Thế giới

Những dấu hiệu Donald Trump có thể 'rắn' với Trung Quốc

Cuộc điện đàm với Đài Loan và các dòng bình luận trên Twitter mà tổng thống đắc cử Mỹ đăng tải báo hiệu cách tiếp cận của ông sẽ mang tính đối đầu hơn.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Telegraph


Vụ việc "lời qua tiếng lại" giữa tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và chính phủ Trung Quốc trở nên căng thẳng vào hôm 5/12 khi Trung Quốc phản ứng gay gắt trước những công kích từ ông Trump về vị thế kinh tế và an ninh của nước này, theo Wall Street Journal. Diễn biến này báo hiệu một mối quan hệ mới, có thể sẽ mang tính đối địch hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi ông Trump thực hiện những cam kết trong quá trình tranh cử nhằm đáp trả các chính sách thương mại và tiền tệ của Bắc Kinh.

Các quan chức Trung Quốc hồi cuối tuần trước ngỏ ý sẵn sàng bỏ qua cuộc điện đàm giữa ông Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Người Trung Quốc hướng sự giận dữ về phía Đài Loan thay vì tổng thống đắc cử Mỹ. Song họ cũng đã thể hiện thái độ không hài lòng trước một loạt bài viết trên Twitter của Trump, trong đó ông chỉ trích các chính sách tiền tệ và hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tại một cuộc họp báo hôm 5/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trực tiếp biểu lộ sự bất mãn tới các thành viên trong đội ngũ của ông Trump. Một bài xã luận đăng trên tờ Global Times chỉ trích Trump "thiếu kinh nghiệm ngoại giao" và "không mảy may nhận thức được hậu quả khi tồi tệ hóa mối quan hệ Trung - Mỹ".

Các chuyên gia về Mỹ - Trung nhận xét cả ông Trump và Bắc Kinh dường như đang cố gắng thiết lập ranh giới cho một mối quan hệ mới giữa hai nước, dự kiến có nhiều đối lập hơn so với chính sách mà Tổng thống Barack Obama theo đuổi từ năm 2009.

Nhà Trắng cuối tuần qua cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ các quan chức Trung Quốc, trong đó Trung Quốc phàn nàn về những động thái của ông Trump và khẳng định mối quan hệ Trung - Mỹ cần tính ổn định và khả năng dự báo, theo lời một quan chức cấp cao chính quyền Obama.

"Những gì chúng ta thấy trong 8 năm qua có lẽ quá dễ đoán", Christopher Johnson, cựu chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định khi bàn về chính sách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc. "Một chút khó đoán là điều tốt, nhưng quá nhiều sẽ rất đáng ngại. Có một ranh giới rõ ràng giữa sự khó đoán tích cực và khó đoán đáng ngại. Ta cần tìm ra điểm cân bằng đó".

Cứng rắn với Trung Quốc

Donald Trump chỉ trích chính sách tiền tệ, quân sự của Trung Quốc trên Twitter cá nhân. Ảnh: Twitter


Sau khi Trump chính thức trở thành tổng thống Mỹ vào ngày 20/1, thử thách thực sự đầu tiên của ông với Trung Quốc có thể đến vào giữa tháng 4. Đấy là khi Bộ Tài chính công bố báo cáo tiền tệ, trong đó nêu chi tiết hành vi của các quốc gia khác.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Trump cáo buộc Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ". Ông cũng dành nhiều tháng chỉ trích các chính sách tiền tệ và thương mại Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ áp mức thuế từ 35% tới 45% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.

Chưa rõ liệu nhà tài phiệt New York có mềm mỏng hơn với những cam kết này không khi giờ đây ông đã đắc cử, nhưng cuộc điện đàm hôm 2/12 giữa ông Trump với bà Thái khiến mọi chú ý đổ dồn vào những câu hỏi liên quan đến cách tiếp cận của ông với Trung Quốc.

Cả Trump và phó tướng Pence đều cho rằng không nên làm quá về cuộc điện đàm bởi tổng thống đắc cử Mỹ chỉ nhận lời chúc mừng từ lãnh đạo Đài Loan. Song một nguồn tin am hiểu vấn đề tiết lộ trong cuộc thảo luận kéo dài khoảng 12 phút với bà Thái, Trump đã nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của ông luôn là kinh tế Mỹ.

Theo giới phân tích, những cuộc đối đáp giữa tổng thống Mỹ tương lai và chính quyền Trung Quốc đang có nguy cơ làm rạn nứt mối quan hệ ngoại giao vốn mong manh giữa hai nước.

Cuộc gọi giữa ông Trump với bà Thái cùng các đoạn tweet của ông cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ quá cao và xây dựng "một khu tổ hợp quân sự khổng lồ giữa Biển Đông" đã làm dấy lên "rất nhiều quan ngại" từ phía Bắc Kinh, WSJ dẫn lời David Dollar, phái viên kinh tế và tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ tại Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, cho hay.

"Một số vấn đề với Trung Quốc tốt hơn hết nên được giải quyết âm thầm và kín đáo", ông Dollar nói.

Một số thành viên bảo thủ đảng Cộng hòa, bao gồm Thượng nghị sẽ Ted Cruz đến từ bang Texas và Tom Cotton của bang Arkansas, đã lên tiếng ủng hộ việc ông Trump tiếp xúc với Đài Loan. Cotton cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ không tiếp tục làm thinh trước những hành động của Trung Quốc.

Những chỉ trích của ông Trump đối với Trung Quốc thường tập trung vào kinh tế, với việc quốc gia này hàng chục năm qua đã dựa dẫm vào sức mua của người tiêu dùng ở các nước khác, đặc biệt là Mỹ.

Ông Trump hôm 4/12 dùng Twitter để chỉ trích Trung Quốc đánh thuế "nặng nề" các sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào đất nước họ, nhưng Mỹ không đánh thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc.

Trung Quốc hiện áp một mức thuế nhập khẩu dao động từ 5% - 9,7% trên nhiều sản phẩm Mỹ. Mỹ trong nhiều trường hợp chỉ đánh thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác ở mức từ 2,5% - 2,9%. Ông Trump trước đây có ý muốn áp đặt mức thuế với Trung Quốc cao hơn 10 lần.

Trong khi Trump dường như đã mềm mỏng hơn đối với một số lập trường đưa ra trong chiến dịch tranh cử, ví dụ như về vấn đề biến đổi khí hậu hay tra tấn các nghi phạm khủng bố, ông vẫn quyết liệt thách thức Bắc Kinh.

Cách tiếp cận của nhà tài phiệt New York gần đây "có thể khiến Trung Quốc cảm thấy họ buộc phải phản ứng", Michael Auslin, một học giả về châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận xét.

Theo Auslin, Trung Quốc có thể quyết định thực hiện rất nhiều nước đi khác nhau, bao gồm cả việc đưa "thêm 1.000 tên lửa tới eo biển Đài Loan". Họ cũng có khả năng rút lại ủng hộ đối với lệnh trừng phạt mới đây của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên hoặc phát động một loạt cuộc tấn công mạng vào các cơ quan Mỹ.

Tác giả bài viết: Hiếu Phạm

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP