Du lịch

Lý Sơn trong mắt ai

Tôi trở lại Lý Sơn sau một năm xa quê, dù đã nghe, đã xem thông tin trên báo nhưng vẫn ngỡ ngàng trước sự đổi thay chóng mặt của hòn đảo. Từ cầu cảng Lý Sơn nhìn về cổng chào vào thôn Tây An Vĩnh, quán cà phê cao tầng Central Lý Sơn chào đón du khách với vẻ hào nhoáng rất thị thành.

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao.


Tại nhà nghỉ Tường Vy, đón chúng tôi là một cậu trai trẻ. Sau khi đưa khách đến tận phòng, cậu rút namecard ra và giới thiệu mình tên Mỹ, chủ nhà nghỉ. "Khi ra Lý Sơn có gì gọi em, chỗ em cho thuê xe máy, các anh muốn đi đâu cũng được". Sinh ra ở Lý Sơn nhưng Mỹ không theo nghiệp ngư dân như cha, từ khi Lý Sơn nổi lên như một điểm du lịch hấp dẫn, Mỹ chuyển sang kinh doanh dịch vụ lưu trú. Sau một năm kinh doanh, Mỹ có phong thái tự tin và cách phục vụ như một người làm du lịch chuyên nghiệp.

Còn nhớ 2 năm trước, chúng tôi theo chân Tỉnh đoàn cán bộ Quảng Ngãi ra Lý Sơn khánh thành cột cờ tổ quốc và ngủ lại nhà nghỉ Đại Dương, điểm lưu trú duy nhất cho du khách trên hòn đảo vào thời điểm ấy. Cơn bão ập đến, chúng tôi mắc lại mấy ngày, đêm đến, gió ngoài biển thổi to và mưa nặng hạt. Năm người ăn tối với một chiếc đèn dầu leo lắt, tìm đủ chuyện tán dóc cho đỡ não ruột, đóng cửa ngủ sớm trong cảnh không điện, không tivi, không Internet, những thói quen bình thường trong đất liền là những thứ xa hoa với cư dân đất đảo.

Một năm trước, điện lưới quốc gia đến đảo Lý Sơn đem sức sống mới cho hòn đảo. Lý Sơn - quê hương hải đội Hoàng Sa như một điệp khúc vang vọng thôi thúc du khách cả nước tìm về, cộng hưởng với vẻ đẹp hoang sơ, ngành công nghiệp du lịch trên đảo bùng nổ. Sau 2 năm, gần 20 nhà nghỉ, khách sạn mọc lên rải đều trên đảo Lớn.

Từ khách sạn, chúng tôi cùng đoàn khảo sát lập hồ sơ đề nghị Công viên địa chất toàn cầu cho Bình Châu - Lý Sơn đi từ cầu cảng An Hải về hướng đông để đến thắng cảnh hang Câu. Xe đi qua những công trình xây dựng ngổn ngang, đồ sộ nhất là dự án Khách sạn Mường Thanh - Lý Sơn của tập đoàn Mường Thanh dự kiến sẽ cao đến 7 tầng.

Nhìn những khối bê tông xám ngoắc, chị đồng nghiệp cùng xe tiếc nuối: "Lý Sơn không còn nguyên sơ như mấy năm trước". Rồi mọi thứ sẽ đổi thay, chưa biết cuộc tỉ thí nhan sắc giữa những chùa Đục, hang Câu... và những tòa nhà cao tầng sẽ dẫn đến kết quả ra sao nhưng cảm xúc mà những người gắn bó với Lý Sơn cùng chia sẻ là mừng nhưng lo.

Là một điểm du lịch đang lên, nhiều tập đoàn lớn như Mường Thanh, Saigon Tourist tìm đến Lý Sơn như một điểm đầu tư tiềm năng. Ngoài nhà nghỉ, khách sạn của dân, những công trình của nhà đâu tư mọc lên khiến UBND huyện lúng túng trong việc cấp phép. Trong khi đến năm 2016, đảo Lý Sơn mới có quy hoạch tổng thể thì mối lo hòn đảo bê tông hóa đã nhãn tiền.
Một vị làm ở Bộ Ngoại giao lần đầu đến Lý Sơn nhưng đã đưa ra một nhận xét xác đáng: "Quá nhiều xung đột trong phát triển ở Lý Sơn". Bộ Ngoại giao đã giục Quảng Ngãi lập hồ sơ đề nghị khu vực Bình Châu - Lý Sơn là Công viên địa chất toàn cầu. Khái niệm công viên địa chất toàn cầu, theo UNESCO là một khu vực có địa chất và phong cảnh được quản lý theo một quan niệm tổng thể gồm bảo vệ, giáo dục và phát triển bền vững. Nhưng mới qua 2 năm, Lý Sơn đã nét chớm hiện đại của một đô thị đang hình thành, mâu thuẫn sẽ được giải quyết như thế nào?

Chiếc xe đi ngang qua những ruộng tỏi xanh mướt rồi dừng lại ở một bãi san hô chết. Nhiều người biết đến tỏi Lý Sơn nứt tiếng, ít ai biết rằng kết tinh nên hương vị đặc trưng, một trong những dưỡng chất mà cây tỏi hấp thụ là cát san hô chỉ có ở nơi này.

Tháng 10.2014, tại hội nghị tìm hướng phát triển đảo tiền tiêu Lý Sơn, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - cho biết, trong 40 năm, hòn đảo mất đến 1km vuông do nước biển xâm thực. Điều này ít nhiều có liên quan đến việc khai thác san hô chết để trồng tỏi, dù loài cây đặc sản này là sinh kế của rất nhiều cư dân. Lại thêm một mâu thuẫn nữa, đảo Lý Sơn tự "ăn" mình?

Đến hang Câu, những vách đá trầm tích cổ xưa cao lừng lững, từng mạch đá tạo thành vân như muốn đánh dấu cho con người biết những niên đại phun trào của núi lửa kiêu hãnh. Ngoài kia, những lớp sóng vỗ mạnh vào những rạng đá khi chìm khi nổi, một màu nâu đen huyền bí.

Gió biển thổi vào lồng lộng, hồn người choáng ngợp. Lý Sơn lại hiện ra là thắng cảnh của bà mẹ tự nhiên như hòn đảo vốn dĩ.

Lọ mọ soi từng lớp trên vách đá, ông Trần Tân Văn - giải thích, quá trình hình thành đảo Lý Sơn rồi nói về ý nghĩa của Công viên địa chất toàn cầu: "UNESO yêu cầu những khu vực phải có ý nghĩa địa chất, địa mạo tầm quốc tế. Nhưng không chỉ là địa chất đơn thuần, mà trên không gian đó đời sống, văn hóa con người hình thành gắn kết với thiên nhiên".

Tôi chợt nghĩ, việc lập hồ sơ đề nghị công nhận là công viên địa chất toàn cầu, với kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch và giúp tỉnh Quảng Ngãi phát triển bền vững đã đặt ra câu hỏi về "triết lý phát triển" của một địa phương. Mà có lẽ Lý Sơn đang "lúng túng". Làm sao cân bằng giữa chức năng đảo quân sự với phát triển kinh tế, giữa cảng cá và cảng du lịch, giữa du lịch và nông nghiệp, giữa cơ sở hạ tầng và thiên nhiên hoang sơ, giữa hiện đại và truyền thống.

Dường như Lý Sơn đang được nhìn bằng nhiều con mắt khác nhau, với những sự gắn bó khác nhau và lợi ích khác nhau. Chiều tối, chúng tôi uống bia ở một quán ven bờ kè, một dãy quán nhậu bình dân ven biển đã hình thành gần năm nay khiến Lý Sơn giống với đất liền hơn khiến tôi băn khoăn về bản sắc. Hiện đại rồi con người có hồn hậu như xưa?

Tôi đã có một đêm ngon giấc với tiện nghi, internet chạy tốc độ cao và tắm nước ấm từ bình điện trong một đêm đông lạnh tê tái. Hôm sau, tôi bị trễ tàu về đất liền. Chị Lê Thị Một, người đang làm du lịch homestay thấy tôi tất tả đã chủ động lấy xe dream cà tàng vội chở tôi đi. Sau những băn khoăn, tôi rời đảo với một nụ cười bởi tình người vẫn còn ấm áp.

Tác giả bài viết: Linh Phạm

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP