Trong nước

Người mọc đuôi ở Hà Giang: Vừa cắt đuôi thì lăn ra... ốm

Nghĩ cái đuôi quá phiền toái, Chúng quyết cắt bỏ đuôi thế nhưng em đã bị ốm một trận thập tử nhất sinh.

Những bí ẩn xung quanh câu chuyện của người mọc đuôi ở Hà Giang

Giỡn với đuôi thiêng


Đối với Chúng, tuổi thơ lớn lên cùng cái đuôi kỳ dị đến khác người đã giúp cậu bé dần quen với cái nhìn hiếu kỳ của người lạ cùng những những câu chuyện liêu trai thêu dệt.

Trong trí óc của Chúng, anh luôn nghĩ rằng mình phải cố gắng làm được những điều mà những người đàn ông H’Mông bình thường vẫn làm, thậm chí phải làm tốt hơn nữa.

Ngay từ lúc mới 10 tuổi, Chúng theo cha vào rừng học săn bắn ròng rã nhiều ngày. Bởi thế, những kỹ năng đặt cạm bẫy, săn thú rừng, hay gùi đất lên đỉnh Tả Lử Thận trồng ngô đã trở thành những công việc quá bình thường với chàng trai người H’Mông vốn có đuôi nức tiếng này.

Chúng khoe cái đuôi của mình. (Ảnh: Phàn Giào Họ).

Hôm gặp chúng tôi, Chúng khoe rằng ông trời tạo ra cái đuôi của anh âu cũng là bảo bối giúp cho anh khỏe mạnh hơn những người bình thường khác. Theo lời kể của Chúng thì trong cuộc đời anh đã hai lần bản thân tự mình dùng dao cắt đuôi vì tội quá vướng, nhưng cứ sau những lần như thế đều có biến cố xảy ra.

“7 tuổi, vì mặc cảm với bạn bè, tôi đã thử cắt đuôi một lần nhưng lăn ra ốm ròng rã hơn một tháng trời, đến khi cái đuôi của tôi mọc trở lại thì mới đỡ ốm", Chúng kể.

Chúng bảo, về sau này khi lớn lên thành một thanh niên, đi đám cưới đông người như thế cái đuôi lại thò ra để người ta thấy nên rất ngại. Nghĩ tức quá Chúng lại cắt một lần nhưng nào ngờ lại tiếp tục ốm đến nỗi phải húp cháo mới qua khỏi.

Không những thế, theo khẳng định của Chúng thì sau khi cắt đuôi xong bản thân anh phải hứng chịu rất nhiều vận xui như đi rừng không bắt được thú, bị tai nạn hay mất mùa...

Chiếc đuôi của Chúng hiện tại dài khoảng 0,6m, có màu đen xám, do quá dài nên Chúng đã nhờ những đứa cháu của mình tết lại trông giống như mái tóc của những người phụ nữ ở bản Tả Lử Thận.

Theo Chúng, trước đó cái đuôi của anh mọc thành 1 chùm lông giống như đuôi ngựa, mỗi khi đi chơi lúc nào anh cũng phải giấu nó đi bằng cách nhét vào bên trong quần. Nhiều lúc quên bẵng đi cái đuôi, anh xắn quần lên thì những người lạ gặp ai cũng phát hoảng, bởi thế mà Chúng thường sống rầu rĩ ít khi dám nói chuyện với người lạ, nhất là các cô gái.

Chúng chăm chỉ có tiếng ở Tả Lử Thận, người ta bảo rằng anh là con khỉ siêng làm nhất vùng này, có lẽ cũng bởi vì anh là “dị nhân” nên càng cần phải cố gắng để chứng tỏ cho mọi người biết là trong người anh cũng có cái đáng quý.

Ông Sùng - bố Chúng hàng ngày vẫn mang câu chuyện con trai mình một tay xách một bao tải ngô từ rừng về khiến ai cũng phục sát đất. Hầu hết tất cả những đồi nương, đồi thảo quả... đều do một tay Chúng làm tất thảy, cho đến khi trưởng thành, người ta ngày một ít khi thấy Chúng ở nhà vì quan niệm của “người khỉ” thì rừng rú chính là nhà mình.

Nói về Chúng, già làng Vừ Già Bung (72 tuổi) ở bản Tả Lử Thận cho biết, ngày xưa vùng đất này có phần đa thày mo đều phán rằng Chúng là tai họa của người dân trong làng, cái đuôi của anh rất có thể sẽ đưa anh về với rừng theo truyền thuyết. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chuyện về “người có đuôi” biến thành hổ rồi rời khỏi bản làng vào rừng kiếm ăn giống như người nguyên thủy thì vẫn chưa bao giờ xảy ra với Chúng, đó có thể là chỉ trong chuyện dân gian của người H’Mông.

Sống ẩn mình

Sống độc thân ở núi rừng quen, có thể nói hiếm ai có khả năng đi rừng nhanh như Chúng. Người H’ Mông ở vùng này cho biết, thi thoảng nhìn thấy Chúng trên nương rẫy, người ta chỉ có thể nhìn thấy thấp thoáng bóng anh chứ hiếm có ai có thể đuổi kịp.

Cũng chính vì cái đuôi kỳ dị đã khiến Chúng sống gần như tách biệt với bản làng từ năm anh lên 17 tuổi đến khi cưới người vợ hiện giờ. Những lời đồn đoán của mọi người cứ đồn thổi, thêu dệt anh thành kẻ lạ nhất vùng, rồi “dị nhân”, do đó anh đã thưa chuyện với bố mẹ mình để được lên nương làm lán sống ẩn mình.

Điều đó cũng chẳng lạ gì khi sau mùa thu hoạch anh mang thóc gạo lên nương, ở tại đó nấu ăn vài năm trời, ăn rau rừng, uống nước nguồn và săn bắt thú rừng để cải thiện bữa ăn. Người trong bản bảo anh là “người rừng” anh vẫn vui vẻ, ai có lên nương làm rẫy mang theo rượu là Chúng sẵn sàng tìm đồ rừng về nhậu cùng.

Ông Sùng ( bố Chúng) nói về con trai mình. ( Ảnh: Phàn Giào Họ).

Chúng chia sẻ cùng người viết: “Không phải tôi thích sống ở rừng lâu đến thế đâu nhà báo ạ, tại người ta nói nhiều về cái đuôi của tôi quá, lúc bấy giờ là thanh niên nên ngại lắm chứ. Có lúc vào nhà đông người như ở dịp lễ, đám... lại có mấy cô gái đến chơi nữa, mình đã cố giấu cái đuôi rồi nhưng người ta lại xì xào bàn tán rồi sau biết hết. Chẳng có cách nào nên mình đành phải vác cái mặt tránh đi lên rừng thôi”.

Một quan điểm có lẽ chỉ có ở Chúng, là chuyện anh rất thích đi khám phá thế giới bên ngoài, đến nỗi không biết đường về. Theo Chúng, năm 19 tuổi, lúc đó ở trên lán một mình chán quá nên anh quyết tâm đi một phen theo hướng mặt trời lặn để ngắm thế giới bên ngoài, một phần mà Chúng cho là lí do thôi thúc anh đi là muốn tìm con gái người H’ Mông ở nơi khác để tìm hiểu, vì họ không biết anh có đuôi.

Trong chuyến đi đó, hành lý của chàng trai “người khỉ” chỉ là hai bộ quần áo, 50 nghìn đồng tiền Việt Nam và 10 đồng tiền Trung Quốc (người H’Mông sống ở vùng biên vẫn dùng cả hai loại tiền). Cứ thế Chúng men theo đường lớn đi đến huyện Xín Mần rồi băng qua đường đến huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai), rồi thẳng hướng mặt trời mọc. Cho đến sau này người ta miêu tả anh mới biết, hồi ấy địa điểm anh đi đến là huyện Sa Pa.

Có không ít lần Chúng cất công đi ra ngoài tìm hiểu thế giới bên ngoài, nhưng lần nhớ đời nhất anh kể là chuyến đi Đồng Văn, rồi tạt sang tận địa phận của tỉnh Cao Bằng.

“Thực ra lần ấy tôi nghĩ rằng mình đã đi rất nhiều hướng như theo phía mặt trời lặn, phía Nam, phía Bắc Trung Quốc...”, Chúng cho biết.

Đối với anh lúc này, hành trình khám phá thế giới bên ngoài là những điều bí ẩn mà bản thân Chúng không thể lường trước. Anh bảo, có những hôm đi đường đói mà không dám xin ăn vì họ nói chuyện không giống người H’Mông và tiếng Kinh như anh đã từng được học, lại thêm phần có đuôi nên bản thân anh cũng ngại.

Do đó, dù trời có lạnh thấu xương có hôm anh vẫn phải ngủ lề đường, trong rừng, có lúc thấy mình hôi quá nên đành tắm nước ở những vũng nước trên đường.

Chúng cho biết, trong cuộc hành trình đó anh đã có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người H’Mông, những người con gái nơi Chúng đi qua anh bảo rất dễ thương và dễ gần. Anh cũng thẳng thắn chia sẻ bản thân mình suýt đã làm con rể ở Lào Cai vì trong một lần xin ngủ nhờ nhà nọ, thấy anh khỏe mạnh nên bố mẹ cô gái quý lắm, còn định bảo anh làm rể nhưng suy cho cùng thì anh thương bố mẹ nên đã xin phép về.

Trong cuộc hành trình đi bộ hơn một tháng trời hướng mặt trời mọc, Chúng bị lạc đường đến tận huyện Bảo Lạc sau đó mới được một người H’Mông tốt bụng đưa đến nơi bắt xe đi về. Anh nói hể hả với chúng tôi như một sự đúc rút kinh nghiệm: “Phải nói rằng người H”Mông mình nó tốt thật, ở đâu cũng thế hết”.

Nhiều người lý giải cho rằng có lẽ cũng chính bởi cái đuôi kỳ quái của anh được giữ mà anh Chúng khỏe mạnh đến thế. Ngay cả bản thân Chúng cũng khẳng định, cho dù trời có rơi tuyết anh vẫn có thể cởi áo tắm nước lanhh là chuyện mà nhiều người ở quê anh vẫn biết...

Tác giả bài viết: Phàn Giào Họ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP