UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đối với khu vực ven biển, đồng bằng, tỉnh Quảng Bình kêu gọi đầu tư các khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao cao cấp; bất động sản nghỉ dưỡng kết hợp sân gôn khu vực ven biển (thị xã Ba Đồn; các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…).
Phát triển các sản phẩm du lịch biển, đảo, ven sông; sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm; hoạt động du lịch bền vững ở khu vực cồn cát dọc bờ biển...Các khu du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên (Khu vực phá Hạc Hải – huyện Quảng Ninh…).
Phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ đang là hướng đi mới của ngành nông nghiệp Quảng Bình |
Các sản phẩm du lịch sinh thái đường sông (Dọc sông Nhật Lệ - sông Long Đại – Núi Thần Đinh; Kiến Giang - An Mã kết nối với Khu lăng mộ Thượng Đẳng Thần Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh – huyện Lệ Thủy; Dọc sông Long Đại, trải nghiệm vượt thác Tam Lu – huyện Quảng Ninh; Dọc sông Gianh kết hợp tham quan các đàn Voọc trên núi đá vôi huyện Tuyên Hóa…).
Các dự án đầu tư nuôi trồng thủy hải sản trên biển (huyện Quảng Trạch…); nuôi trồng thủy sản hữu cơ tập trung (huyện Lệ Thủy...). Các dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung, gắn với chuỗi cung ứng nông sản hàng hóa (Khu vực Tây Bắc Đồng Hới hoặc Tây Nam Bố Trạch)…Các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ (huyện Bố Trạch, huyện Lệ Thủy…); Các dự án sản xuất và chế biến lúa gạo hữu cơ (huyện Lệ Thủy, huyện Quảng Ninh…).
Đầu tư hình thành các vùng sản xuất tập trung, các vùng sản xuất chuyên canh kết hợp đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; chăn nuôi tập trung kết hợp với trồng cỏ chăn nuôi; mở rộng diện tích cánh đồng lớn trên các loại cây trồng có thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đối với khu vực miền núi, trung du, tỉnh Quảng Bình kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch sinh thái, mạo hiểm, khám phá thiên nhiên (thác Chà Cùng, núi Thần Đinh và hồ Rào Đá – huyện Quảng Ninh; Khu vực các xã Vạn Trạch, Tây Trạch – huyện Bố Trạch; Khu vực hồ Yên Phú, hang Rục mòn – huyện Minh Hóa…). Các dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp văn hóa, lịch sử (Khu vực Thác Bụt, Khu di tích lịch sử Kinh đô kháng chiến Vua Hàm Nghi, Điểm Di tích lịch sử Khe Thui, huyện Minh Hóa…). Các dự án du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe (Khu vực suối nước nóng Ngư Hóa - huyện Tuyên Hóa…)
Du lịch mạo hiểm, khám phá trải nghiệm cũng là một lĩnh vực được tỉnh Quảng Bình chú trọng đầu tư nhằm phát huy tiềm năng có sẵn |
Đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao gắn với nhà máy chế biến tập trung (các huyện: Bố Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa…).
Trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (các huyện: Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh…). Sản xuất dược liệu, nấm ăn, nấm dược liệu hữu cơ ứng dụng công nghệ cao (các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa…); cây ăn quả hữu cơ ứng dụng công nghệ cao (các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Tuyên Hóa…)
Đầu tư phát triển mô hình nông lâm kết hợp, trồng rừng kinh tế, cây bản địa lấy gỗ có giá trị kinh tế cao, các loại lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng; trồng rừng gỗ lớn, xây dựng vùng gỗ nguyên liệu. Phát triển các loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu (như dưa hấu, sả, cỏ chăn nuôi, sim, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu, sắn nguyên liệu…).
Cũng theo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, dự kiến, tại Hội nghị Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2023 diễn ra vào ngày 25/6 tới đây tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tiến hành trao Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 28 nhà đầu tư/31 dự án và khu vực quan đầu đầu tư với tổng vốn đăng ký 62.165 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD).
Tác giả: Ngọc Tân
Nguồn tin: Báo Đầu tư