►Thực hư chuyện Công Vinh rời Bình Dương, sang châu Âu thi đấu
►Công Vinh có nguy cơ mất suất chính tại AFF Cup 2016
►Công Vinh tươi cười chụp ảnh trong ngày lộ tin chia tay Bình Dương
Không thể mãi "Xây nhà từ nóc"
Thời kỳ đầu của V-League, những đại gia như HAGL, ĐTLA, Bình Dương hay sau này là HN-T&T, Ninh Bình, XMXT Sài Gòn đổ rất nhiều tiền vào thị trường chuyển nhượng nhằm thống trị làng bóng Việt bằng đội quân "lính đánh thuê" hàng hiệu.
Đổ tiền mua các "vì sao" này với mong muốn nhanh chóng có thành tích, danh hiệu… Có thời điểm những "trọc phú miệt vườn" khiến cho giá trị thực của cầu thủ Việt bị đẩy lên quá cao nhưng chất lượng đôi khi chỉ tương xứng với một bó rau muống "500 đồng".
Nhận thấy sai lầm khi không thể xây nhà từ nóc, các ông bầu bắt đầu thay đổi quan điểm làm bóng đá. Họ chú trọng nhiều hơn đến công tác đào tạo trẻ. Xu hướng sử dụng cầu thủ do mình đào tạo ra ngày càng được nhiều CLB tại V-League áp dụng.
Trẻ hóa giúp CLB giảm được 30% đến 40% chi phí hoạt động
"Việc trẻ hóa lực lượng giúp cho chúng tôi giảm được rất nhiều chi phí về tiền lương, phí chuyển nhượng. Nếu có nguồn cầu thủ trẻ bổ sung thường xuyên cho đội 1, mỗi năm Long An tiết kiệm được từ 30 đến 40% kinh phí hoạt động.
Dùng cầu thủ trẻ có lợi cũng có hại. Họ còn trẻ, là người địa phương nên sự cống hiến cũng như khát khao thể hiện sẽ rất máu lửa, nhưng lại hạn chế về kinh nghiệm, bản lĩnh. Tuy nhiên, trồng cây thì phải đợi ngày hái quả", GĐĐH Long An, ông Võ Thành Nhiệm chia sẻ.
Sử dụng các tài năng "cây nhà lá vườn" giúp CLB tiết kiệm nhiều chi phí, lại làm lợi cho ĐTQG.
V-League 2017 chưa chính thức khởi tranh, nhưng chuẩn bị cho mùa giải mới hầu hết các đội bóng đều trẻ hóa lực lượng khá mạnh mẽ. Long An dự định đôn khoảng 5 cầu thủ chất lượng từ lứa U21 lên đội 1.
HAGL dự định sẽ chơi với 100% cầu thủ do mình đào tạo nên. HN-T&T đôn 13 cầu thủ trẻ lên tập cùng đội 1, dự kiến HLV Chu Đình Nghiêm sẽ giữ lại 5 gương mặt chất lượng cho mùa giải mới.
Bất ngờ nhất là Bình Dương khi đại gia một thời của V-League chuyển mình. Họ cho những cựu binh như Công Vinh, Văn Hoàn, Trọng Hoàng, Đình Luật ra đi. Tân HLV Trần Bình Sự đóng vai trò kiến trúc sư trong việc tái thiết "Chelsea Việt Nam" với lực lượng gồm 10 người cũ và 15 cầu thủ trẻ.
Các ĐTQG được hưởng lợi nhiều nhất
"Việc các đội bóng V-League trẻ hóa lực lượng, chú trọng đến công tác đào tạo trẻ là tín hiệu đáng mừng cho bóng đá Việt Nam.
Các cầu thủ trẻ được tạo cơ hội thi đấu nhiều hơn tại V-League giúp cho bản thân họ được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm rất nhiều. Càng nhiều tài năng góp mặt tại V-League hay hạng Nhất sẽ giúp cho HLV trưởng các ĐTQG có thêm nhiều lựa chọn nhân sự.
ĐTQG được hưởng lợi nhiều nhất từ cách làm này của các CLB V-League. Một đội bóng chỉ cần có khoảng 3 gương mặt trẻ chất lượng thì ĐTQG sẽ có lực lượng dồi dào mỗi khi tập trung", cựu HLV trưởng ĐTQG, ông Phan Thanh Hùng chia sẻ.
HAGL là CLB đi đầu trong việc đào tạo cầu thủ trẻ bài bản, thậm chí theo công nghệ của nước ngoài (Arsenal JMG).
Nếu như trước kia các cầu thủ trẻ gần như không có đất diễn tại V-League, sân chơi chủ yếu của họ ở các giải đấu trẻ như U17, U19 và U21. Lúc này, tần số xuất hiện của họ ngày một dày đặc hơn rất nhiều.
Tại V-League 2016, HAGL luôn luôn ra sân với đội hình có ít nhất 7 cầu thủ dưới 22 tuổi, điều đó giúp HAGL đạt danh hiệu "CLB đào tạo trẻ tốt nhất 2016". Những Quang Hải, Đức Huy, Văn Kiên… ngày một cho thấy sự trưởng thành tại HN-T&T khi được chơi bên cạnh các đàn anh Thành Lương, Văn Quyết, Gonzalo.
Khánh Hòa, Đồng Tháp, Long An, SLNA… ngày càng tin dùng "của nhà trồng được" nhiều hơn. Có thành công cũng như thất bại nhưng đó là tín hiệu đáng mừng và tích cực cho bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai.
Ở hai mùa giải liên tiếp 2015 và 2016, V-League chứng kiến sự trẻ hóa mạnh mẽ của các đội bóng. Nếu như tại V-League 2015 chỉ có 7 đội bóng đôn cầu thủ trẻ lên đội 1 thử sức thì con số đó tăng vọt lên tới 12, ở mùa giải 2016. |
Tác giả bài viết: Hải Bình
Nguồn tin: