Giáo dục

Nhiều trường ĐH phía Bắc công bố ngưỡng điểm xét tuyển

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường ĐH phía Bắc như: Học viện Ngoại giao, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Hà Nội… đã công bố ngưỡng điểm xét tuyển vào ĐH chính quy năm 2016. Ngoài các quy định của Bộ GD&ĐT, nhiều trường quy định riêng về ngưỡng điểm xét tuyển.

Theo thông báo của Học viện Ngoại giao, ngoài các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường yêu cầu thí sinh có tổng điểm 3 môn thi theo tổ hợp môn xét tuyển và điểm ưu tiên khu vực và đối tượng đạt từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định trở lên.

Trong số thí sinh trúng tuyển, Học viện xét 125 sinh viên có nguyện vọng học hệ đào tạo chất lượng cao các ngành: Quan hệ quốc tế, Luật quốc tế, Kinh tế quốc tế, Truyền thông quốc tế và Ngôn ngữ Anh.

Công bố ngưỡng điểm của Trường ĐH Ngoại thương mới đây, đơn vị này nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng I vào hệ đại học chính quy tại cơ sở Hà Nội, cơ sở 2 TP Hồ Chí Minh và cơ sở Quảng Ninh năm 2016 với mức điểm thấp nhất là 18 đối với cơ sở Quảng Ninh. Đối với cơ sở Hà Nội và cơ sở 2 TP. Hồ Chí Minh, mức điểm thấp nhất là 22 điểm khối A và 20,5 điểm khối A1, D1, D2, D3, D4, D6.

nhieutruongdhphiabaccongbonguongdiemxettuyen
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2016 tại cụm thi Học viện Khoa học kĩ thuật quân sự

Điều kiện để thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển là đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương); có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành; có điểm trung bình học tập từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên; hạnh kiểm Khá trở lên.

Trường hợp có nhiều thí sinh cùng đạt mức điểm xét tuyển vượt quá chỉ tiêu của mã xét tuyển, trường này sử dụng tiêu chí phụ xét tuyển là xét ưu tiên điểm thi môn Toán.

Trước đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, sẽ nhận hồ sơ những thí sinh tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm đạt loại khá trở lên, tổng 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (tính cả điểm ưu tiên) là 16.

Trường xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu dựa theo tổng kết quả thi 3 môn (bao gồm cả môn thi chính nhân hệ số 2 nếu có) và điểm ưu tiên.

Nếu đến một số điểm nhận định, trường còn thí sinh cùng bằng điểm sẽ tuyển thêm tiêu chí phụ: Thứ nhất, thí sinh có điểm môn thi ưu tiên 1 cao hơn sẽ trúng tuyển; Thứ hai, có điểm môn thi ưu tiên 2 cao hơn sẽ trúng tuyển.

Theo công bố của Trường Đại học Hà Nội, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia đạt 15 điểm trở lên mới được nộp hồ sơ vào trường trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Nguyên tắc xét tuyển: Từ cao xuống thấp, xét nhiều đợt cho hết chỉ tiêu của từng ngành.

Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2 và xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó.

Đối với thí sinh là người nước ngoài xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thông báo của Trường ĐH Thương Mại, đơn vị này chỉ nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh có tổng điểm 3 môn thi thuộc 1 trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển đã công bố, gồm cả điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng cao hơn tối thiểu 2,0 điểm so với ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 (một) điểm trở xuống.

Đối với từng ngành/chuyên ngành đào tạo: Trường xét tuyển theo nguyên tắc từ điểm cao đến thấp cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu.

Trong trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu được tuyển Trường sử dụng các tiêu chí phụ.

Ngày 29/7, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân nhận xét tuyển từ 17 điểm. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 4.800, trong đó có 74 thí sinh được tuyển thẳng từ các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia.

Theo công bố của trường, ngành Kinh tế tuyển nhiều nhất với 750 chỉ tiêu, kế đến là Tài chính-Ngân hàng với 520 chỉ tiêu, Kế toán 400, Quản trị Kinh doanh 330. Có chỉ tiêu ít nhất là ngành Quản lý công và chính sách bằng tiếng Anh với 50 chỉ tiêu.

Điều kiện tuyển chọn, ngoài các quy định của Bộ GD&ĐT, trường yêu cầu thí sinh có tổng điểm 3 môn thi trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT ít nhất 2,0 (hai) điểm (17 điểm); không có môn thi trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 (một) điểm trở xuống.

Điều kiện nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường ĐH chính quy năm 2016: Đã tốt nghiệp THPT tính đến thời điểm xét tuyển; Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành; Đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại các cụm thi do các trường Đại học/Học viện chủ trì tổ chức; Không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả dưới 1,0 (một) điểm.

Tác giả bài viết: Mỹ Hà

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP