Chỉ vào dãy cặp sách, người mẹ bộc bạch, loại cặp giá thấp nhất cũng hơn 200 nghìn đồng, loại tốt giá cao hơn nữa. Đó là cậu anh còn dùng lại cặp sách cũ. Cứ mỗi lần đi sắm là tiền triệu, tài chính gia đình thâm hụt, anh chị phải rất căn ke trong các khoản chi tiêu khác.
Nhiều phụ huynh phải cân đong đo đếm khi mua cây viết, cuốn tập cho con
“Ngày trước mình đi học rất đơn giản, bây giờ sao nhiều thứ kinh khủng. Đi về rồi lại thấy thiếu, tuần nào cũng lượn lờ ra đây sắm cho con mà mẹ đuối. Một hai tháng lương của ba mẹ là đi cái vèo”, chị nói.
Anh Trần Minh Dũng, ở Gò Vấp cho biết, vợ chồng anh đều làm làm động tự do, anh chạy xe ôm, vợ may mặc ở nhà, cuộc sống rất eo hẹp. Cứ vào năm học mới là đuối, đủ khoản tiền phải lo. Dù anh đã triệt để tận dụng đồ dùng được cho, đồ cũ… cho hai con nhưng vẫn phải sắm sanh rất nhiều. Cứ mỗi lần đi siêu thị là ông bố phải so đo giá các mặt hàng từng nghìn một, cứ cái nào rẻ nhất là cho vào giỏ đồ dù biết tiền nào của nấy, đồ kém chất lượng thì khó mà bền.
“Nói là rẻ nhưng với mình thì đắt và giá cả tăng lên mỗi năm, tôi chọn cái bèo nhất rồi mà vẫn tốn kém lắm. Một cuốn tập (vở) mỏng mỏng, loại thấp nhất cũng trên 10.000 đồng. Đụng đâu cũng tiền, nhà khá giả không sao chứ nói thiệt, nhà khó khăn là bố mẹ đuối luôn. Đâu phải sắm sửa thế này là xong, hôm nào đi học… còn bao nhiêu khoản tiền trường”, ông bố thở dài.
Con chưa vào năm học, nhiều gia đình đã đuối sức cho việc sắm sửa sách vở, dụng cụ học tập cho con. Chị Trần Thị Loan, ngụ ở đường Đinh Tiên Hoàng, P.3, Bình Thạnh chia sẻ, hai vợ chồng chị tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng, để xoay sở sinh hoạt ngày luôn thiếu trước hụt sau. Vào năm học mới họ phải cắt hết mọi khoản chi tiêu dành tiền có thể để mua sách vở, đồ dùng cho con.
Nhiều gia đình tận dụng tối đa mọi cách để tiết kiệm như dùng lại đồ cũ; “săn” các mặt hàng giảm giá, bình ổn trên thị trường. Hầu hết ở các nhà sách, siêu thị vào thời điểm này đều có những chương trình giảm giá, bình ổn các mặt hàng phục vụ cho năm học mới như sách giáo khoa, đèn bàn, vở viết, dụng cụ học tập, cặp sách… có mức giảm từ 5 - 15%.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện toàn thành phố có 15 doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2016 - 2017. Sở yêu cầu các các doanh nghiệp này cần tích cực giới thiệu các mặt hàng bình ổn đến các trường. Phòng GD-ĐT và các trường học vận động phụ huynh sử dụng các sản phẩm được bình ổn giá cũng như vận động căng tin, bếp ăn các trường sử dụng hàng hóa, nguồn hàng của các doanh nghiệp tham gia bình ổn nhằm đảm bảo giá cả và an toàn thực phẩm.
Mua sách vở, dụng cụ học tập đã làm nhiều gia đình "đuối" nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu để con đến trường
Tuy nhiên, việc mua sắm đây chỉ mới là bước khởi đầu. Như chị Loan cho hay, còn sách tiếng Anh mua ở trường cũng vài trăm nghìn mỗi bộ, rồi còn có thể tiền đồng phục này nọ. Và đặc biệt, chị phải xoay xở làm sao có sẵn một khoản tiền nhất định để trang trải các khoản tiền trường khi con nhập học. Ngoài các khoản tiền quy định thì chắc chắn sẽ có rất nhiều khoản phát sinh, những khoản tiền tự nguyện, quỹ trường, quỹ lớp rồi quỹ phụ huynh… thì chẳng có cách nào mà tiết kiệm hay “chọn” đồ rẻ cho được.
Người mẹ than: “Riêng khoản tiền bán trú hàng tháng cho con mình đã hoảng rồi. Chắc chắn còn vô số thứ, cứ con đi học là các phụ huynh sẽ biết”.
Nỗi lo của các ông bố bà mẹ mùa tựu trường đâu chỉ nằm ở những cuốn sách, cây viết, chiếc tẩy, cặp sách… Đó chỉ mới là khoản “mở đầu” để trẻ bước vào năm học mới. Sau mùa khai giảng sẽ là mùa… tiền trường với vô vàn khoản tiền phụ huynh phải xoay sở để lo con có thể đi học. Có nhiều gia đình phải đi vay mượn, phải chạy vạy để đóng tiền học cho con và có cả những phụ huynh chưa có tiền đóng phải tìm đủ cách “trốn” nhà trường. Và rồi cũng không thiếu những đứa trẻ phải đứt gánh việc học khi cha mẹ không lo nổi tiền trường.
Tựu trường là mùa vui của con trẻ và cũng là mùa lo toan, âu lo của các bậc làm cha mẹ….
Tác giả bài viết: Hoài Nam