Giáo dục

"Nếu biết trước học phí tăng hàng năm, tôi không chọn Đại học Kinh tế quốc dân"

“Đúng là Đại học Kinh tế Quốc dân từng là đại học hàng đầu Việt Nam về kinh tế, nhưng nếu biết trước sẽ thu học phí cao thế này thì tôi sẽ chọn trường khác".

Việc trường Đại học Kinh tế quốc dân tăng 30% học phí ở một số ngành học đang gây xôn xao dư luận.

Để làm rõ vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phạm Hiệp (Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan) xung quanh vấn đề tự chủ tài chính.

PV: Ông có thể giải thích thêm về việc Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện đúng chủ trương nhưng chưa nhận được sự đồng thuận từ sinh viên, phụ huynh là do đâu?

Ông Phạm Hiệp: Theo tôi được biết, Đại học Kinh tế quốc dân đã được Thủ tướng phê duyệt phê duyệt đề án tự chủ tại Quyết định 368 năm 2015. Theo tinh thần Quyết định này, việc tăng học phí là không hề sai.

Tuy vậy, có vẻ như Nhà trường chưa làm tốt công tác truyền thông tới sinh viên từ trước khi nhập học về lộ trình tăng học phí này.

dai hoc
Khi thông tin tăng học phí được đưa ra đột ngột, sinh viên “sốc” là điều dễ hiểu (Ảnh: T/L)

Để cho bài bản, trường cần áp dụng cách thức tương tự như trong dịch vụ điện thoại hay Internet mà theo đó khách hàng và nhà cung ứng cùng kí vào hợp đồng trong đó định rõ quyền lợi, trách nhiệm của 2 bên trong đó có 1 điều khoản về học phí.

Vì vậy khi thông tin tăng học phí được đưa ra đột ngột, sinh viên “sốc” là điều dễ hiểu.

Lãnh đạo Nhà trường cho rằng:“Học phí của Đại học Kinh tế Quốc dân cao nhưng chưa phải cao nhất so với những trường Đại học công lập khác mặc dù đây là trường Đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kinh tế”, ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Ông Phạm Hiệp: Một khi trường đại học đã được tự chủ và chủ động trong việc thu học phí thì ta đã chấp nhận coi giáo dục đại học là một dịch vụ của thị trường.

Mà từ góc độ thị trường thì học phí cao hay thấp, chất lượng tốt hay dở tốt nhất nên để khách hàng - hay ở đây là sinh viên - nhận xét.

Ví dụ, nếu tôi là sinh viên, tôi hoàn toàn có thể phản biện lại câu nói trên như sau:

“Đúng là Đại học Kinh tế Quốc dân từng là đại học hàng đầu Việt Nam về kinh tế, nhưng nếu biết trước sẽ thu học phí cao thế này thì tôi sẽ chọn Đại học Thương Mại hay Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia) là các đại học có chất lượng tương đương mà học phí lại thấp hơn".

Trong khi câu chuyện tăng học phí của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đang gây xôn xao thì ngày 21/7, trên trang cá nhân của một giảng viên của trường có tên Pham Thanh Long có bàn luận về vấn đề này, thầy nêu: “Trong nền kinh tế thị trường, trường đại học là đơn vị bán dịch vụ giáo dục, đào tạo”, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Phạm Hiệp: Từ góc độ thị trường thì nguyên tắc cơ bản là “thuận mua vừa bán” mà ở đây dường như chưa có sự đồng thuận này.

Hơn nữa, cũng từ góc độ thị trường thì một giảng viên có lẽ không phải là người phù hợp để trả lời bức xúc của khách hàng - ở đây tức là sinh viên.

Người phù hợp theo tôi nên là lãnh đạo trường hoặc đại diện phụ trách truyền thông.

Như vậy có nghĩa là, giảng viên này đang góp ý cho sinh viên ở góc độ dịch vụ - thị trường nhưng bản thân anh ta lại không tuân thủ theo nguyên tắc cơ bản về dịch vụ.

Theo ông, giải pháp nào là tốt nhất cho Đại học kinh tế quốc dân vào thời điểm này?

Ông Phạm Hiệp: Nhà trường cần áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp công khai minh bạch lộ trình tăng học phí để thông tin tới các ứng viên đang có ý định nhập học sắp tới, tránh hiểu lầm như câu chuyện vừa diễn ra với sinh viên khoá trước. Hoặc bài bản hơn là có hợp đồng cam kết giữa Nhà trường và sinh viên như tôi đã nói ở trên.

Còn trong tình hình hiện nay, lý tưởng nhất là Nhà nước sẽ hỗ trợ Đại học kinh tế quốc dân khoản kinh phí tương đương mức học phí dự kiến thu thêm và sinh viên chỉ phải đóng mức học phí như năm ngoái. Việc tăng học phí, chỉ áp dụng với sinh viên nhập học năm 2016-2017 trở đi.

Trân trọng cảm ơn ơn ông!

Tác giả bài viết: Linh Hương

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP