Khu vực trung tâm thị trấn Kiến Giang bị ngập sâu. Ảnh: V. C |
Mưa lớn tại huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã khiến gần 16.000 nhà ở bị ngập lũ. Nhiều nơi nước ngập hơn 2m, phương tiện di chuyển của người dân chủ yếu là thuyền nhỏ. Để ứng phó với mưa lũ, trước đó, người dân Lệ Thủy đã “sẵn sàng” sống chung với lũ...
Để chung tay giúp đỡ người dân vùng lũ Lệ Thủy, ngày 28/10, một số đội cứu hộ từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên -Huế đã đến huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) cùng với xuồng, cano để hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tuy nhiên, do mưa lớn kèm với gió to, nước lũ dâng nhanh nên chính quyền huyện Lệ Thủy xin tạm dừng các nhóm cứu hộ để đảm bảo an toàn.
Khi cano vào khu vực dân cư bị ngập thường phải tắt máy, người lội nước để kéo. Ảnh: P.V |
Lệ Thủy ở khu vực vùng thấp, trũng nên vào mùa mưa, các địa phương vùng trung tâm thị trấn Kiến Giang như một lòng chảo thu nước cả “tứ bề”, đó còn chưa kể lượng nước từ thượng nguồn đổ về.
Với lại do nước thoát chậm ở cửa Nhật Lệ (Đồng Hới) nên nước lụt ở Lệ Thủy thường dâng lên chứ không chảy xiết… Vì vậy, người dân Lệ Thủy thường “sống chung với lũ” với sự chuẩn bị chu đáo, cẩn thận.
Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, có một số nhóm cứu hộ đã liên hệ với huyện để đề nghị được tham gia cứu hộ. Chúng tôi đã bày tỏ cảm kích tinh thần giúp nhau khi khó khăn, hoạn nạn của các nhóm tình nguyện.
Dù ở xa nhưng vẫn vượt mưa gió đến với người dân Lệ Thủy. Nhưng hiện tại, do nước lũ ở các khu dân cư đang ở mức cao. Các địa phương đã bố trí các đội tự quản “4 tại chỗ” ở từng thôn, từng xóm trước khi nước dâng”.
Cano tắt máy để không tạo sóng gây hư hỏng tài sản của nhà dân. Ảnh: P.V |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, trong tình hình nước lũ đang dâng cao, những đội tự quản tại chỗ của địa phương sẽ thông thạo, hiệu quả và an toàn hơn trong công tác cứu hộ. Còn những đội cứu hộ ở các nơi đến thường không quen con nước cũng như địa hình ở địa phương.
Ông Sơn cho rằng, cano vào sẽ mất an toàn cho chính các đội cứu hộ và cũng có thể tạo sóng khiến đồ đạc đang kê lên nhau ở trong các nhà dân bị sập xuống nước. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại việc cứu hộ này chưa phù hợp nên phải tạm dừng. Khi mực nước đảm bảo an toàn, lúc này, các đội có thể vào để hỗ trợ người dân Lệ Thủy.
Huyện Lệ Thủy cảm ơn tinh thần cứu trợ của các đội tình nguyện nhưng vì nước lũ đang dâng cao khiến việc cứu trợ của các đội phải tạm dừng để đảm bảo an toàn cả người và tài sản. Ảnh: P.V |
Sau khi thông tin này được chia sẻ, một số ý kiến băn khoăn “Nếu đêm nay nước lên, không ứng cứu kịp, dân sẽ như thế nào”. Về ý kiến này, nhiều người chia sẻ, người dân Lệ Thủy có kinh nghiệm sống chung với lũ.
Trước mùa mưa lũ, mỗi gia đình đã có sự chuẩn bị lương thực, các phương tiện như bếp ga mini, giàn giáo để kê ván gỗ; rầm tra để trú ẩn; nhiều hộ đã xây nhà tránh lũ, nhà kiên cố có thể là nơi trú ẩn cho hàng xóm láng giềng.
Kéo cano chở phóng viên tác nghiệp tại vùng lũ Lệ Thủy khi vào vùng dân cư. Ảnh: N.C |
Người dân ở Lệ Thủy đã đồng tình và cho rằng: “Việc dùng cano chạy trong khi đi cứu trợ mà không có kỹ năng tiếp cận mục tiêu là “lợi bất cập hại”.
Hoặc ý kiến đưa ra giải pháp “Nếu quá khẩn cấp cần cứu hộ thì tiếp cận bằng xuồng. Cano tuyệt đối không chạy sát nhà bị ngập lụt bởi chân vịt và tốc độ tạo sóng phá tanh bành vườn tược, cửa nhà của dân”.
Tác giả: Xuân Thi
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết