LTS: Bàn về việc chọn ngành, chọn trường của thí sinh tham gia xét tuyển Đại học, Cao đẳng năm 2016, thầy giáo Bùi Minh Tuấn đã có bài viết thể hiện quan điểm của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Đợt xét tuyển đầu tiên mùa tuyển sinh năm 2016 đang bước vào giai đoạn “nước rút”.
Đây thực sự là bước ngoặt quan trọng ảnh hưởng tới nghề nghiệp và việc tạo dựng tương lai của các thí sinh.
Cùng với việc tiếp cận các “kênh” tư vấn tuyển sinh khác nhau từ nhà trường, xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng thì gia đình có vai trò quan trọng, tác động lớn tới sự lựa chọn trường, ngành xét tuyển của mỗi thí sinh.
Các bậc phụ huynh chỉ nên định hướng thay vì áp đặt con trong việc lựa chọn ngành, trường đăng ký xét tuyển (Ảnh: tác giả).
Mặc dù vậy, việc tạo áp lực hoặc can thiệp quá sâu vào quá trình chọn ngành, trường xét tuyển có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn cho các em.
Một cảnh tượng khá quen thuộc vào mỗi dịp kì thi Đại học hay kì thi Trung học Phổ thông Quốc gia (gọi theo mấy năm gần đây) là cảnh phụ huynh đưa con em đi dự thi tập trung rất đông trước các điểm thi.
Mọi công việc mưu sinh hàng ngày tạm thời được gác qua một bên để có thể “tiếp sức” cho các sĩ tử một cách tốt nhất.
Những vị phụ huynh đến từ các huyện xa cũng không nề hà cảnh “cơm niêu nước lọ” với mong muốn được sát cánh bên cạnh con trong ngày trọng đại của cuộc đời.
Hồi hộp, lo lắng, hy vọng… tất cả những nét tâm trạng ấy của các bậc phụ huynh đều bắt nguồn từ một mong muốn cháy bỏng: con mình có được một “suất” trong giảng đường Đại học để có thể có được tấm bằng mà lập nghiệp, nuôi thân.
Tâm lý sính bằng cấp đã trở thành một thứ “bệnh” ám ảnh các bậc phụ huynh đồng thời tạo nên một áp lực lớn đối với thí sinh.
Áp lực mùa thi là nguyên nhân quan trọng khiến cho không năm nào là không xảy ra những chuyện đau lòng, đáng tiếc: có học sinh tự vẫn do không làm tốt bài thi; có thí sinh đã ngất xỉu ngay tại phòng thi do quá căng thẳng trong môn thi Đại học đầu tiên…
Xảy ra tình trạng trên là bởi ai cũng muốn lọt qua “khe cửa hẹp” để có một “chân” trong giảng đường Đại học, hy vọng sau bốn, năm năm đèn sách ở giảng đường Đại học có thể có được tấm bằng“đẹp” làm “giấy thông hành” vào đời.
Về ý tưởng, yêu cầu có bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ khi tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ là điều tốt bởi nó thúc đẩy nhu cầu học tập của xã hội.
Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc, coi trọng bằng cấp, xem nó là tiêu chí duy nhất khi tuyển dụng nhân sự, đề bạt cán bộ nghĩa là nếu bằng cấp là yếu tố tối quan trọng cho cơ hội được tuyển dụng, thăng tiến thì nó sẽ trở thành một áp lực ghê gớm đè nặng lên người học.
Người ta sẽ phải bằng mọi cách để có được mảnh bằng!
Áp lực ấy được các phụ huynh “truyền lại” cho con em để rồi không chỉ các năm cuối cấp mà gần như từ những năm mẫu giáo đến hết tuổi học trò, mỗi học sinh phải gồng mình nhồi nhét kiến thức với mục tiêu duy nhất là cổng trường Đại học.
Việc đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của bằng cấp đã sớm hình thành ở học sinh tư tưởng xem thi cử, đỗ đạt là con đường duy nhất để lập thân.
Và khi thất bại, đã xuất hiện tư tưởng cực đoan xem đó là dấu chấm hết của cuộc đời, từ đó dẫn đến những cách hành xử tiêu cực.
Việc trở thành sinh viên Đại học còn là áp lực lớn đối với mỗi thí sinh còn bởi đó là cách để làm rạng danh gia đình, dòng họ.
Nhiều bậc phụ huynh quan niệm rằng chỉ khi con em mình được học Đại học thì lúc đó họ mới có điều kiện “nở mày, nở mặt” với đời. Và thế là, họ bắt buộc, dồn ép con em phải học, phải thi, phải đậu bằng bất cứ giá nào.
Nhiều vị phụ huynh cứ ép con phải học mà không quan tâm đến sức học, năng lực, sở trường của chúng.
Một số người can thiệp quá sâu vào việc lựa chọn ngành nghề bằng cách bắt buộc con em phải đăng ký xét tuyển vào trường này, ngành nọ mà không để ý xem liệu khả năng của con em mình có “kham” nổi hay không.
Nhiều học sinh có học lực làng nhàng, dù biết rõ rằng sức học của mình không đủ để “trèo cao” nhưng vẫn “nhắm mắt đưa chân” cốt chỉ để làm yên lòng gia đình.
Thực tế trên đã gây ra một sự lãng phí không nhỏ về thời gian, tiền của cho gia đình và xã hội.
Nhằm giảm áp lực phải vào bằng được cổng trường Đại học của các thí sinh, trước hết, gia đình cần xác định rõ về mặt tư tưởng rằng: cổng trường Đại học không phải là sự lựa chọn duy nhất.
Thay vì can thiệp thô bạo vào việc lựa chọn trường, ngành học của con ở bậc Đại học, các bậc phụ huynh cần định hướng để con em mình căn cứ kết quả điểm số, vào khả năng, sức học thực tế của bản thân, từ đó mà đưa ra quyết định nên đăng ký xét tuyển vào trường nào vừa phù hợp với năng lực học tập, vừa đáp ứng được sở thích, thiên hướng, năng khiếu.
Qua tham khảo ý kiến nhận xét, đánh giá của giáo viên và thực tế kết quả học tập của con ở bậc học phổ thông, nếu thấy lực học của con còn hạn chế, tự lượng thấy không đủ để “vượt vũ môn” thì các bậc phụ huynh nên hướng cho con chọn một hướng đi khác phù hợp với thực tế.
Các trường trung cấp, dạy nghề có thể là địa chỉ để thí sinh lựa chọn.
Điều này càng đáng lưu tâm nhất là trong bối cảnh hiện nay, thị trường việc làm đang có xu hướng “thừa thầy thiếu thợ”.
Bên cạnh đó, việc biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con, cho con được quyền lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích còn là cách giúp con gắn bó với công việc để có thể gặt hái được những thành công trong tương lai.
Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn