Ghé thăm xóm 6, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An chúng tôi được anh Lê Văn Toàn (1974) chia sẻ về hoàn cảnh khốn khó của người đàn ông một nách 3 đứa con thơ.
Sinh ra tại vùng quê nghèo đầy gió Lào và cát bụi, tuổi thơ anh êm đềm bên chúng bạn. Bước vào tuổi 20, trong một lần đốn củi trong rừng anh bị gãy chân do rơi xuống cầu. Từ đó anh mang dị tật ở chân, đi lại không còn nhanh nhẹn như trước. Tuy nhiên, được tiếng là chàng trai hiền lành lại chịu thương chịu khó, anh được bầu làm Bí thư đoàn xóm. Những hoạt động do xã tổ chức đã kết nối anh với chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1977) - người con gái cùng thôn.
Bốn bố con anh Toàn từ ngày vợ, mẹ mất trở nên bơ vơ, khốn khó.
Khi tình yêu đã chín muồi theo năm tháng, anh ngỏ lời muốn rước chị về làm dâu và được chị gật đầu đồng ý. Đám cưới của đôi vợ chồng trẻ diễn ra ngay sau đó trong lời chúc phúc của họ hàng hai bên. Trong cái nghèo, cái đói nhưng ngôi nhà nhỏ của anh chị luôn đầy ắp tiếng cười.
Năm 2002, bé Nguyễn Thị An Hải chào đời trong niềm hạnh phúc của mọi người. Gian nhà đơn sơ nhưng niềm vui chưa bao giờ cạn khi đôi vợ chồng trẻ đón thêm 2 đứa con trai là Lê Văn Hưng (SN 2004) và Lê Văn Thái (SN 2006).
Mùa mưa bão đang đến khiến nỗi lo ngày một chồng chất.
2 năm sau ngày thằng con trai út sinh ra, anh Toàn bỗng lên cơn đau dữ dội. Sau nhiều lần thăm khám, anh như chết lặng khi cầm trên tay tờ giấy kết luận “Lê Văn Toàn mắc bệnh thần kinh dị dạng ở não” với yêu cầu: “Cần phải nhập viện phẫu thuật gấp”.
“Tui cứ nghĩ bị chi đó đơn giản thôi, chứ mô nghĩ bị nặng rứa. Cầm tờ giấy kết quả tui không tin mô. Còn vợ khi biết tui bị rứa thì khóc suốt. Hắn bàn với tui bán hết thóc đi mà chữa bệnh, nhưng bán hết rồi lấy gì mà ăn”, anh Toàn chia sẻ.
Anh không chịu nhưng lúa trong nhà đã sạch trơn từ lúc nào rồi còn viện phí cho anh phẫu thuật vẫn chưa đủ. Chị Thủy quyết định bán nốt căn nhà, nơi trú mưa, tránh nắng của gia đình 5 người dồn tiền cho chồng chữa bệnh. Và ca phẫu thuật đầu tiên những tưởng sẽ thành công, không ngờ ông trời lại khéo trêu ngươi khi bác sỹ thông báo anh Toàn không còn khả năng lao động. Từ đó, mọi việc lớn nhỏ trong nhà do chị Thủy gánh vác, đảm đang.
Thương anh, chị không quản ngại vất vả, quần quật cả ngày ngoài đồng ruộng. Thế nhưng cái nghèo luôn bám lấy gia đình anh. “Tui không làm được chi, mọi việc trông vào vợ cả. Rứa mà chưa khi mô cô ấy kêu lấy một tiếng. Ở cái nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, mình làm nuôi bản thân còn khó huống gì vợ tui, một người phụ nữ chân yếu tay mềm làm quần quật nuôi 5 miệng ăn còn vất vả hơn gấp bội”, anh Toàn nói.
Khi con cua, con ốc ngoài đồng chẳng đủ nuôi sống gia đình, chị bàn với anh để chị vào Nam làm công nhân, hàng tháng gửi tiền về cho bố con anh. Quyết là làm, chị Thủy chuẩn bị cho bố con anh một số lúa đủ ăn trong thời gian tới rồi chị khăn gói vào Sài Gòn làm công nhân cho một nhà máy may.
Tuy không giúp vợ được những việc lớn, nhưng ở quê nhà anh gắng chỉ dạy mấy đứa con học hành đàng hoàng. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình, 3 đứa con anh, đứa lớn chỉ đứa bé, đứa nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép.
“Mẹ làm trong kia nhưng luôn lo lắng cho chị em cháu. Lúc nào gọi điện về mẹ cũng dặn từng li từng tí. Chị em cháu nghe lời mẹ dặn để bố mẹ được vui”, bé Nguyễn Thị An Hải chia sẻ.
3 năm chị đi làm công nhân cùng với sự tích góp của bố con ở nhà và vay mượn thêm, cố xây gian nhà mới trên mảnh đất nhà ngoại cho để thay thế cho ngôi nhà lụp xụp, ẩm thấp. Cha con anh Toàn đang phấn chấn vì sắp tới sẽ được sống trong căn nhà kín trên bền dưới.
Thế nhưng, niềm mong đợi, niềm vui chưa kịp vui đó thì thêm một lần nữa tai họa ập xuống gia đình anh khi tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của chị Thủy trong một buổi chiều đi làm về.
Ngày nhận tin chị mất, anh như chết lặng: “Tui biết mà, mấy ngày nớ trong người tui như lửa đốt. Tui đang nói với mấy người hàng xóm không biết có chuyện chi. Tối bữa nớ (tối hôm đó) tui có gọi điện thoại cho vợ nhưng không ai nghe máy, sáng mai thì người ta nói Thủy mất rồi. Nghe xong câu nớ tui lịm đi, tui không tin mô”. Nhận được tin vợ mất, lòng anh đau như cắt, cố ôm 3 đứa con thơ vào lòng mà hét lên rằng: “Con ơi! Mẹ chết rồi”.
Ngày chiếc xe tang từ từ lăn bánh đưa thi thể chị Thủy về với bố con anh, anh không còn đủ sức để gượng dậy. Cố lắm anh chỉ lết ra tới quan tài nhìn mặt chị lần cuối rồi lịm hẳn.“Đau lắm cô à”. Nói tới đây anh khóc, nước mắt lăn dài trên đôi gò má.
“Từ ngày mẹ nó mất, 3 đứa trầm hẳn đi. Thương con nhưng biết làm răng được. Mấy đứa còn nhỏ quá, nhất là thằng út, hắn đã biết chi mô, hắn vẫn hay hỏi mẹ, cứ mỗi lần hắn hỏi là chị hắn lại khóc. Đêm đêm 3 đứa hắn vẫn đứng trước bàn thờ mẹ khóc nghẹn ngào”, anh Toàn đau buồn kể lại.
Chị ra đi về thế giới bên kia để lại cho anh 3 đứa con thơ còn đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới, anh lại là người không còn khả năng lao động, rồi đây không biết sẽ ra sao.
Chuẩn bị bước vào năm học mới, biết nhà không có tiền, 3 đứa con anh tự bảo nhau thời gian rảnh lại ra đồng đứa mò cua, đứa bắt ốc, đứa lại đào rau má về bán. “Tui biết tìm mô ra tiền để mua sách vở, quần áo và đóng học phí cho các con đây. Rồi đây không biết làm như răng cho mấy đứa con tui thoát nạn mù chữ”. Trong tiếng nấc nghẹn ngào anh Toàn chia sẻ.
Nỗi lo về tương lai của 3 đứa con như quặn thắt lòng một người cha như anh. Để đêm về mỗi khi nằm xuống anh vẫn không thôi trăn trở. Rồi đây con xin tiền học anh biết lấy đâu ra khi anh em nội ngoại chẳng mấy khá giả, đó còn chưa tính số tiền gia đình anh còn nợ 150 triệu đồng vay ngân hàng, anh em bà con lối xóm. Đứng trước di ảnh người vợ đang cười hiền, anh Toàn nghẹn ngào: “Vợ ơi! Em đi rồi anh biết lấy gì cho 3 đứa con ăn học đây?”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Lê Văn Toàn, xóm 6, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Điện thoại: 01694.609.526
Tác giả bài viết: Hồng Thắm - Nguyễn Duy