Chị kể, mọi năm có giúp việc nên gia đình khá nhẹ nhàng khi con nghỉ hè. Còn năm nay, chị vắt óc mà chẳng nghĩ ra cách hợp lý cho cả hai cháu. Mới đầu, chị cũng tính xếp lịch cho cô con gái đi học thêm, tham gia các hoạt động năng khiếu ở nhà thiếu nhi nhưng có vậy cũng chẳng thể “kín” theo lịch làm việc hành chính của bố mẹ. Rồi lại vướng cậu con trai không có chỗ gửi.
Nhốt con trong nhà...
Sử dụng đến máy tính, Ipad là cách mà nhiều phụ huynh ở thành phố sử dụng để "trông" con trong những ngày hè
Cực chẳng đã, chị làm liều nhốt hai con trong nhà, đi làm với tâm trạng bất an. Mấy ngày đầu, 5 - 10 phút là chị gọi điện về một lần để hỏi tình hình.
“Đừng tưởng nhốt con trong nhà mà an toàn, nguy hiểm từ điện nước luôn rình rập. Giao đứa bé 3 tuổi cho cô chị đến giờ còn chưa biết tự tắm mình chẳng yên tâm chút nào. Nhưng đâu còn cách nào khác, để con ra ngoài còn đáng sợ hơn”, người mẹ cho biết.
Lo lắng đã đành, trước lúc chị đi làm hay ở nhà, bé trai lại lau lảu: “Mẹ ơi, đừng nhốt con nữa nghen. Con năn nỉ đó”, làm chị chát cả lòng.
Không có nơi giữ con, khó khăn trong việc tìm hoạt động trong hè cho con, nhiều phụ huynh ở thành phố phải bày ra đủ trò để “quản” con trong thời gian nghỉ. Không thiếu những cách ngột ngạt, bức bí, tác động không tốt đến con nhỏ, bố mẹ vẫn phải nhắm mắt làm liều.
Từ ngày trẻ vào hè, khắp các ngõ hẻm ở TPHCM lúc nào cũng thấy trẻ em lớn nhỏ qua lại, tụ tập vui chơi ngay lối đi lại. Các em ngồi ăn hàng vặt, rồi chơi đá cầu, ném dép giữa đường với rất nhiều nguy hiểm rình rập. Người đi đường nào cẩn thận thì mỗi lần qua lại phải bấm còi inh ỏi, thậm chí vừa điều khiển xe vừa phải hò hét dẹp các em để lưu thông.
Thả rông con lông bông ngoài đường vào dịp hè với nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, nắng nôi, có thể bị người lạ dụ dỗ… nhưng nhiều gia đình vẫn đành phải chấp nhận vì không còn cách nào khác.
Anh Trần Quốc Tiến, ở trong con hẻm nhỏ đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM cho biết vợ chồng anh đi làm từ sáng đến tối, nhốt con thì không đành nên buổi nào con không đi học thêm là đành… thả rông con rồi nhờ cô bán hàng gần nhà để mắt.
“Vợ chồng đi làm xa, trưa nào không về được thì con ăn luôn cơm ngoài hàng. Nói thật, để con khỏi chạy rông ngoài đường hay đi đâu mình không quản được, tôi đành chấp nhận cho con ngồi vào quán game. Chỉ có chủ nhật bố mẹ mới có thời gian giữ con ở nhà hoặc tranh thủ bù đắp đưa con đi đây đi đó được”, anh Tiến bộc bạch.
Cho con ra ngoài, tự quản lý mình thì đủ nỗi sợ, khóa con trong nhà là cách không ít phụ huynh chọn để giữ con trong hè. Những ngày hè dễ thấy ở nhiều căn nhà, căn hộ chung cư hay căn phòng thuê trọ bên trong những cánh cửa được khóa ngoài cẩn thận là hình ảnh những đứa trẻ. Có trẻ lủi thủi một mình, có nhà thì có chị có em. Có những em học cấp 2, cấp 3 nhưng thả ra vẫn lo sợ nên phụ huynh cũng áp dụng chiêu khóa cửa, thích làm gì trong nhà thì làm.
Chị Phan Thúy Thảo, ngụ ở quận Thủ Đức có hai cậu con trai cho biết, khi con vào tiểu học nhà chị cũng “cắt” luôn người giúp việc. Ngày thường các cháu đến trường, chiều tối mới đón về mà bố mẹ đã bở hơi tai. Hè chị cho con đi học ngoại ngữ, đi học năng khiếu nhưng cũng không thể kín lịch. Những lúc bí, chị cũng nhắm mắt chọn cách khóa trái cửa nhốt hai con trong căn hộ chung cư.
Chị nói: “Khóa con trong nhà cũng không dễ, các cháu bức bối không chịu. Để hai con bớt quậy phá và được an toàn, có lúc tôi phải bật ti vi, máy tính để giữ chân con. Buổi tối bố mẹ về các cháu mới được xuống sân ở khu chung cư chơi”.
Ngược lại, nhiều đứa trẻ được "thả rông" cũng rất nhiều mối nguy cơ khi các em thiếu kỹ năng bảo vệ an toàn cho bản thân (ảnh minh họa)
Bố mẹ thiếu thời gian, thiếu những sân chơi lành mạnh cũng như con trẻ khó khăn, thiếu kinh nghiệm trong việc tự quản lý bản thân khi rời trường học, nhiều gia đình rơi vào cảnh lúng túng để quản lý con nhỏ. Từ việc đẩy con đến các lớp học thêm, học năng khiếu, vui chơi sao nhưng vẫn không giải quyết được hết thời gian của trẻ, không ít gia đình phải dùng đến những cách giữ con như nhốt trẻ, cho trẻ sử dụng máy tính, điện thoại, chơi game mà không có ai quản lý… tiếp tay không ít mối nguy cho trẻ.
Quản con bằng những hạ sách không chỉ giữ về thân thể mà còn nhốt tuổi thơ con, nhốt những cơ hội trải nghiệm, cơ hội quan sát để tư duy rộng mở. Nhà giáo Đinh Thanh Phương chia sẻ mùa hè là mùa đáng sợ với nhiều phụ huynh vì không ai trông giữ con nhưng lại là mùa hạnh phúc nhất với con trẻ nếu các em có những ngày nghỉ ý nghĩa. Chỉ cần một giờ, một ngày của con qua đi là không bao giờ lấy lại được.
“Mẹ ơi, đừng nhốt con!”, tiếng gọi tha thiết của con trai chị Thanh có lẽ cũng là tiếng của nhiều đứa trẻ đang trải qua những ngày hè tội nghiệp, ngột ngạt. Cũng có phụ huynh chưa thấy hết giá trị của một mùa hè ý nghĩa đối với con nhỏ nhưng cũng có những gia đình bế tắc vì thiếu thời gian, bố mẹ quay cuồng với áp lực công việc, mưu sinh.
Tác giả bài viết: Hoài Nam