Kinh tế

Nghề làm hương "tăng ca" cho thị trường Tết

Thời điểm này, tại các cơ sở sản xuất hương ở xã Cao Sơn – huyện Anh Sơn, một không khí sản xuất nhộn nhịp để kịp hàng cung ứng ra thị trường trong dịp Tết nguyên đán. Ai cũng tất bật bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của nghề.

Tại cơ sở sản xuất hương của anh Lê Cảnh Hồng thôn 9 - xã Cao Sơn, hòa lẫn trong mùi hương thơm đặc trưng của rễ hương là những tiếng cười nói rộn ràng của những chị em nhân công làm hương. Anh Hồng chia sẻ: Người làm hương bận rộn quanh năm, nhưng dịp này, việc càng nhiều. Số lượng hương tết năm nay khách hàng đặt mua tăng gấp đôi, gấp ba so với năm trước cho nên cơ sở cũng dự trữ nguyên liệu, tăng thêm sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu khách hàng trong dịp Tết. Ngoài 4 lao động chính, cơ sở còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 5 lao động với mức thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Vào thời điểm này, ngoài 4 lao động chính, cơ sở sản xuất hương của anh Lê Cảnh Hồng còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 5 lao động, với mức thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Mỗi tháng, cơ sản của anh Hồng xuất bán khoảng 3 vạn búp hương gồm hương thẻ và hương trầm chủ yếu ra thị trường Hà Nội, Hải Dương. Vào dịp Tết này, xưởng tăng lên gấp ba, sau trừ các chi phí thì cũng mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Dịp Tết, cơ sở sản xuất hương của ông Trần Đức Tiến ở thôn 4 - xã Cao Sơn cũng phải thường xuyên tăng ca. Năm 2015, gia đình ông Tiến đã đầu tư 30 triệu đồng mua máy làm hương để giảm bớt khâu làm thủ công. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông Tiến sản xuất khoảng 1 vạn thẻ hương. Dịp Tết, nâng sản lượng lên 5- 6 vạn búp hương thẻ và 3 vạn búp hương trầm.

Trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông Trần Đức Tiến sản xuất khoảng 1 vạn thẻ hương, dịp Tết, ông Tiến mỗi tháng phải nâng sản lượng lên 5- 6 vạn búp hương thẻ và 3 vạn búp hương trầm.

Vừa thoăn thoắt bó hương, dán tem nhãn, ông Tiến cho biết thêm: Nghề làm hương liên quan đến thế giới tâm linh nên cái tâm làm nghề không cho phép làm cẩu thả. Ngay từ tháng 10, cơ sở đã bắt đầu sản xuất hàng Tết. Hương trầm được tiêu thụ nhiều hơn trong dịp này, gia đình làm ra không kịp cung cấp đủ cho các đại lý ở Đô Lương và TP Vinh.

Hương sản xuất ra được ông Tiến nhập với mức giá 9.000 đồng/búp hương trầm và 3.000 đồng/ búp hương thẻ. Tính ra bình quân mỗi tháng gia đình ông thu lãi gần 10 triệu đồng, vào dịp Tết thì thu nhập tăng lên gấp đôi.

Các hộ đã đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất hương theo quy mô lớn

Chị Cao Thị Liên - Chủ tịch hội LHPN xã Cao Sơn cho biểt: Nhận thấy nghề làm hương là một nghề có triển vọng, nguyên liệu được bà con tự làm ra, lại góp phần tạo việc làm cho bà con, nâng cao thu nhập cho gia đình, từ năm 2015 đến nay, Hội LHPN xã Cao Sơn phối hợp với Hội LHPN huyện, và Trung tâm khuyến công tỉnh Nghệ An mở 3 lớp dạy nghề làm hương cho 90 hội viên tham gia để nâng cao tay nghề. Hiện nay, toàn xã có 3 hộ đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất theo quy mô lớn.
Nguyên liệu làm hương được bà con tự trồng trên diện tích đất đồi, hiện nay, toàn xã Cao Sơn có 30ha cây rễ hương
Nghề làm hương ở Cao Sơn là một nghề có triển vọng góp phần tạo việc làm cho bà con, nâng cao thu nhập cho gia đình

Để có được những búp hương đẹp, mùi thơm đặc biệt, những người làm hương Cao Sơn phải cầu kỳ từng công đoạn, từ chuẩn bị các nguyên liệu làm bột hương, chân hương rồi đến công đoạn quấn hương để làm ra que hương hoàn thiện. Vì vậy, để nghề làm hương ở Cao Sơn tiếp tục hoạt động có hiệu quả, phát triển và có thương hiệu rất cần có sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp, các ngành nhiều hơn nữa về kinh phí, kỹ thuật nhất là việc quảng bá, giúp hội viên phụ nữ xã Cao Sơn nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập ổn định đời sống; góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Tác giả bài viết: Thái Hiền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP