Giáo dục

Nguyên nhân “nợ giáo viên tiền tỉ” của ngành giáo dục huyện Thới Bình

Theo phản ánh, trong khi có nhiều trường ở huyện Thới Bình bị điều chuyển kinh phí “lộn xộn” thì một số trường lại được “ưu tiên” chuyển sang mua sắm bàn ghế.

Yêu cầu báo cáo tình trạng nợ lương và chế độ của giáo viên
Vụ Phòng Giáo dục “ém” tiền của giáo viên: Phát hiện thêm nhiều sai phạm
Vụ Phòng Giáo dục “ém” tiền: Giáo viên vẫn chưa nhận được lương
UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra vụ Phòng Giáo dục “ém” tiền của giáo viên
Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn bức xúc vì bị phòng Giáo dục “ém” tiền
Nợ giáo viên gần 900 triệu đồng tiền dạy ngoài giờ: Đã chi trả 1 phần
Nợ giáo viên gần 900 triệu tiền dạy ngoài giờ


LTS: Thời gian gần đây, dư luận tại Cà Mau xôn xao về việc ngành Giáo dục huyện Thới Bình nợ giáo viên với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Để bạn đọc hiểu nhiều hơn về nguyên nhân dẫn đến nợ nần, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã vào cuộc tìm tìm hiểu.

Phân bổ, điều chuyển kinh phí “lộn xộn”

Theo hồ sơ mà phóng viên có được cũng như phản ánh của nhiều giáo viên cho thấy, gần thời gian qua (thể hiện rõ nhất là 2 năm qua – PV), việc phân bổ kinh phí cho các trường trong ngành Giáo dục được cho là có phần thiếu công khai minh bạch và phân bổ theo cách “lộn xộn”.

Do không nắm bắt rõ nhu cầu sử dụng của các đơn vị trực thuộc, dẫn đến có trường thừa kinh phí hàng chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu, lại có trường thì thiếu kinh phí trả lương với số tiền không kém.

Do việc không nắm bắt được nhu cầu sử dụng trong phân bổ kinh phí nên đến thời điểm cuối năm, đơn vị chủ quản lại thực hiện thêm bước nữa là điều chuyển kinh phí từ trường thừa sang trường thiếu dẫn đến gây bức xúc.

Bởi, theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ (Nghị định 43), quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư 71/2006/TT-BTC của Bộ tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định 43.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Bình.


Theo quy định trên, hằng năm khi xem xét phân bổ kinh phí cho các đơn vị trực thuộc, ngành chủ quản phải cân đối kinh phí cho thật phù hợp với tình hình sử dụng.

Tùy theo các đơn vị mà phân bổ kinh phí theo nhu cầu sử dụng, cấp kinh phí theo 2 dạng: Tự chủ và không tự chủ.

Theo đó, nếu cấp kinh phí theo dạng tự chủ thì đơn vị sử dụng có kế hoạch chi tiêu nội bộ cụ thể, có quyền sử dụng một cách tiết kiệm, đến cuối năm nếu còn thừa thì sẽ được lập quỹ tăng thu nhập cho cán bộ, giáo viên.

Đối với dạng không tự chủ, đơn vị sử dụng phải trình hoặc sử dụng theo mục đích cơ quan chủ quản cho phép và số tiền thừa sẽ không được sử dụng cho mục đích khác…

Qua tìm hiểu được biết, nhiều năm qua, ngành Giáo dục huyện Thới Bình đã thực hiện chưa đúng theo Nghị định 43 nên đã gây nhiều khó khăn cho các đơn vị sử dụng.

Theo nhận định của nhiều người trong ngành, việc quản lý, phân bổ, điều chuyển kinh phí như trên rất dễ sinh tiêu cực.

Mua sắm sai quy định

Năm 2015 Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Bình dưới sự quản lý của ông Huỳnh Thanh Hận (Trưởng phòng) đã thực hiện điều chuyển kinh phí của nhiều trường mà không thông báo cho chủ tài khoản biết.

Trong đó trường chưa chi lương tháng 12 cho các bộ giáo viên, đến khi bị phản ánh đơn vị chủ quản đã phải chuyển trả lại…

Cụ thể, Trường Tiểu học thị trấn B bị điều chuyển trên 90 triệu đồng, trường Tiểu học Trí Phải Tây trên 150 triệu đồng, trường Tiểu học Tân Xuân trên 100 triệu đồng…

Theo phản ánh của các giáo viên, trong khi có nhiều trường thừa kinh phí bị điều chuyển thì một số trường lại được “ưu tiên” chuyển sang mua sắm bàn ghế.

Trong đó, trường Tiểu học Biển Bạch Đông được chuyển sang mua sắm bàn ghế hơn 28 triệu đồng; Trường Trung học Cơ sở thị trấn Thới Bình được chuyển mua sắm trên 30 triệu đồng…

Mua sắm từ 20 triệu đồng trở lên phải có sự phê duyệt của Phòng Tài chính – Kế hoạch nhưng các trường lại… làm thay.


Cũng tại Điều 8, Quy định về quản lý giá, phân cấp quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh Cà Mau nêu rõ:

“Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch các huyện thành phố Cà Mau quyết định phê duyệt phương án mua sắm tài sản có giá trị từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng/lần mua sắm hóa hóa…”.

Tiếp xúc với phóng viên, Hiệu trưởng các trường nói trên đều cho rằng trường tự mua sắm chứ Phòng Giáo dục và Đào tạo không chỉ đạo.

Tuy nhiên, khi phóng viên đưa ra văn bản quy định và hỏi “không phải bàn ghế là do cấp trên phân bổ hay sao mà trường tự mua sắm” thì các Hiệu trưởng lại cho rằng có xin ý kiến và được sự thống nhất của lãnh đạo Phòng.

“Tôi chỉ nghe nói từ 50 triệu đồng trở lên còn văn bản anh nói thì tôi không biết. Tôi có trình lãnh đạo phòng cho tôi mua, do ghế cũ xài mấy năm rồi, từ khi đạt chuẩn đến nay nên nó bị “xiêu” không còn sử dụng được…”, ông Nguyễn Thành Lập (Hiệu trưởng trường Tiểu học Biển Bạch Đông) phân trần.

Một Hiệu trưởng của trường Tiểu học khác ở huyện Thới Bình (xin giấu tên) cho biết, đến thời điểm hiện tại, trường của vị này vẫn còn nhiều giáo viên bị nợ trợ cấp theo chương trình 135.

Có giáo viên bị nợ đến hàng chục tháng và nhiều thầy cô giáo vẫn còn bị tiền nợ chế độ thâm niên...

“Hằng ngày, tập thể giáo viên chúng tôi phải rất tiết kiệm, không mở tủ lạnh, máy điều hòa, không sử dụng điện bàn…, với mong muốn dư kinh phí để tạo phúc lợi cho các giáo viên. Vậy mà cuối năm bị điều chuyển kinh phí, quả thật rất tiếc”, vị Hiệu trưởng than thở.

Thới Bình, Cà Mau: Huyện làm sai, hơn 200 giáo viên phải chịu thiệt

Để làm rõ thông tin vụ việc, phóng viên đã nhiều lần điện thoại liên hệ với ông Huỳnh Thanh Hận (Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thới Bình) để xin đăng ký làm việc nhưng không liên hệ được.

Sau khi liên hệ với ông Hận bất thành, chúng tôi tiếp tục gọi điện cho ông Nguyễn Văn Thành (phó phòng) nhưng ông này từ chối phát ngôn vì không có ý kiến của lãnh đạo.

Trả lời báo chí trước đó, vị trưởng phòng Giáo dục huyện Thới Bình thừa nhận, nguyên nhân chính là do cán bộ chuyên môn không chịu cập nhật chế độ tiền lương để báo cáo nên ngân sách tỉnh đã không "rót" tiền để chi trả, dẫn đến nợ ngày càng “phình to”…

Theo ông Hận, huyện đã có kế hoạch trả dứt nợ trong năm 2017.

Vấn đề mà dư luận đặt ra là với các khoản nợ và việc quản lý kinh doanh lỏng lẻo như vậy là tại sao cơ quan chức năng tỉnh này lại “ngó lơ” như không hề hay biết?

Tác giả bài viết: Xuân Trang

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP