Giáo dục

Nam sinh vừa mừng vừa lo khi biết tin mình là thủ khoa

Kể từ ngày biết mình là thủ khoa khối A1 với số điểm 28.95, Trần Trung Dũng (lớp 12 Toán 2, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong- Nam Định) vừa mừng vừa lo. Bởi nếu Dũng lên Hà Nội học đồng nghĩa với việc phải để mẹ lại một mình trong căn nhà nhỏ.

Hoàn thành tâm nguyện của bố

Ở kỳ thi năm nay, Dũng đạt số điểm lần lượt từng môn là Toán: 9,5; Vật lí 9,8 và Tiếng Anh 9,65. Khối A, Dũng cũng đạt tới 27,1 điểm.

Chia sẻ về thành tích này, Dũng cho biết em cảm thấy rất vui vì những nỗ lực học tập của mình bao lâu nay cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng.

20160725231052 13633321 280794025617885 550787231 o
Thủ khoa khối A1 Trần Trung Dũng và mẹ. Ảnh: Mạnh Đông.

Từng tham gia thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán nhưng “lỡ hẹn” với đội tuyển quốc gia, Dũng không hài lòng với kết quả học tập của bản thân và lên quyết tâm phấn đấu ngay từ đầu năm 12. “Em đã đạt được mục tiêu đề ra là trở thành thủ khoa khối A1”, Dũng phấn khởi.

Cộng với 0,5 điểm vùng và 1 điểm giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh năm lớp 11, Dũng có tổng điểm là 30,45.

Với kết quả này, em nuôi ước mơ vào Học viện An ninh nhân dân để theo nghiệp người cha đã khuất. Năm Dũng lên lớp 11, không may bố em qua đời vì bạo bệnh. “Bố em là một chiến sĩ công an điều tra. Trước đây, khi còn sống bố cũng luôn định hướng và mong rằng em sẽ nối nghiệp. Bố luôn mong muốn em học tốt”, Dũng chia sẻ.

Dũng cũng không nghĩ đến các cơ hội du học bởi nhà chỉ còn hai mẹ con và bản thân em không muốn xa mẹ.

Từng vượt qua những tháng ngày tuyệt vọng, Dũng quyết tâm học để nơi phương xa bố được yên lòng và coi đó như cách để động viên mẹ tốt nhất. Hằng ngày em vẫn tiếp tục cuộc sống tự lập ở ký túc xá của trường chuyên cách nhà 15 cây số và chỉ về nhà vào mỗi dịp cuối tuần. Lớp 11, Dũng giành được giải nhất Olympic tài năng tiếng Anh rồi giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn này. Lớp 12 em được giải Nhì học sinh giỏi Toán cấp tỉnh.

Về thành tích của cậu con trai, chị Đỗ Thị Luyến vui hơn tất thảy. Nhưng chị cũng không quá bất ngờ khi chứng kiến con quá say mê học.

Ngày thường không ít lần, khi gọi điện hỏi thăm, chị không thấy con nghe máy. Sau thì chị dần quen bởi những lúc đó con để máy ở chế độ yên lặng để làm để.

“Những ngày cuối tuần, được về nhà, cháu vẫn dậy sớm học bài. Thậm chí có hôm đến 12 giờ trưa vẫn thấy đang mải mê với đề toán. Làm xong thì conchịu ăn cơm trưa, chứ không có chuyện nghỉ giữa chừng. Nhiều hôm 1 giờ đêm tỉnh giấc dậy, tôi vẫn thấy con đang sáng đèn ngồi học”, chị Luyến kể.

Chị Luyến cho biết bản thân không giúp được việc học của Dũng nhiều mà nền tàng kiến thức em có được nhờ bố rất nhiều qua những lần bố con đố nhau giải bài tập.

Với chị Luyến, Dũng là đứa con sống nội tâm và rất tình cảm. Những ngày 8/3 và kể cả những ngày thường, Dũng luôn là người đầu tiên nhắn tin động viên mẹ. Chị chia sẻ, không ít lần con khiến chị bật khóc chỉ với những dòng tin nhắn với câu cuối là lời bài hát: “Dù mai sau con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền, ba mẹ vẫn là quê hương”.

Dùng điện thoại để nhắc kiến thức

Chia sẻ về phương pháp học tập, Dũng cho biết ngoài việc chăm chỉ thì bản thân thường tuân thủ việc tích lũy kinh nghiệm và làm nhạy bén tư duy của mình. Dũng tích lũy kinh nghiệm bằng việc sai ở đâu, sẽ ghi lại vào phần ghi nhớ của điện thoại. Cứ như thế, trước khi đi ngủ hoặc mỗi khi rảnh rồi, Dũng lại mở ra xem để ghi nhớ.

Cách làm nhạy bén tư duy của Dũng là trước một bài tập khó, ngoài việc xem lời giải, em tìm cách phát triển ra xem có thể ứng dụng được gì của bài tập đó để làm những bài tập mới khó hơn. “Việc nghiên cứu sâu giúp khi đề có biến đổi thì em vẫn có thể biết cách làm mà không bị cóng”, Dũng chia sẻ.

Ngoài việc học, thời gian rảnh rỗi, Dũng thường dành thời gian cho sở thích vẽ tranh. Dũng đặc biệt có năng khiếu vẽ các con vật rất sinh động từ khi còn bé. Theo Dũng, việc vẽ tranh giúp em thư giãn hơn sau những giờ học căng thẳng, ngoài ra còn tăng sự sáng tạo và rèn luyện cho bản thân tính kiên nhẫn.

Tới đây, nếu đỗ vào Học viện An ninh nhân dân, Dũng sẽ phải lên Hà Nội học. Chị Luyến dù biết sẽ rất nhớ con nhưng tự dặn lòng mình phải cứng rắn, mạnh mẽ lên vì tương lai của Dũng. “Nhưng dù sao tôi vẫn thấy vui và động viên con vì chọn nghề này con có thể mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người và toàn xã hội”, chị Luyến nói.

Tác giả bài viết: Thanh Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP