Pháp luật

Phát hiện một vụ “xẻ thịt” rừng Phước Sơn

Sau nhiều ngày tìm hiểu thông tin vụ phá rừng đang diễn ra ở thôn 4, xã Phước Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), chúng tôi cải trang thành những người đi rừng để xâm nhập hiện trường.

Sau khi thuê xe ôm vào bãi vàng Nhẹ, chúng tôi xuống xe lội bộ băng rừng, vượt những dốc núi trơn trượt mất hơn 2 giờ đồng hồ mới tiếp cận được khoảnh rừng bị “lâm tặc” tàn phá.

Gần khu vực hiện trường, hai bên đường đi, những cây gỗ lim, gõ, chua… bị đốn hạ, gỗ đã được xẻ thành phách vứt nằm ngổn ngang. Nhiều khúc gỗ vừa mới bị đốn hạ chưa kịp cưa xẻ nằm lăn lóc. Bên cạnh những gốc cây vừa bị đốn hạ, cũng có nhiều gốc dấu vết cưa, đốn cũ.

Trên đường đi, những dấu xe vẫn còn in hằn với độ sâu hơn 20cm. Nhìn qua có thể thấy, những chiếc xe này được chở những vật rất nặng. Anh H. là người dẫn đường cho biết, những dấu xe này là do “lâm tặc” dùng xe máy, bánh xe được bọc xích làm bằng những loại dây sên rất kiên cố để chở gỗ ra ngoài.

Nhiều cây gỗ mới bị rọc phách chất thành đống, lâm tặc chưa kịp vận chuyển ra bên ngoài.

Tiến sâu vào cánh rừng, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều gốc cây gỗ bị đốn hạ, có cây đường kính từ 60cm đến 1,3m. Những phách gỗ đã xẻ dày 20cm, rộng 30cm, dài 3m chất thành nhiều đống mà “lâm tặc” chưa kịp vận chuyển ra ngoài.

Những đống gỗ này được “lâm tặc” dùng những cành cây, lá cây phủ lên trên nhằm che mắt lực lượng chức năng. Từ trong rừng sâu, tiếng máy cưa “lâm tặc” vọng ra inh ỏi.

Một người dân bản địa đi cùng cho biết, tình trạng phá rừng tại đây đã diễn ra từ nhiều năm nay. “Khi “lâm tặc” vận chuyển gỗ, họ đi thành đoàn ngang nhiên, nhưng khống thấy lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.

Không chỉ phá rừng, ở khu vực này còn có hoạt động khai thác vàng “chui” và các chủ bãi còn ngang nhiên đốn cây rừng để chống đỡ những hầm vàng theo kiểu hầm chữ A, phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép.

Theo quan sát của chúng tôi, ngay từ đầu đường đi vào khu rừng thôn 4, xã Phước Đức có chắn barie của Trạm Kiểm soát liên ngành thôn 4, Phước Đức. Vậy lực lượng gác chắn thế nào mà “lâm tặc” vẫn ngang nhiên “xẻ thịt” rừng, rồi vận chuyển lọt qua Trạm này?

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Minh Đương, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Phước Sơn – Hiệp Đức, điềm nhiên bảo rằng, cách đây hai tuần, đơn vị vừa mới phối hợp với Công an xã đi kiểm tra nhưng không phát hiện tình trạng phá rừng(?!).

Ông Đương khẳng định: “Ở khu vực này có 3 đơn vị quản lý là Ban quản lí rừng đặc dụng sông Thanh, Ban quản lí rừng phòng hộ Đăk Mi và Hạt Kiểm lâm Phước Sơn - Hiệp Đức.

Tuy nhiên, dù không biết chính xác thuộc đơn vị quản lý nào nhưng khi phóng viên cho biết thông tin, Hạt cũng sẽ cử lực lượng vào kiểm tra”.

Tác giả: Hà Vy

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP