Biểu tình phản đối cưỡng hiếp ở Ấn Độ ngày 4.5.2016.
Theo RT, vụ cưỡng hiếp xảy ra đêm 27.5 khi thiếu nữ lẻn ra khỏi nhà ở quận Bahraich, bang Uttar Pradesh để đi gặp một thanh niên trong nhóm trong lúc gia đình cô đang ngủ.
Cảnh sát Salik Ram Verma cho biết, khi cô gái đến nơi thì 3 thanh niên đã chờ sẵn và sau đó tấn công cô. Khi cô gái chống cự, họ đã bóp cổ và treo thi thể cô lên cây cách nhà chưa đến 1,6 km. Hiện hai nghi phạm đã bị bắt giữ trong khi tên còn lại bỏ trốn.
“Khi thiếu nữ chống cự, họ đã cưỡng hiếp và bóp cổ cô. Nhằm dàn cảnh vụ giết người thành tự tử, chúng đã treo thi thể nạn nhân lên cây và trốn khỏi hiện trường. Tuy nhiên, báo cáo pháp y xác nhận nạn nhân bị cưỡng hiếp và bóp cổ”, ông Verma cho hay.
Cũng theo cảnh sát Verma, liên quan đến vụ cưỡng hiếp, 4 cảnh sát địa phương đã bị đình chỉ công tác ví không tích cực điều tra vụ việc, khiến người dân địa phương phẫn nộ.
Trước đó, cha của nạn nhân đã chỉ đích danh những kẻ cưỡng hiếp, bắt cóc con gái mình trước khi tìm thấy thi thể của thiếu nữ. Tuy nhiên, cảnh sát đã tỏ ra thờ ơ và không tìm hiểu sự việc.
Đây không phải trường hợp bị cưỡng hiếp, giết hại rồi treo thi thể nạn nhân lên cây đầu tiên tại Ấn Độ. Cách đây 2 năm, cũng tại bang Uttar Pradesh, 2 cô gái khác được phát hiện chết trong tư thế treo cổ trên cây tại một ngôi làng.
Gia đình các nạn nhân cho biết họ bị cưỡng hiếp tập thể trước khi bị giết hại. Người thân của hai thiếu nữ, 12 và 14 tuổi, nói rằng họ bị tấn công sau khi ra ngoài đi vệ sinh vào lúc trời tối. Tuy nhiên, tranh cãi đã nổ ra sau khi các nhà điều tra kết luận hai cô gái đã tự sát và không bị hãm hiếp.
Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp Ấn Độ nhằm phản đối tình trạng gia tăng bạo lực nhằm vào phụ nữ.
Áp lực dư luận đã khiến chính phủ Ấn Độ áp đặt chính sách xử phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm tình dục, trong đó, những kẻ hiếp dâm sẽ phải nhận án tù 20 năm thay vì 10 năm.
Tuy nhiên, các vụ án liên quan đến tội phạm tình dục tại Ấn Độ được cho là không hề giảm. Ước tính, khoảng 40.000 vụ hiếp dâm được ghi nhận ở Ấn Độ chỉ tính riêng năm 2014 - gấp đôi so với năm 2012. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi của phụ nữ tin rằng, con số thực tế còn lớn hơn nhiều vì phần lớn các nạn nhân bị cưỡng hiếp quyết định im lặng, không trình báo với cảnh sát.
Tác giả bài viết: Phương Đăng (theo RT)