Tin địa phương

Quảng Bình ra hạn chót điều chuyển vốn các dự án giải ngân 0%

Tính đến tháng 8/2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Bình vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt có 18 dự án tỉ lệ giải ngân 0%.

18 dự án có tỉ lệ giải ngân 0%

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình, năm 2024, tổng kế hoạch ĐTC nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.864 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương là 3.277 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương là 1.587 tỷ đồng.

Tổng kế hoạch ĐTC nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh phân bổ là 6.345 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 1.994 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 4.351 tỷ đồng.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đốc thúc tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC, tổ chức các hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC. Đồng thời, đã thành lập 3 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc giải ngân ĐTC do 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng thường xuyên họp hàng tuần để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân chung của toàn tỉnh.

Một dự án chậm tiến độ do vướng GPMB.

Tính đến hết tháng 8/2024, tiến độ giải ngân vốn ĐTC của tỉnh thực hiện gần 2.431 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 38,3% so với kế hoạch tỉnh triển khai, cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Theo tổng hợp báo cáo từ số liệu từ Kho bạc Nhà nước và các chủ đầu tư, hiện tại có 53 dự án giải ngân thấp (dưới 30%) với tổng số vốn bố trí là 978 tỷ đồng, tỉ lệ giải ngân chung của các dự án này đạt 11,8%, đặc biệt có 18 dự án chưa giải ngân (tỉ lệ 0%) với số vốn bố trí là 60 tỷ đồng.

Bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Chiều 13/9, trong hội nghị đánh giá tình hình giải ngân vốn ĐTC 8 tháng năm và bàn biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm, đã tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế dẫn đến công tác giải ngân vốn ĐTC chưa đạt yêu cầu đề ra.

Theo đó, nguyên nhân để tình trạng giải ngân chậm hiện nay là trách nhiệm chưa cao của các chủ đầu tư trong quá trình chỉ đạo đôn đốc, triển khai, nghiệm thu, thanh toán cho các dự án. Ngoài ra có một số nguyên nhân khác, như vướng công tác giải phóng mặt bằng; một số dự án khởi công mới năm 2023 nhưng vẫn chưa triển khai thi công; các dự án khởi công mới năm 2024 đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư và pháp lý liên quan nên chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp...

Phấn đấu đến ngày 31/12, giải ngân hết số vốn Thủ tướng Chính phủ giao, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư tiếp tục quán triệt công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân để giải ngân hết các nguồn vốn trong năm 2024.

UBND tỉnh Quảng Bình họp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về giải ngân ĐTC; khắc phục tối đa hạn chế, vướng mắc; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện; phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân để giải ngân hết các nguồn vốn ĐTC năm 2024. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về đôn đốc giải ngân kế hoạch vốn ĐTC; khẩn trương, kịp thời xử lý dứt điểm các nhiệm vụ được tổ tưởng các tổ công tác của UBND tỉnh đã kết luận, chỉ đạo. Tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý vốn ĐTC.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cũng lưu ý thủ trưởng các sở, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác thực hiện và giải ngân vốn ĐTC.

Lên kế hoạch chi tiết từng hạng mục công việc, thời gian hoàn thành và thực hiện theo kế hoạch đã được phân công, trong đó, các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 30% khẩn trương gửi kế hoạch tiến độ giải ngân về Sở Kế hoạch-Đầu tư trước ngày 20/9 để theo dõi, báo cáo các tổ công tác của UBND tỉnh. Vướng mắc tại bước nào, khẩn trương phối hợp các cơ quan liên quan để giải quyết nhằm bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Yêu cầu các chủ đầu tư đôn đốc nhà thầu tập trung nguồn lực để triển khai thi công, rà soát hợp đồng, xử lý trách nhiệm nhà thầu, trường hợp cần thiết chấm dứt, thay thế nhà thầu để bảo đảm tiến độ dự án. Đến thời điểm ngày 30/9, các dự án có tỷ lệ giải ngân 0% (trừ các dự án khởi công mới năm 2024), giao Sở Kế hoạch-Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND tỉnh điều chuyển sang cho các dự án khác và chủ đầu tư chịu trách nhiệm cân đối nguồn vốn để thi công hoàn thành công trình.

Tác giả: Ngô Thị Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP