Du lịch

Một đêm 'bán rủi mua may' ở phiên chợ chỉ họp duy nhất 1 năm/lần

Hàng năm, cứ đến đêm mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng (Âm lịch), mọi người khắp nơi lại rủ nhau đi chợ Viềng – Vụ Bản, Nam Định để tìm cái may.

Hàng năm, cứ đến đêm mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng (Âm lịch), mọi người khắp nơi lại rủ nhau đi chợ Viềng – Vụ Bản, Nam Định, để tìm cái may.

Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên

Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mồng 8 tháng Giêng. Theo quan niệm của nhiều người, nếu ai mua được một món đồ bất kì nào đó vào đúng phiên chợ Viềng thì sẽ được coi là rất may mắn.

Vì vậy. đã từ rất lâu cứ mỗi độ xuân về, chợ Viềng lại tấp nập kẻ mua, người bán cho dù chờ Viềng chỉ họp duy nhất một ngày.

Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào ngày mồng 8 tháng Giêng.
Con đường dẫn vào chợ Viềng Phủ tắc trong đêm giá rét. Lực lượng chức năng đã phải thức nguyên đến tới tận 4h chiều ngày mùng 8 để đảm bảo an toàn cho khách đi du xuân chợ Viềng
Những hàng thịt bò, thịt bê kéo dài hai bên đường
Chúng được bê nguyên tảng để trưng bày

Ông Trần Văn Thắng, người địa phương cho biết: “Chợ Viềng từ xưa đến nay vẫn vậy, chẳng thay đổi gì nhiều. Chỉ khác rằng, càng ngày càng nhiều ô tô và đường đi Phủ Dày càng ngày càng được mở rộng, sạch hơn, đẹp hơn”.

Điều đặc biệt của phiên chợ Viềng, Nam Định mà chẳng phiên chợ nào ở dải đất Việt Nam này có được là phiên chợ chỉ họp duy nhất 1 năm/lần. Cũng chính tại nơi đây, các thiểu thương không mua – bán những sản phẩm ngoại lai, hàng đắt tiền mà sản phẩm chủ yếu là những loại cây trồng, vật nuôi, những giống cây bản địa hoặc những thực phẩm cần thiết, đặc biệt nhất là thịt bò.

Theo các cụ cao niên trong xã, năm nay chợ Viềng (Vụ Bản) có vẻ vắng hơn mọi năm vì nhiều người đã đi viếng Phù Dày từ mùng 5, mùng 6 Tết.

Cụ Trần Văn Tình (86 tuổi) cho hay: “Năm nay mọi người đã đi Phủ từ trước ngày khai phiên chợ Viềng nên vào những ngày diễn ra phiên chợ chính thức có vẻ vắng hơn mọi năm nhưng vẫn đông”.

Tại Phiên chợ Viềng Phủ có một chương trình chơi xổ số rất hút khách
Cận cảnh những vé xổ số
Và phần thưởng của chúng là những chiếc xe đạp mới cóng

Theo ghi nhận của Pv, từ chiều ngày 7 Tháng Giêng (Âm Lịch) đã có rất đông người đến Phiên chợ Viềng. Cả một con đường kéo dài từ ngã ba Thị Trấn Vồi tới cửa chính của Phủ Dày đã xảy ra tắc nghẽn cục bộ.

Con đường càng về Phủ Dày càng đông đúc hơn, thậm chí, chỉ vài trăm mét gần đến Phủ đã xảy ra tắc đường thành hàng dài, chỉ vài trăm mét nhưng để đi bộ thoát ra khỏi đó thì phải mất gần cả giờ đồng hồ.

Trời càng về khuya, lượng khách đến càng đông hơn, nhiều người từ những nơi khác đến cũng chen chân theo dòng người, tất bật mua cho mình một “cành lộc” để cầu may.

Những vận dụng gắn liền với nhà nông

Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ này cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau, đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, .. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người, Chợ Viềng Phủ (Vụ Bản) càng ngày càng có ít hàng hóa hơn, “nghèo nàn” về chủng loại khiến nhiều người không vừa lòng.

Theo anh Hoàng Đức Sang, một du khách Hà Nội đi cả 2 phiên chợ Viềng cho biết: “Ở chờ Viềng Chùa có nhiều hàng hóa, đa dạng hơn chợ Viềng Phủ. Nghe nói mọi năm ở chợ Phủ có đồ cổ nhưng năm nay tôi tìm hoài mà không thấy đâu. Chỉ khi sang chợ Viềng Chùa thì mới thấy bạt ngàn”.

Ở chợ Viềng Chùa có nhiều hàng hóa, đa dạng hơn chợ Viềng Phủ.

Con đường nối liền chợ Phủ và chợ Chùa đang rực sáng trong đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng (Âm lịch) vì hàng nghìn người đi du xuân. Người và xe xen lẫn với nhau, tạo ra một mớ hỗn độn, xộc xệch, tiếng còi xe ing ỏi trong đêm.

Du khách ai cũng cảm thấy nóng nực, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi trong khi gió mua đang về, cái lạnh nơi đây đang rơi vào khoảng 16 độ. Hai chợ cách nhau chỉ vài cây số, nhưng để đến được nơi cần đến, du khách phải mất cả giờ chen chúc trong một “biển người”. Có người phải lao cả xe xuống ruộng để mong thoát khỏi đám tắc đường.

Nơi đâu có lễ hội, nơi đó có chặt chém

Dù đã biết trước tâm lý bị “chặt chém” khi đi hội ngày xuân, nhưng nhiều du khách đã phải “ngã ngửa” khi mục sở thị vì bị hét giá. Không ai nghĩ, ở chốn linh thiêng này, nạn chặt chém vẫn có thể “vươn vòi” ra được.

Đường vào phủ bị tắc nghẽn

Tại đây, giá gửi ôtô giao động từ 200.000 - 300.000 đồng, xe máy 20.000- 30.000 đồng/chiếc. Bất kể chỗ nào có khoảng trống thì người dân chiếm dụng làm nơi gửi xe, từ đền chùa, bến bãi, thậm chí cả nghĩa trang cũng được tật dụng triệt để.

Tiếp tục đi vào sâu trong chợ, đặc sản chợ Viềng, năm nào cũng loanh quanh vài món hàng như cây, hoa cảnh, dụng cụ nông nghiệp, thịt bò, thịt bê,….

Theo khảo sát của PV, giá phong lan tại đây giao động vào khoàng 100.000 – 200.000 đồng. Giá những cây cảnh loại nhỏ thì giao động từ 30.000 – 100.000 đồng tùy loại.

Đặc biệt, đặc sản của chợ Viềng là thịt bò, thịt bê. Các quầy thịt bê, bò kéo thành hàng dài hai bên đường. Có những quầy hàng bê nguyên con bò to tổ chảng lên bàn để “trưng bày”. Tuy có rất nhiều tiểu thương bán thịt bê, bò trong phiên chợ này nhưng ai cũng thoắn thoắt người thì xẻ thịt, người thì mời mọc khách hàng và ai trông mặt mày đều phấn khởi.

Cô Thắm, một tiểu thương khẳng định chắc nịch: “Nhiều bao nhiêu nhưng kiểu gì cũng hết”. Giá thịt ở đây cũng “nhảy múa” theo thời gian.

Anh Trần Văn Thắng, người địa phương cho biết: “Buối sáng nay, giá thịt bò có lúc lên tới 300.000 đồng/kg. Nhưng đến chiều tối thì chúng giao động vào khoảng 220.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại”.

Anh Thắng lí giải: “Vì càng vế tối, hàng về càng nhiều. Nhiều người phải giảm giá xuống để cạnh tranh. Hoặc tránh tình trạng ế hàng”.

Các hoạt động kinh doanh tại nơi đây được một ngày hút khách. Từ những ông, bà viết sớ
Các cửa hiệu cây cảnh
Hay những cành lộc bằng vàng mã. Ai cũng mong cho mình được một cành lộc mang về.

Tuy nhiên, các mặt hàng tại đây có bán đắt hơn so với mọi ngày, nhưng khách hàng đều chi không tiếc tiền.

Ngoài ra, dịch vụ ăn uống tăng lên gấp rưỡi. Thậm chí, tại đây 3 cốc trà đá có giá 20.000 đồng.

Anh Đỗ Minh, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Đi chợ Viềng là để cầu may. Không nên vì tiền mà kì kèo nơi đất thánh, như vậy là không hay. Tuy nhiên, cũng thuận mua vừa bán. Giá cả phải chăng thì mua nhiều, đắt quá thì mua ít. Vì bản chất của đi chợ Viềng là mua cái lộc, ít nhiều cũng nên có một món đồ nào đó mang về để lộc cả năm”.

Ai cũng mong sang năm mới nhận được nhiều may mắn

Đi chợ Viềng đầu năm đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt

Phiên chợ Viêng hàng năm là nơi "bán điều rủi, mua sự may". Nó đã trở thành một nét văn hoá đẹp của người Việt.

Và đã thành một thông lệ, những người đi chợ Viềng về đều mang theo ít nhất một món đồ bất kì được bán tại chính phiên chợ này. Những món đồ đố có thể là những cành mã vàng, những cành lộc xanh từ những loại cây cảnh khác nhau, hoặc một ít thịt bò, bê mang về. Chúng tượng trưng cho sự may mắn, là những phước lành xua đi những điều không may mắn trong năm qua, rước về nhà niềm hạnh phúc, an bình trong năm mới.

Tác giả bài viết: Tiểu Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP