Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC |
BV Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vừa tiếp nhận và điều trị một trường hợp sốc phản vệ sau khi ăn mì ăn liền.
Bệnh nhân tên V.T.M.N, 21 tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, tay chân lạnh, mạch quay khó bắt, huyết áp không đo được, phù mặt, vùng cổ và tay chân nổi mẩn đỏ rải rác, khó thở, SPO2 thấp, phản xạ nuốt kém, tim nhịp nhanh, khó nghe tần số 120 đến 130 lần/phút.
Theo người nhà bệnh nhân, người này có tiền sử dị ứng với bột mì. Vào khoảng 7h, N. có ăn mì ăn liền, khoảng 30 phút sau thì biểu hiện mệt, khó thở, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân, phù mặt.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đây là trường hợp sốc phản vệ độ III do thực phẩm, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Sau cấp cứu, người bệnh ổn định, tỉnh táo tiếp xúc được, huyết áp ổn định, không khó thở, SP02 99%, hết nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân, không nôn, hết phù.
Theo BS. Nguyễn Thanh Hải, Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc, BV Đa khoa huyện Quảng Ninh, dị ứng thực phẩm là một phản ứng hệ thống miễn dịch xảy ra ngay sau khi ăn một loại thức ăn nhất định. Ngay cả khi với một lượng nhỏ thức ăn gây dị ứng cũng có thể kích hoạt các dấu hiệu và triệu chứng như vấn đề tiêu hoá, nổi mề đay hoặc đường thở bị sưng. Ở một số người dị ứng thực phẩm có thể gây nên triệu chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí là phản ứng có thể đe dọa đến tính mạng - sốc phản vệ như bệnh nhân ở trên.
Cùng với đó, các bác sĩ khuyến cáo, lưu ý tối quan trọng để phòng tránh sốc phản vệ đó là nếu bạn có tiền sử bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì tốt nhất nên tránh vì một lượng nhỏ thức ăn cũng đủ để phản ứng dị ứng xảy ra. Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa sốc phản vệ là tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng đã biết cũng như các chất thường gây ra phản ứng dị ứng nặng.
Tác giả: Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam