Đẩy mạnh XDCB trong nông thôn mới làm bộ mặt làng quê “thay da đổi thịt”, tuy nhiên kéo theo nợ đọng hàng trăm tỷ đồng |
Báo cáo từ UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng XDCB theo quy định. Đặc biệt, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB trên địa bàn. Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2263/UBND-KTTH ngày 30/11/2017 về việc tiếp tục các giải pháp xử lý nợ đọng XDCB nguồn vốn đầu tư công.
Tổng nợ XDCB từ các dự án sử dụng vốn hỗ trợ trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 145,8 tỷ đồng; nợ XDCB có liên quan 213,8 tỷ đồng.
Đối với việc xử lý nợ đọng XDCB, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và huyện, xã căn cứ vào trách nhiệm trả nợ nhằm cân đối, bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, huy động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện xử lý dứt điểm nợ XDCB. Đồng thời cần chủ động khai thác quỹ đất hợp lý, tạo nguồn thu để xử lý nợ đọng XDCB; tăng cường công tác quản lý đầu tư, thẩm định chặt chẽ về chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từng dự án. Ngoài ra, các Sở, ban, ngành cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc đã được giao về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm để thực hiện và giải ngân vốn theo tiến độ, đồng thời nhấn mạnh chỉ được thực hiện theo số vốn được bố trí. Đối với dự án chỉ hỗ trợ một lần hoặc tỉnh có cam kết hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp có tính chất đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu Sở, ngành, địa phương thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo số vốn được hỗ trợ; phần vốn vượt ngoài cam kết của tỉnh, đơn vị phải tự cân đối, nghiêm cấm không gây nợ đọng XDCB. Đặc biệt, các Sở, ban, ngành chịu trách nhiệm nếu vi phạm trong việc phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thi công vượt số vốn bố trí, gây nợ đọng XDCB...
Ngoài ra, về nguồn ngân sách cấp huyện, cấp xã, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương căn cứ vào phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn để xác định trách nhiệm trả nợ của ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết dứt điểm nợ đọng XDCB; đồng thời kiên quyết không để phát sinh thêm nợ đọng XDCB...
Phấn đấu đến năm 2020, Quảng Bình giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng nông thôn mới |
Được biết, trong năm 2016 các địa phương đã bố trí hơn 152,7 tỷ đồng để xử lý nợ đọng XDCB trong xây dựng Nông thôn mới, giảm tổng nợ từ hơn 512,3 tỷ đồng xuống còn 359,6 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ 38,8 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 23,9 tỷ đồng; ngân sách huyện 48,6 tỷ đồng; ngân sách xã và nguồn vốn khác 41,4 tỷ đồng. Theo nguồn vốn, nợ trực tiếp của chương trình giảm từ 200,9 tỷ đồng xuống còn 145,8 tỷ đồng.
Dự kiến giai đoạn 2017 - 2020, sẽ bố trí thanh toán nợ XDCB 359,6 tỷ đồng (gồm: ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh 70,1 tỷ đồng; ngân sách huyện 117,7 tỷ đồng; ngân sách xã và nguồn vốn khác 171,9 tỷ đồng).
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Xây dựng