Người phụ nữ sống đời thực vật do chảy máu não sau mổ tim
Mấy hôm này dù nắng nóng nhưng hàng xóm cũng kéo đến nhà anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1977, trú xóm 14, xã Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An) chật cả thềm. Dẫu không giúp được gì nhiều nhưng tình làng nghĩa xóm, họ mong anh Thắng khuây khỏa được phần nào hoặc trông chị Dương Thị Nga - vợ anh Thắng, để anh chợp mắt một lúc sau 1 đêm thức trắng.
Sau phẫu thuật tim, chị Dương Thị Nga bị chảy máu não, rơi vào tình trạng sống thực vật.
Ông Nguyễn Văn Hồng, bà Nguyễn Thị Quý – bố mẹ đẻ anh Thắng ứa nước mắt mỗi khi ai đó nhắc tới tình cảnh con dâu và 2 đứa cháu nội. “Có bao nhiêu cái khổ trên đời thì ông Hồng, bà Quý vơ hết về mình rồi. Nuôi con rồi nuôi 5 đứa cháu mồ côi, được vợ chồng thằng Thắng trọn vẹn hơn một chút thì giờ mẹ Nga lại nằm một chỗ, không biết trụ được bao lâu nữa”, một người hàng xóm nói.
Bà Quý sụt sùi, bảo, nhỡ mẹ Nga có mệnh hệ gì, hai thân già không biết xoay xở ra sao.
Chị Nga vốn khỏe mạnh, dạo gần đây thấy xây xẩm mặt mày rồi ngất xỉu lúc nào chả hay. Đi khám thì họ bảo hở van tim, sùi động mạch chủ phải phẫu thuật gấp. Ca phẫu thuật thành công thì bác sỹ thông báo, bệnh nhân bị tràn máu não. “Bác sỹ bảo tim ổn định rồi, không đáng ngại nữa. Chưa kịp mừng thì bác sỹ lại thông báo bệnh nhân bị chảy máu não, nếu có xử lý thì cũng sống thực vật suốt đời. Chỉ cần cô ấy sống thôi, để các con anh còn được nhìn thấy mẹ…”, anh Thắng bỏ lửng câu nói ở đó, không dám nghĩ đến tương lai u ám kia. Chị Nga phải thở oxi, mở nội khí quản, mở tĩnh mạch sau đầu để duy trì sự sống.
Nợ chồng nợ, anh Thắng đành đưa vợ về nhà.
Sau một thời gian chữa trị ở Bệnh viện Bạch Mai, chị Nga được chuyển về Bệnh viện đa khoa Nghệ An để tiện chăm sóc. Sau đó chị Nga lại được chuyển về Bệnh viện đa khoa huyện Nam Đàn trong tình trạng gần như không nhận thức được những gì diễn ra xung quanh. Số tiền vay nợ lên tới 160 triệu, không còn khả năng vay tiếp, anh Thắng đành đưa vợ về nhà.
Chị Nga nằm trên chõng, thỉnh thoảng đường như đau đớn quá, đôi chân giật liên hồi, mắt trợn ngược trắng dã. Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Tấn Vượng xếp hai ghế hai bên giường, mỗi đứa một tay, nắn nắn, xoa xoa cho mẹ. Từ hồi mẹ ngã bệnh, bố đi viện chăm sóc, anh em Tấn phải tự mình làm hết mọi việc trong nhà, từ giặt giũ, nấu cơm, rửa bát. “Chúng nó còn dại quá, có biết gì đâu. Vừa bóp tay, vừa hát ông ổng, có khi tị nhau việc nhà rồi bảo, hôm nào mẹ khỏe, mẹ làm hết cho, hai đứa tha hồ ra bãi sông đá bóng”, bà Quý chép miệng.
Từ hồi đưa vợ về nhà, anh Thắng tự tay làm hết mọi công đoạn chăm sóc vợ. Anh học cách lấy đờm dãi bít đường thở, điều chỉnh bình oxi, lau người... cho vợ. Chẳng có điều hòa, nằm đệm nước thì bí mồ hôi gây lở loét da nếu không được vệ sinh cẩn thận. Anh Thắng có sáng kiến cuộn chiếc chiếu cói thành từng đoạn, đặt vợ nằm trên những đoạn chiếu cuộc đó, lưng, mông người bệnh không phải tiếp xúc hoàn toàn với chiếu. Trong thẻ phẫu thuật, các bác sỹ cho biết bệnh nhân phải sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời nhưng thuốc lại bán theo đơn, trong khi đó anh Thắng lại quyết định đưa vợ về nên không có đơn, đồng nghĩa với việc không có thuốc uống và phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn về sức khỏe.
