Diện mạo đô thị trung tâm tỉnh Quảng Bình đang có sự thay đổi rõ nét. |
Diện mạo đô thị nhiều thay đổi
Đánh giá về thực trạng quy hoạch trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Quốc Anh - Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Sau 33 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, Quảng Bình đã tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Diện mạo đô thị và nông thôn thay đổi căn bản, khoảng cách vùng miền dần được thu hẹp.
Đến nay, tất cả các đô thị đều được lập, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng. Không gian đô thị phát triển, mở rộng nhanh chóng. Các khu trung tâm thị trấn, huyện từng bước phát triển hoàn thiện. Các khu đô thị mới như Phú Hải River Side, khu đô thị dọc tuyến đường Trần Quang Khải, khu vực ven sông cầu Rào; Trung tâm hành chính huyện lỵ mới huyện Quảng Trạch; khu đô thị mới phường Quảng Thọ... tạo diện mạo mới cho bức tranh đô thị Quảng Bình.
Tỉnh đang hình thành vùng du lịch ven biển phía Đông, với các tổ hợp du lịch tầm cỡ quốc tế ở khu vực Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy, thu hút hàng trăm triệu USD đầu tư nước ngoài. Triển khai tốt quy hoạch, hiện nay TP Đồng Hới đã được công nhận đô thị loại II, thị xã Ba Đồn là đô thị loại III.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng Phạm Quốc Anh cũng chỉ ra việc nghiên cứu lập, trình phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng vẫn còn kéo dài, gây ảnh hưởng đến quản lý đầu tư xây dựng, triển khai quy hoạch chi tiết, thực hiện dự án đầu tư... Mặt khác, khi phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, cơ quan phê duyệt không kịp thời ban hành quy định quản lý theo đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, dẫn đến tình trạng thiếu nhiều chỉ tiêu cơ sở để quản lý; nhiều đồ án được duyệt từ lâu nhưng chưa được đầu tư xây dựng.
Quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược
Nhấn mạnh đến vai trò của công tác quy hoạch, ông Phan Mạnh Hùng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vị trí vô cùng quan trọng. Đó là sự cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để Quảng Bình hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế.
Theo TS KTS Phạm Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh, Quảng Bình thuộc vùng kinh tế Bắc Trung Bộ, với nhiều lĩnh vực có điều kiện phát triển như: Công nghiệp, thương mại - dịch vụ, cảng biển, du lịch, đánh bắt - nuôi trồng thủy sản và chế biến hải sản... Để phát huy được tiềm năng, quy hoạch của tỉnh Quảng Bình phải có tầm nhìn chiến lược, cần xác định được vị trí của địa phương trong mối tương quan với vùng kinh tế Bắc Trung Bộ, với tổng thể quy hoạch quốc gia và bối cảnh phát triển của quốc tế.
Năm 2022, 2023 Viện Quy hoạch Xây dựng tỉnh lập nhiệm vụ, lập quy hoạch xây dựng 16 đồ án, trong đó có nhiều đồ án có quy mô lớn, phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Theo ông Hoàng Đức Thiện - Phó giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Bình, thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng giúp Quảng Bình phát triển kiến trúc bền vững, bảo vệ tốt môi trường sống và thiên nhiên… Đây cũng là cơ sở để kết nối các khu đô thị, tạo nên động lực phát triển cho địa phương và cả khu vực Trung Bộ.
Tác giả: Nhất Linh
Nguồn tin: Báo Xây dựng