II và Dinh III tại Đà Lạt; Bạch Dinh ở Vũng Tàu, Biệt điện Bảo Đại tại Đắk Lắk, Biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn và Biệt điện Cầu Đá tại Nha Trang.

Cách xử lý lớp vỏ kiến trúc “2 da” này tiếp tục được hiện đại hóa trong các công trình hiện đại, như Dinh Độc Lập trong thập niên 1960, Thư viện Quốc gia trong thập niên 1970 và cho đến ngày nay vẫn còn được xem là một trong những giải pháp kiến trúc bền vững thông dụng.

Phong cách kiến trúc Đông Dương - thể hiện khá rõ trong các công trình bảo tàng lịch sử tại Hà Nội và tại TP HCM - pha trộn phong cách kiến trúc Pháp cùng các chi tiết kết cấu, trang trí theo phong cách địa phương, tạo nên không gian kiến trúc Âu - Việt đặc sắc.

Dấu ấn đậm nét

Phong cách quy hoạch của Pháp tại Việt Nam cũng thay đổi tùy theo nơi chốn. Tại Đà Lạt, thành phố được quy hoạch không gian xanh và mặt nước trước khi quy hoạch công trình và đường sá, nhờ đó chúng ta có được một thành phố xanh mát, lãng mạn, trong đó các công trình chỉ được nhìn thấy thấp thoáng sau rừng cây và sương mờ.

Tại khu trung tâm Sài Gòn, vốn được quy hoạch cho một thành phố khoảng 500.000 dân, được định hình bởi các trục đại lộ xanh tạo nên hệ thống các tuyến không gian mở hướng đến những công trình điểm nhấn hoặc không gian xanh và mặt nước ở cuối trục, trong đó có trục chính trị Lê Duẩn (đường Thống Nhất cũ), trục hành chính và dịch vụ văn phòng Nguyễn Huệ, trục văn hóa và dịch vụ - thương mại Lê Lợi, trục tài chính - ngân hàng Hàm Nghi. Hệ thống kênh rạch nối với sông Sài Gòn được tổ chức thuận tiện cho giao thông thủy và thoát nước đô thị, tạo nên bản sắc hiện đại cho một đô thị sông nước Nam Bộ.

Thể loại công trình diễn đạt được tốt nhất sự tổng hợp các yếu tố văn hóa Pháp - Việt trong quy hoạch lẫn kiến trúc có lẽ là các ngôi trường phổ thông tại các đô thị lớn của Việt Nam, như Chu Văn An, Trưng Vương (Hà Nội); Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Marie Curie, Trần Đại Nghĩa

(TP HCM); Quốc học, Hai Bà Trưng (Huế); Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho, Tiền Giang); Yersin, nay là Cao đẳng Sư phạm (Đà Lạt, Lâm Đồng) và Phan Thanh Giản (Cần Thơ). Các lớp học thường được tổ chức thành cụm với thông thoáng ánh sáng tự nhiên, bao quanh các sân chơi và vườn hoa phục vụ cho sinh hoạt tập thể và nhu cầu thư giãn của học sinh, giáo viên. Không gian thường được tổ chức hướng nội để tạo không khí yên tĩnh nhưng vẫn tạo được sự liên kết thân thiện về mặt kiến trúc và cảnh quan với khu vực xung quanh.

Không chỉ các kiến trúc sư Pháp mà cả những kiến trúc sư Việt Nam được đào tạo tại Pháp đã giúp tiếp tục phát triển không gian quy hoạch kiến trúc thấm nhuần văn hóa Pháp - Việt. Các kiến trúc sư Nguyễn Quang Nhạc, Phạm Văn Thâng, Huỳnh Kim Mãng đã có công đào tạo nhiều kiến trúc sư hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Các thầy được nhớ đến không chỉ qua những tác phẩm như Trung tâm Văn hóa Pháp, khách sạn Caravelle và xây dựng mở rộng Trường Taberd mà còn qua phong cách hào hoa lịch lãm của thầy Nhạc, sự hóm hỉnh, tỉ mỉ, chu đáo trong thiết kế của thầy Thâng và sự uyên bác mà nghiêm khắc của thầy Mãng...

Tác giả bài viết: Ngô Viết Nam Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP