Giáo dục

Phút trải lòng của một hiệu trưởng...

Gần đây có một số bài viết trên các báo của các thầy cô nêu lên mối quan hệ giữa ban giám hiệu với giáo viên trong đơn vị. Là hiệu trưởng một trường THPT, tôi xin được chia sẻ mấy điều sau.


20160709115851 gv
Có hiệu trưởng độc đoán, gia trưởng, quản lý thiếu minh bạch, sai quy chế chuyên môn.... Những vấn đề này xảy ra ở mức độ nào, có là hiện tượng phổ biến hay không, do đâu xảy ra những chuyện như thế…, cần một nghiên cứu đầy đủ, khách quan, có cơ sở khoa học từ thực trạng hoạt động của giáo viên và cán bộ quản lý các trường học.

Hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường là trách nhiệm của hiệu trưởng. Phó hiệu trưởng phụ trách một số mảng công việc do hiệu trưởng phân công. Phó hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng, là nhà quản lý (Manager) không phải nhà lãnh đạo (Leader).

Hiệu trưởng trong quá trình công tác chịu nhiều áp lực từ cấp trên như Sở, Phòng GD&ĐT, cấp ủy và chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và phụ huynh học sinh. Nếu là chuyện vui, những lúc công việc trường trôi chảy, hiệu trưởng dễ dàng chia sẻ với giáo viên của mình, còn những lúc trắc trở, buồn phiền vì công việc, hiệu trưởng chỉ một mình... gặm nhấm.

Là hiệu trưởng, phẩm cách đầu tiên cần có là chữ “nhẫn”. Thầy giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng (nay đã nghỉ hưu) có lần nói với tôi rằng: “Đời tớ thành công chỉ nhờ một chữ nhẫn”. Do áp lực công việc, hiệu trưởng dễ bức xúc, có lúc gắt gỏng với giáo viên, nhân viên của mình. Phó hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh, học sinh vì thế cần có sự thông cảm, thấu hiểu, chớ trách cứ, suy diễn, đồn đoán thiếu căn cứ....

Hiệu trưởng biết giữ chữ “nhẫn” sẽ lắng nghe được chia sẻ của mọi người cả những điều mà hiệu trưởng chưa tốt. Dẫu vẫn biết ai cũng thích được khen, nhưng làm hiệu trưởng thì phải chấp nhận bị chê. Có như thế hiệu trưởng mới thay đổi được chính mình - tạo sự phát triển cho tập thể. Nhưng hiệu trưởng cần hạn chế chê trách giáo viên, hãy tìm cách khen họ và khen thật lòng. Hiệu trưởng có thể quên đi lời khen của mình nhưng người được khen thì không quên.

Với nhà trường, hoạt động dạy học - giáo dục là quan trọng. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần là chuyện bình thường. Hiệu trưởng phải góp ý với giáo viên về phương pháp dạy học, chủ nhiệm, soạn giảng... và nói sao để họ tâm phục, khẩu phục mới là chuyện lớn. Điều này không quá khó để thực hiện vì phần lớn hiệu trưởng đi lên từ giáo viên cốt cán trong trường.

Chỉ có điều, lúc làm hiệu trưởng, họ có còn tốt như trong quá khứ nữa hay không lại là chuyện khác. Quyền lực, trong một số trường hợp đã làm họ đánh mất chính mình. Vì thế, đâu phải cứ hiệu trưởng là đứng ra thao giảng (theo kiểu hiệu trưởng nói được - làm được) thì giáo viên mới nể phục!

Một tập thể giáo viên luôn có người tốt, tích cực và có những giáo viên cần cố gắng. Mỗi nhóm giáo viên đòi hỏi hiệu trưởng có cách ứng xử phù hợp. Đắc nhân tâm là một lẽ và cũng có lý do hiệu trưởng chưa được phân cấp quản lý đầy đủ.

Trong một năm học, hiệu trưởng được đánh giá ít nhất là 3 lần (chưa tính đến những lần cấp trên về thanh tra, kiểm tra, giám sát):

- Đánh giá chất lượng đảng viên cuối năm;

- Đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng (do từng giáo viên, nhân viên đánh giá);

- Xếp loại công chức (do từng giáo viên, nhân viên đánh giá);

Rồi còn đánh giá của lãnh đạo sở, các phòng, ban chức năng, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.

Thế nên, hiệu trưởng cần được tập thể sư phạm trong trường chia sẻ, động viên.

Hiệu trưởng cần thấu hiểu cuộc sống, công việc của giáo viên, nhân viên. Lúc họ gặp trắc trở, khó khăn thì chia sẻ một cách tế nhị, tận tâm. Thực hiện phân công công việc, thu chi tài chính, thi đua khen thưởng... phải công khai, có vậy mới từng bước tạo dựng một tập thể có niềm tin.

Là hiệu trưởng phải luôn học hỏi, biết tìm kiếm tài liệu để đọc - để học, rút ra những điều tâm đắc áp dụng vào công việc. Hiệu trưởng phải biết quản lý để tạo sự thay đổi, biết chấp nhận sự khác biệt, sống bao dung và mạnh mẽ trong hành động.

Mong rằng giữa hiệu trưởng và giáo viên luôn có sự thấu hiểu, cộng đồng trách nhiệm để xây dựng nhà trường thân thiện, nhân văn, tiến bộ. Phút trải lòng của một hiệu trưởng cùng bạn đọc....


Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Chương (Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Phát - Lâm Đồng)

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP