Đọc bản nội quy của trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thầy Nguyễn Minh Nhựt (74 tuổi, nguyên giáo viên trường Pétrus Ký, nay là THPT Lê Hồng Phong, TP HCM) chia sẻ "tán thành cách làm này", đồng thời bày tỏ sự kính trọng với PGS Văn Như Cương.
Ông Nhựt quan niệm không có "kỷ luật thép", học sinh sẽ không trưởng thành trong giai đoạn định hình nhân cách. Mỗi thời sẽ có những nội quy, kỷ luật riêng sao cho phù hợp với bối cảnh thực tế. Những hình phạt của trường Lương Thế Vinh với học sinh vi phạm là "phù hợp, vừa đủ để răn đe, không phạm vào danh dự, nhân phẩm của học sinh".
Nhiều nhà giáo ủng hộ siết chặt kỷ luật trong trường phổ thông. Ảnh: Thành Nguyễn |
Nhớ lại thời học phổ thông, thầy Nhựt kể từng bị thầy giáo đánh đòn, bắt đứng ở góc lớp mỗi khi lười học hay vi phạm nội quy. Sau mỗi lần bị phạt, ông nhận ra thầy giáo không phải ghét bỏ mình mà đang rất thương trò, trò vì sợ cũng không dám tái phạm.
Lúc đi dạy, ông gặp nhiều học sinh nghịch ngợm hoặc ỷ lại gia đình, đặc biệt là em có cha mẹ làm "ông to bà lớn", thiếu tôn trọng bạn bè và những người xung quanh. "Nếu không có kỷ luật nghiêm khắc và áp dụng chung cho học sinh, sẽ không tạo ra trật tự kỷ cương, bình đẳng trong trường học", ông nói.
Trong bối cảnh hiện nay, khi học sinh bị phân tâm bởi công nghệ hiện đại, tiện nghi cuộc sống thì việc siết chặt kỷ luật trong nhà trường càng phải chặt chẽ. Nhà giáo này cho rằng, nếu buông lỏng kỷ luật, học sinh dù có học giỏi đến mấy cũng không trở thành công dân tốt, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước.
"Phụ huynh hãy thấu đáo hơn, thấy con mình tiến bộ và thành người thế nào qua các hình phạt đó thì mới thấy kỷ luật thép là cần thiết", thầy giáo bày tỏ đồng thời khẳng định bản thân nhà giáo khi răn đe, nghiêm khắc với học sinh phải xuất phát từ tấm lòng chân thành, thương yêu trò.
Người Việt thiếu tính kỷ luật do không được rèn từ thời phổ thông
Cùng quan điểm trên, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt (TP HCM) cho rằng bản nội quy của trường Lương Thế Vinh là bình thường, cần thiết, không đến mức "hà khắc" như nhận xét của nhiều người.
Dành thời gian nghiên cứu nhiều mô hình giáo dục ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, thầy Hiếu cho rằng họ đều đặt tính kỷ luật lên hàng đầu và nội quy trường học ở những nước này rất nghiêm.
Nhiều sinh viên Việt Nam sau khi ra trường và đi làm thiếu tính kỷ luật, chuyên nghiệp trong công việc, đặc biệt là giờ giấc, tác phong và thái độ ứng xử. Lý giải điều này, thầy Hiếu cho rằng một phần do việc siết chặt kỷ luật ở trường phổ thông bị buông lỏng.
Ở các trường phổ thông tư thục, kỷ luật càng phải chặt chẽ và được thực hiện nghiêm túc. Bất cứ nội quy "nghiêm khắc" nào trường học đưa ra cũng đều bị phụ huynh, học sinh phản ứng. Điều quan trọng là nhà trường phải giải thích, thuyết phục để họ cảm thấy thực hiện nội quy đó là cần thiết và có ích cho mình.
Chẳng hạn, khi trường THPT Nhân Việt đưa ra quy định cấm nữ sinh không được son môi, nam sinh không được mang hộp quẹt vào trường, đồng thời tất cả không được nhuộm tóc, mang điện thoại đi học... thì nhiều phụ huynh phản ứng. Trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để giải thích một cách khoa học tác hại với nữ sinh khi son môi trong lứa tuổi này hoặc không nên nhuộm tóc khi đi học. Học sinh hiểu, tự giác thực hiện và còn bảo ban, nhắc nhở bạn bè.
Nghiêm khắc, theo hiệu trưởng này, không hẳn là thầy cô phải gồng mình, "làm mặt ngầu", lúc nào cũng tỏ ra khắt khe, bắt phạt học sinh mà hơn cả là làm cho trò tự giác, cảm thấy thoải mái nhất khi thực hiện nội quy chung.
"Không phải lúc nào cũng bắt học sinh răm rắp nghe theo mà cần có sự tương tác, lắng nghe, giải thích thấu đáo cho trò. Khi việc tuân theo kỷ luật đã trở thành thói quen thì học sinh đã hướng tới kỷ luật tích cực, tức là cảm thấy tự do trong chính kỷ cương đó", thầy Hiếu nói.
Học sinh nghiêm túc trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa ở trường THPT Nhân Việt (TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng |
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu phó trường THPT Thành Nhân (TP HCM) cũng đồng ý "kỷ luật thép" là cần thiết trong môi trường học phổ thông hiện nay. Dĩ nhiên, khi nội quy mang tính khuôn khổ, gò bó thì nhiều phụ huynh không thích bởi họ muốn con cái được thoải mái.
Ông cho rằng, song song với việc giám sát thực hiện nội quy nhà trường, thầy cô cần khơi gợi ý thức tự giác, lòng tự trọng để học sinh cảm thấy cần thiết phải "ép" mình trong khuôn khổ, để trưởng thành và chuyên nghiệp hơn. Hơn lúc nào hết, lứa tuổi 15-16 ở bậc THPT, khi cái tôi của học sinh được định hình, sự biến đổi tâm lý rõ rệt thì nhà trường cần khéo léo trong việc đặt ra nội quy.
Về lựa chọn hình phạt, hiệu phó Độ nói cần thiết nhưng phải phù hợp, mang tính giáo dục. Chẳng hạn hình phạt bắt "lao động công ích" của trường Lương Thế Vinh là hợp lý, vừa đủ răn đe, vừa cho các em bài học quý trọng sức lao động.
"Điều quan trọng hơn cả hình phạt là sự thấu đáo, bao dung của thầy với trò. Học sinh hiểu thầy cô nghiêm khắc cũng chỉ mong mình trưởng thành, giỏi giang hơn thì các em mới tự giác tuân thủ và nhớ lời dạy lâu hơn", thầy giáo chia sẻ.
Ngày 28/9, website trường THPT Lương Thế Vinh - ngôi trường tư thục nổi tiếng ở Hà Nội do PGS Văn Như Cương sáng lập, đăng tải nội quy năm học 2017-2018 với nhiều quy định nghiêm khắc. Có hàng loạt quy định, như: vào lớp muộn quá năm phút, học sinh không được học và phải lao động công ích suốt thời gian còn lại của tiết đó; tắt điện thoại di động trước khi vào trường và chỉ được bật khi ra khỏi cổng trường; tuyệt đối không được mang và ăn kẹo cao su trong trường. Nếu vi phạm sẽ xử phạt nặng. Nếu vi phạm nội quy, tùy theo lỗi nặng nhẹ, học sinh sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, cảnh cáo trước lớp. Trường hợp bị cảnh cáo, học sinh phải làm bản kiểm điểm và mời cha mẹ đến trường bàn bạc biện pháp giáo dục. Nếu học sinh tiếp tục vi phạm nội quy, giáo viên chủ nhiệm sẽ mời cha mẹ học sinh đến thông báo ý định cho thôi học của trường. |
Tác giả: Mạnh Tùng
Nguồn tin: Báo VnExpress