“Từ hôm về nhà tôi thấy Nga cũng có sinh khí hơn”, anh Thắng tự động viên chính mình.
Sau phẫu thuật, chị Nga được chỉ định phải dùng thuốc chống đông máu nhưng từ khi được đưa về nhà anh Thắng không có đơn thuốc để mua cho vợ dùng.
Bởi sự sống của chị Nga phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc nên luôn phải có người túc trực 24/24. Buổi ngày anh em Tấn, Vượng, bà con lối xóm thay nhau trực, anh Thắng trực ban đêm. Từ ngày vợ ngã bệnh, anh Thắng cũng không thể đi làm ở đâu. Sức khỏe của vợ, tiền trả nợ, rồi chuẩn bị cho 2 con vào năm học mới khiến anh quay cuồng không biết tính cách nào. “Anh chỉ mong vợ khỏe hơn một chút để anh yên tâm đi làm kiếm tiền chạy chữa, trả nợ. Từ hồi mẹ Nga ngã bệnh, trong nhà có gì bán được anh cũng bán hết rồi, mai mốt cái ăn ngày 2 bữa cũng chưa biết tính sao”, anh Thắng rầu rĩ.
Nghe con nói, bà Quý thở dài: “Nhà còn ít lúa, mai mẹ kêu người đến bán, lo sách vở, học phí cho các cháu”. Ngoài khoản đóng góp đầu năm của Tấn và Vượng, bà Quý còn phải lo cho 2 đứa cháu mồ côi tội nghiệp mà ông bà đang nuôi. Không biết, từng đó lúa có đủ lo cho cả 4 đứa cháu.
Mất điện, bé Vượng dùng bìa cat tông quạt cho mẹ, trong khi anh Thắng tự mình làm y tá, xử lý đờm dãi bít đường thở cho chị Nga.
Mất điện, thằng Vượng chạy đi tìm quạt giấy. Chả biết nỏ để ở đâu, tìm mãi không thấy. Vượng xuống bếp, xé vỏ thùng cat tông làm quạt. Nó ngồi ở chân giường, vừa phe phẩy quạt, vừa nhìn bố và anh hút đờm dãi trong cổ mẹ qua ống nội khí quản. Mỗi lần anh Thắng thòng sợ dây cao su vào cổ, bơm nước vào, chị Nga lại oằn mình lên, mắt trợn ngược vì đau. Thằng Vượng rơm rớm nước mắt: “Mẹ ơi, tỉnh dậy đi mẹ. Con với anh Tấn ngoan rồi, mẹ tỉnh dậy đi…”.
Lời khẩn cầu của bé Vương như muối xát vào lòng người khác. Số mệnh của chị Nga như ngọn đèn treo trước gió bởi ngay là loại thuốc cần kíp như chống đông máu sau phẫu thuật cũng chẳng được dùng…
Bà Quý rầu rĩ trước tình cảnh con trai, con dâu và các cháu đang phải trải qua. Bà bảo, còn ít lúa sẽ bán đóng tiền học cho các cháu vào năm học mới.
Về hoàn cảnh của vợ chồng anh Thắng, chị Nga, ông Nguyễn Văn Phượng – Chủ tịch UBND xã Nam Trung nói: “Vợ chồng chị Nga trước đây cũng không đến nỗi khó khăn vì hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, góp nhặt. Đùng một cái, chị Nga mắc bệnh hiểm nghèo, nợ chồng chất mà người thì nằm một chỗ, chẳng biết trụ được bao lâu nữa. Vừa rồi chính quyền xã cũng tổ chức đến động viên, thăm hỏi, chia sẻ một phần khó khăn với gia đình. Xã cũng giao Hội phụ nữ đứng ra kêu gọi, chuyển hồ sơ đến các cấp, các tổ chức để kêu gọi, giúp đỡ để chị Nga có thêm điều kiện chữa trị nhưng kết quả cũng chưa được nhiều. Riêng đối với hai cháu Tấn và Vượng, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, xem xét để giảm một phần học phí cho các cháu khi bước vào năm học mới”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Nguyễn Văn Thắng, xóm 14, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, Nghệ An. ĐT: 01674317644. STK: 711A92327526 – Tên chủ TK: Nguyễn Văn Thắng (Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Thăng Long - Hà Nội)
Tác giả bài viết: Hoàng Lam