Trong căn nhà lụp xụp, được che bằng phên đã mục nát hơn 1 nửa, phía trên nhìn thấy cả bầu trời bà Liên ngày ngày vẫn một mình mưu sinh. Căn nhà ấy không có lấy một đồ vật có giá trị.
Ngay cả cốc chén uống nước bà Liên cũng không có. Bà Liên với khuôn mặt khắc khổ, hốc hác nói: “Vất vả lắm, tôi còn không đủ tiền sống qua ngày huống chi là mua sắm”.
Ngôi nhà đơn sơ, được thưng bằng phên chống chọi với gió rét mùa đông.
Bà Liên kể: “Tôi ở chỗ này cũng trũng, mỗi khi mưa to, nước vào hết cả trong nhà. Nhiều khi nhà dột, phải co ro chui vào góc kín đáo nhất, tuy nhiên cũng chẳng ăn thua. Mong sao trời thương mưa thuận gió hòa, đừng bão lũ là hạnh phúc lắm rồi”.
Căn nhà tềnh toàng, thưng bằng phên mục nát nơi bà Liên vẫn sống qua ngày.
Bà Liên cho hay, vợ chồng bà ly hôn đã lâu, bà có hai người con một trai, một gái vẫn đi lại thăm hỏi mẹ thường xuyên. Nhưng vì các con bà cũng gia cảnh khó khăn, lại đông con nên không có tiền chăm mẹ. Bà không trách con mà càng thương chúng, bởi bà làm mẹ nhưng cũng chẳng hỗ trợ gì được các con.
Gạt vội giọt nước mắt bà Liên cho hay: “Con tôi chúng cũng thương mẹ, nhưng cả hai đều đi làm thuê làm mướn, nói làm nông nghiệp nhưng đất đai làm gì có. Giờ chúng nó có con cái rồi, mưu sinh vất vả chật vật lắm. Đứa nào cũng gầy gò, đen nhẻm. Tôi một thân một mình cũng tủi, nhưng biết làm sao được”.
Bà nghèo khó, vất vả là thế nhưng tấm lòng luôn trăn trở suy nghĩ cho con cháu. Bà cho hay nhiều khi cũng tủi nhục vì đã không thể cho các con một cuộc sống đủ đầy như bao người mẹ khác: "Con vất vả mẹ cũng xót lắm, nhưng hiện tại mẹ cũng không đủ ăn đủ sống lấy gì mà cho con được".
Phía trên căn nhà được che bằng bạt, tuy nhiên chiếc bạt không đủ lớn nên vẫn còn một góc nhà bị dột vào trời mưa, trời nắng nhìn thấy cả ánh mặt trời.
Bà Liên kể: "Nhiều lúc ốm đau, vẫn phải cố gượng dậy để làm. Giờ không tráng bánh lấy gì mà trang trải cho cuộc sống. Tôi cũng có ý định đi làm thuê, nhưng không có sức khỏe, ai thuê mình. Với lại, mình già yếu người ta cũng không dám thuê. Tôi cũng phải phấn đầu để lo cho tuổi già, không thể vì nghèo mà bi quan được".
Bà Liên tuy sức khỏe đã yếu, nhưng ngày ngày vẫn dậy từ 3h sáng tráng bánh mướt (bánh cuốn). Tuy nhiên cái nghề vất vả này cũng không đem lại thu nhập cho bà là mấy. Bà làm việc cũng chỉ đủ trang trải miếng cơm manh áo qua ngày. Cảnh thân già lọ mọ ai cũng thương, nhưng bà con nơi đây cũng chẳng thể hỗ trợ bà nhiều.
Bà Liên đã 70 tuổi nhưng mái tóc đã bạc hết. Ngày ngày vẫn sống bằng nghề tráng bánh.
“Tôi ngày làm được ngày không, tiền tráng bánh mướt chỉ đủ mua gạo, mua thức ăn uống hàng ngày. Khi dư dôi, tôi mua thêm thuốc bổ uống. Tôi cũng già cả rồi, mới 70 tuổi nhưng đã chậm chạp lắm rồi. Giờ phải chăm lo để còn sống lâu với con cái, dù nghèo nhưng có mẹ có con các con tôi nó cũng có thêm động lực để mà phấn đấu”- bà Liên cho hay.
Ước mong của bà Liên là có một căn nhà khang trang hơn để ở, để chăm lo cho sức khỏe đang dần yếu đi của mình, nhưng có lẽ nó quá xa vời. Bởi suốt những năm tháng qua khi người ta dùng điện bà vẫn sống cảnh leo lét với ánh đèn dầu.
"Tôi cũng được hỗ trợ chế độ của người nghèo, cũng được mọi người quan tâm động viên. Người ta cũng khuyên tôi dùng điện cho sáng nhưng tôi dùng làm gì, số tiền đó để tiết kiệm mua thức ăn qua ngày vẫn hơn"- bà Liên thật thà.
Căn nhà của bà Liên không có một đồ vật có giá trị.
Mới đây sau tết Bính Thân 2016, khi thấy gia cảnh bà Liên quá nghèo, công ty điện lực đã kéo tặng cho bà 2 bóng đèn để thắp sáng mỗi khi đêm về. Bà vui mừng đón nhận ánh sáng ấy bởi nó cũng là niềm tin, hi vọng về một tương lai sẽ đổi thay của bà.
Quý độc giả có tấm lòng hảo tâm muốn chia sẻ phần nào cho cụ Liên có thể liên hệ cụ Nguyễn Thị Liên/ xã Hồng Phong, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. ĐT: 0163 736 9651 (cháu Trung- cháu ngoại của bà Liên)
Tác giả bài viết: Thanh Bình